Quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi chống phá nhà nước CH XHCN Việt Nam

Nội dung bài viết

SBLAW xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà trên VTV4 về vấn đề liên quan tới các hành vi chống phá nhà nước CH XHCN Việt Nam. Nội dung cụ thể như sau:

1. Xin luật sư cho biết cách nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật về tội liên quan tới hành vi chống phá nhà nước CH XHCN VN, xâm phạm quyền và lợi ích quốc gia?

Trả lời:

Hiện nay, các thế lực phản động, tư tưởng thù địch chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn rất tinh vi; chúng thực hiện chống phá toàn diện trên nhiều phạm vi, lĩnh vực, không chỉ đơn thuần là vấn đề lý luận mà còn bao hàm cả các vấn đề thực tiễn mới nảy sinh. Đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực phản động đã tận dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ kỹ thuật số, các phương tiện trực tuyến, hội nghị quốc tế, các sự kiện chính trị, xã hội trong nước, ... để xuyên tạc và tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch khiến nhiều người khó có thể phân biệt, gây lệch lạc về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những hành vi chống phá Nhà nước thường có những biểu hiện sau:

Thứ nhất, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng

Các thế lực thù địch hiểu rất rõ vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Bởi vậy, để chống phá Đảng thì vấn đề quan trọng hàng đầu mà chúng tập trung là phá vỡ chính là nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, các thế lực thù địch này ra sức xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với các luận điệu cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là minh chứng cho Chủ nghĩa Mác-Lênin hiện đã lỗi thời, không còn phù hợp, hoặc tuyệt đối hóa và chia tách, đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin và xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp Hồ Chí Minh nhằm hạ bệ uy tín và phủ nhận tư tưởng của Người.

Thứ hai, chống phá công tác cán bộ của Đảng

Với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng thời gian vừa qua để xuyên tạc thành “thanh trừng nội bộ cơ quan Đảng”. Hơn nữa, chúng còn thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân.

Thứ ba, phủ nhận thành tựu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng

Các thế lực thù địch trắng trợn phủ nhận hết những thành tựu to lớn mà Đảng và quân, dân ta đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục đích của chúng là hòng tạo nên bức tranh bi quan về tình hình Việt Nam, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

2. Quy định pháp luật Việt Nam về xử lý các tội phạm liên quan đến hành vi chống phá nhà nước?

Trả lời:

Trước đây, Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999 về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Như vậy, với những người có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mức phạt tù có thể lên tới 10 năm đến 20 năm.

Tuy nhiên, nhận thấy trên thực tiễn các hành vi chống phá ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi hơn do sự phát triển của công nghệ thông tin trong đời sống xã hội nên hiện nay, theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có sự điều chỉnh như sau:

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể thấy, Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể hơn Bộ luật hình sự năm 1999 những hành vi thuộc vào loại tội này. Hơn nữa, việc bổ sung thêm khoản 3 về trường hợp chuẩn bị phạm tội cho thấy Đảng và Nhà Nước đã thể hiện rõ đường lối xử lý, phân hoá trách nhiệm hình sự một cách rõ ràng giữa trường hợp chuẩn bị phạm tội với tội phạm hoàn thành đối với người thực hiện hành vi phạm tội này.

3. Mục 4, Điều 15 của Hiến pháp 2013 có quy định về Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Xin cho biết rõ hơn về điều này?

Trả lời:

Điều 15 Hiến pháp 2013 được quy định trong Chương II – quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là lần đâu tiên, “quyền con người” được gọi tên thành một Chương trong Hiến pháp thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như trước đây. Bên cạnh đó, Chương này còn được đưa lên thành Chương II, đặt ngay sau Chương I quy định về chế độ chính trị. Điều này đã thể hiện quan điểm tôn trọng nhân quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân được đặt lên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

Bên cạnh đó, Điều 15 Hiến pháp 2013 cũng được bổ sung những nguyên tắc cơ bản đảm bảo cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đó là các nguyên tắc: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Mọi người, mọi công dân đều bình đẳng với nhau và có đủ quyền con người, quyền công dân của mình. Do đó song hành với nó là nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác và cũng không được vì quyền của mình mà chối bỏ, xâm phạm tới quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc và của người khác. Có thể nói quyền và nghĩa vụ là hai khái niệm liên kết chặt chẽ, không thể tách rời nhau để đảm bảo cho một xã hội ngày càng văn minh và phát triển.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan