Quy định của Pháp luật liên quan đến việc xử lý thông tin xấu độc trên mạng internet

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Bạn và pháp luật về quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý thông tin xấu độc trên mạng internet.

Câu 1: Khái niệm thông tin xấu độc trên mạng internet được hiểu như thế nào, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định các hành vi bị cấm như sau:

1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

  1. a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
  2. b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
  3. c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định;
  4. d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

  1. e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ quy định trên, chúng ta có thể hiểu thông tin xấu độc trên mạng internet là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục nội dung phản cảm thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, …

Câu 2: Internet được ví như con dao 2 lưỡi chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này, liệu có phải giới trẻ, những người tiếp cận gần với internet thì cũng chính lại là chủ thể đưa thông tin xấu độc lên mạng?

Luật sư trả lời:

Ngày nay, internet và mạng xã hội đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội. Cụ thể như:

  • Đây là kho thông tin phong phú giúp cho cá nhân dần cải thiện kỹ năng sống, trau dồi kiến thức, đồng thời cũng là một kênh giải trí hữu hiệu;
  • Mạng xã hội là một môi trường kinh doanh lí tưởng, đầy tiềm năng, giúp mọi người có thể sử dụng để quảng cáo, bán hàng online những sản phẩm của công ty, doanh nghiệp và tìm kiếm khách hàng tiềm năng;
  • Mạng xã hội cũng là một kênh chuyển tải thông tin nhanh chóng, kịp thời cập nhật tin tức, kiến thức cho cộng đồng, là nguồn tin đầu tiên và đa chiều giúp nhà báo có nhiều cơ hội để khai thác thông tin thuận lợi.

Tuy nhiên, giống như bạn nói, mạng xã hội được ví như con dao 2 lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Khá nhiều người lựa chọn mạng xã hội là nơi để bày tỏ quan điển cá nhân của mình về người khác, thậm chí đưa thông tin sai lệch để vùi dập. Thông tin xấu độc có tính chất tội phạm như: Lừa đảo trên mạng, phát tán virus, đánh cắp thông tin, … Bên cạnh đó có thông tin sai trái như: chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, …

Thời buổi hiện đại ngày nay, các bạn trẻ được tiếp cận công nghệ thông tin quá nhanh chóng, bên cạnh đó, văn hóa mạng lại không được hướng dẫn chọn lọc. Do đó, giới trẻ cũng chính là đối tượng bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc và có thể trở thành chủ thể đưa thông tin xấu độc nếu không đủ tỉnh táo, hiểu biết.

Câu 3: Pháp luật quy định xử lý những trường hợp đưa thông tin xấu độc lên mạng internet như thế nào và mức xử lý cao nhất là gì thưa ông?

Luật sư trả lời:

Hành vi đưa thông tin xấu độc lên mạng đã vi phạm điều cấm của pháp luật (cụ thể là Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP).

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi cấm trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Nếu bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, ví dụ như Khoản 6 Điều 66 có quy định:

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam”.

Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý theo các điều luật tương ứng với hành vi của mình, chẳng hạn như:

  • Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 Tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (hình phạt cao nhất là phạt tù bảy năm);
  • Điều 226b Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (hình phạt cao nhất là tù chung thân).

Tùy vào hành vi đó cấu thành nên tội nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội đó.

Câu hỏi của một số thính giả …

Câu 4: Tôi là một người dân ở Hoà Bình, tôi muốn hỏi luật sư: người ta nói là đưa thông tin xấu lên mạng sẽ bị xử phạt, tôi thấy những người đưa thông tin lên đã đành, nhưng những người like hay comment bên dưới với những lời lẽ thiếu văn hoá, hay những quan điểm chủ quan, cá nhân thì cũng cần xử lý đúng không?

Luật sư trả lời:

“lời lẽ thiếu văn hóa”- có thể hiểu đó là lời lẽ tục tĩu, khinh miệt, coi thường thậm chí là nhục mạ, vu khống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác.

Tùy vào mức độ của những “lời lẽ thiếu văn hóa” mà chủ thể thực hiện có thể bị xử lý với chế tài tương ứng bằng hành chính hoặc hình sự cụ thể như sau:

  • Nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.
  • Nếu những lời bình luận của người đó nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền 10 triệu đồng – 20 triệu đồng theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Trong trường hợp nếu họ đưa ra những quan điểm chủ quan, cá nhân mà không nhằm mục đích trên thì sẽ không bị xử phạt.

Câu 5: Những thông tin xấu trên mạng internet tôi thấy cần phải phân chia rạch ròi ra, bởi trái văn hoá, đạo đức truyền thống là xấu mà tuyên truyền kích động bằng những luận điệu chủ quan chống lại đảng, nhà nước thì cũng là xấu độc. Tôi muốn hỏi nữa là nếu chỉ là người chia sẻ đoạn clip hay status nào đó có nội dung xấu mà không phải là người đăng tải thì có bị xử lý không?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã quy định rạch ròi ở điểm a và điểm b:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

  1. b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; …”.

Những người không đăng tải nhưng có chia sẻ clip hay status có nội dung xấu cũng có thể bị xử lý.

Ví dụ: Khái niệm “phát tán, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” trước đây vẫn được hiểu nôm na như hành vi mua bán băng đĩa sex, up clip hoặc hình ảnh 18+ lên diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên có một động thái đơn giản nhưng cũng được xem là vi phạm pháp luật, đó là khi người dùng dù không đăng tải nhưng đã trực tiếp share những thông tin nhạy cảm đó lên trang cá nhân, lên các hội nhóm, hoặc chia sẻ với bạn bè.

