Trong chương trình phát thanh Kinh doanh và pháp luật, được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình 585, do Bộ Tư Pháp chủ trì, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Công ty cổ phần truyền thông ALO Media phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam PV GAS, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch kiêm giám đốc Công ty S&B Law sẽ trao đổi về chủ đề quy định hợp đồng BOT, BTO và BT theo pháp luật Việt Nam.
S&B Law xin trân trọng giới thiệu nội dung buổi trao đổi.
Phóng viên: Hợp đồng BOT, BTO và BT có những ưu và nhược điểm như thế nào, trong trường hợp nào thì nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT hoặc BTO hoặc BT?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Các hợp đồng trên có chủ thể tham gia ký kết hợp đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một bên tham gia hợp đồng là nhà đầu tư để thực hiện phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội do nhà nước yêu cầu.
Quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh ở đây là quan hệ hành chính-kinh tế.đồng BOT, BTO, BT khác với các hợp đồng kinh tế truyền thống là nhà đầu tư ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động liên quan tới tài chính, thiết kế thi công, vận hành… công trình; trong khi đó hợp đồng truyền thống phía nhà đầu tư có rất nhiều chủ thể cùng tham gia ký kết hợp đồng thực hiện dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về ưu điểm và nhược điểm của loại hợp đồng BOT, BTO, BT:
Về ưu điểm: Có thể nói kể từ khi hình thức BOT, BTO, BT được ban hành, trên cả nước đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư theo hình thức trên, với tổng số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trong các lĩnh vực giao thông; xử lý nước thải; nhà máy điện, đường dây tải điện, cải tạo môi trường và các công trình công cộng khác…
- Mặt được quan trọng của hình thức BOT, BTO, BT là tạo khuôn khổ pháp lý cho thu hút các thành phần tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình kinh tế xã hội quan trọng khác;
- Việc tham gia của thành phần kinh tế tư nhân sẽ làm cho dự án quản lý có hiệu quả hơn, tránh được những tiêu cực trong hoạt động quản lý các dự án đầu tư từ nguồn vốn công; tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác;
- Hình thức BOT, BTO, BT tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp vào nên kinh tế; với tính chất của hình thức BOT có sự chia sẻ rủi ro và hỗ trợ từ phía nhà nước tạo sư hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn tín dụng khác.
- Mỗi loại hình thức BOT, BT, BTO có những nội dung và yêu cầu khác nhau. Chúng có những ưu điểm chung như đã nêu ở trên, nhưng mỗi loại hình có những ưu thế riêng phụ thuộc vào tính chất của từng dự án cụ thể, lĩnh vực đầu tư, phụ thuộc vào quá trình đàm phán dự án và mục tiêu yêu cầu của dự án đặt ra, không có tiêu chí nào cho sự đánh giá cho sự lựa chọn hình thức này có ưu điểm, lợi thế hơn so với hình thức khác.
- Nhược điểm lớn nhất và bao trùm là hệ thống pháp luật về BOT, BTO, BT là còn thiếu, không rõ ràng, không thống nhất áp dụng .Hợp đồng BOT vẫn được xem như hợp đồng kinh doanh thông thường, sự chia sẻ rủi ro của nhà nước không rõ và áp dụng không thống nhất.
- Đối với dự án phát triển cơ sở hạ tầng: hầu hết chủ đầu tư vướng mắc ở quá trình cấp phép và giải phóng mặt bằng;
- Quy định pháp luật cơ chế xét thầu, chỉ định thầu. Không giúp chọn được chủ đầu tư có năng lực (trúng thầu kiểu bỏ thầu thấp, và kỳ vọng vào sự tăng giá gói thầu thông qua việc trì hoãn tiến độ dự án hoặc bỏ dự án).
- Khung pháp lý liên quan việc xét bồi hoàn giá cho chủ đầu tư (do Việt Nam trễ bàn giao mặt bằng, do trượt giá ETC) hiện phụ thuộc vào sự chỉ đạo bằng các văn bản dưới luật của ban ngành liên quan khi phát sinh tranh chấp;
- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng còn bất cập trải rộng từ khâu xét thầu, chỉ định thầu, giám sát nghiệm thu…và cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt đối với các hợp đồng có chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng quốc tế tham gia hầu như Việt Nam chưa có kinh nghiệm để đối ứng. Ngược lại với các nhà thầu, chủ đầu tư nước ngoài, vệc tận dụng vai trò tư vấn luật trong các dự án này của phía Việt Nam là rất hạn hữu cho đến khi có tranh chấp phát sinh.
-Thực tiễn đầu tư cho thấy trong các loại hình BOT, BTO, BT thì hình thức BT được áp dụng là khá phổ biến. Trong số 374 dự án BOT hiện hành thì có 211 dự án BT; 118 dự án BOT và 43 dự án vừa BT+BOT .Con số trên không phản ảnh lợi thế so sánh của các hình thức BOT, BTO, BT, các dự án BT vừa qua có nhiều vì phương thức thanh toán là đất, bất động sản. Lời khuyên lựa chọn hình thức nào phụ thuộc vào tính chất của từng dự án cụ thể; lĩnh vực hoạt động; phương thức thanh toán; yêu cầu của nhà nước và quá trình đàm phán…