Người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo điều 253 hay tội “Làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999.

Câu 6: Các ngành chức năng đã rất mạnh tay trong việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng internet thời gian quan. Tuy nhiên, nhiều thính giả thắc mắc, quy trình để xử lý hành vi đưa thông tin xấu độc trên mạng internet như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Những thông tin bất cập xuất hiện trên mạng xã hội vừa qua chủ yếu xuất phát từ các trang mạng do tổ chức nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Các trang mạng do các tổ chức, cá nhân trong nước xây dựng đều tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông (BTTTT) vừa ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, đây là cơ sở pháp lý xử lý, buộc các trang mạng xã hội do nước ngoài lập phải tuân thủ đúng chính sách, pháp luật Việt Nam. Theo đó, khi phát hiện thông tin trên mạng vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, BTTTT gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập theo quy trình sau:

– BTTTT gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm cần xử lý.

– Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ BTTTT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

– Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, BTTTT sẽ gửi thông báo lần 2.

– Nếu sau 24 giờ kể từ khi BTTTT gửi thông báo lần 2, tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và không phản hồi trở lại, BTTTT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Câu 7: Với sự kết nối không biên giới của mạng internet thì không chỉ nguồn đưa thông tin xấu trên mạng xuất phát từ trong nước mà nó đã vượt ra ngoài biên giới, vậy có quy định gì cho việc xử lý những địa chỉ phát tán thông tin xấu độc ở trong nước và nước ngoài?

Luật sư trả lời:

Như tôi đã trình bày ở câu trên, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT đã quy định chi tiết vấn đề này.

Câu 8: Còn các đơn vị cung cấp dịch vụ như youtube hay google… thì xử lý ra sao thưa ông?

Luật sư trả lời:

Sau khi Thông tư 38/2016 có hiệu lực, nhiều video trên YouTube có chứa nội dung sai phạm, đáng lưu ý là nội dung sai phạm có chèn video, hình ảnh hoặc gắn với banner quảng cáo của một số thương hiệu đang kinh doanh tại Việt Nam như Vaseline, Comfort (Unilever), Pampers, Ariel (P&G), Samsung, Yamaha, … và một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Vinamilk, FPT, Mead Johnson, Vietnam Airlines, Nutrition Việt Nam…, Bộ TTTT đã làm việc với Google, YouTube và yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư 38, gỡ bỏ các clip mang nội dung độc hại. Đồng thời, Bộ TT-TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, … đã nhanh chóng phối hợp, đưa ra biện pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Câu 9: Nếu tôi phát hiện ra người bên cạnh, hàng xóm, bạn bè tôi đưa thông tin xấu trên mạng, khuyên bạn không được tôi sẽ phải làm thế nào?

Luật sư trả lời:

Khi phát hiện bài viết nói xấu, bôi nhọ người khác, bài viết có thông tin không chính xác hay hình ảnh xấu…, người dùng cần báo ngay cho đơn vị chủ quản trang mạng để nhanh chóng xử lý.

  • Trước tiên là người dùng gọi trực tiếp cho người quản lý trang mạng qua số điện thoại hotline thông báo ID của bài viết, hình ảnh xấu hay gửi phản ánh kèm đường link bài viết qua địa chỉ email hỗ trợ của website yêu cầu ban quản trị trang mạng xử lý. Cách khác là sử dụng tính năng Report (báo cáo). Bên cạnh nội dung của các bài viết, thông tin, hình ảnh trên các trang mạng đều có nút Report, nếu phát hiện thông tin ảnh hưởng đến uy tín của mình, của người khác, người dùng nhấn vào nút này và làm theo hướng dẫn để thông báo với chủ website.
  • Người dùng cũng có thể chọn mục Góp ý của mỗi website, viết một topic (chủ đề) phản ánh, mô tả nội dung, hình ảnh và đi kèm đường link của bài viết gây bất lợi.

Đối với các thông tin, hình ảnh trên Facebook xúc phạm người khác, người dùng nhấn giữ vào thông tin, hình ảnh, “comment” đó, tính năng Report sẽ hiện ra và làm theo hướng dẫn để báo cáo Facebook xóa bỏ các thông tin xấu này. Khi phát hiện các Fan Page (trang yêu thích) giả mạo hay các tài khoản Facebook đăng tải thông tin xấu, người dùng cũng làm tương tự để báo với Facebook khóa, xóa bỏ các trang, tài khoản này.

Khi người dùng bị tag (gắn) vào một bài viết hình ảnh xấu nào đó thì vào mục Cài đặt của Facebook, chọn Report hoặc Remove Tag (báo cáo/bỏ đánh dấu) những thông tin, hình ảnh này để tránh thông tin bị lan truyền.

Câu 10: Có ý kiến cho rằng hiện nay hành lang pháp lý quy định đối với việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng còn thiếu sót, khó khả thi. Quan điểm của ông thì sao?

Luật sư trả lời:

Hành lang pháp lý quy định đối với việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng đang dần được hoàn thiện.

Trước đây việc yêu cầu Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu khá khó khăn, nhưng gần đây, Thông tư 38 ngày 16/12/2016 do Bộ ban hành đã tạo hành lang pháp lý cụ thể. Trong đó khẳng định:

  • Việt Nam có quyền yêu cầu dỡ bỏ hoặc trực tiếp ngăn chặn những thông tin xấu độc được quy định theo pháp luật.
  • Thứ hai, với những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân tham gia mạng xã hội, nhận biết tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội; đồng thời các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân. Qua đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan