Quy định bố mẹ phải xuất trình CMND khi bác sỹ kê đơn thuốc cho con có làm khó người bệnh?

Nội dung bài viết

Trong bài "Quy định bố mẹ phải xuất trình CMND khi bác sỹ kê đơn thuốc cho con có làm khó người bệnh?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Law. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN - Dù quy định đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên đơn thuốc mới có hiệu lực thi hành được vài ngày, song theo một số người dân, bên cạnh mặt tích cực nhất định, quy định này sẽ mang lại không ít phiền hà cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế.

Theo Điều 6 Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, từ 1-3 đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên đơn thuốc.

Liên quan đến quy định trên, chị Đào Thanh Minh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, mấy ngày nay, cậu con trai 5 tuổi của chị bị ho, sốt. Chị Minh đang thu xếp công việc để đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh thì lại biết được thông tin người nhà phải xuất trình CMND khi bác sỹ kê đơn thuốc cho trẻ. “CMND của tôi bị mất cách đây vài tháng, chưa làm lại được nên tôi băn khoăn không biết bệnh viện đã thực hiện quy định này chưa, có cho phép người dân được sử dụng giấy tờ thay thế không. Tôi chỉ lo đưa con đến bệnh viện, khám xong lại không được kê đơn thuốc phải bế con về. Theo tôi, quy định mới lẽ ra phải tiến bộ, giảm bớt thủ tục cho người dân, đằng này lại gây phiền hà hơn. Bởi trên thẻ BHYT của con đã ghi thông tin của mẹ rồi thì việc phải xuất trình thêm CMND có lẽ hơi thừa” – chị Minh nói.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 6 Thông tư 52/2017/TT-BYT có một số điểm tích cực nhất định. Nó có thể xuất phát từ lo ngại phụ huynh sử dụng thẻ BHYT của trẻ này để đưa trẻ khác đi khám chữa bệnh. Hơn nữa, trẻ dưới 72 tháng tuổi diễn đạt về tình trạng sức khỏe không đầy đủ, chưa thể tự dùng thuốc theo đơn của bác sỹ. Do đó, việc yêu cầu xuất trình CMND, số căn cước của bố mẹ, người giám hộ khi kê đơn thuốc cho bệnh nhi nhằm gắn trách nhiệm của họ về thông tin người bệnh, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Song nếu quy định này là bắt buộc thì nên ghi số CMND của cha mẹ vào thẻ BHYT của trẻ dưới 72 tháng tuổi thì hợp lý hơn.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, đối chiếu với các quy định hiện hành, Điều 6 Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế phần nào ảnh hưởng đến quyền của trẻ em. Bởi theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC, trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh…Như vậy, trẻ em dưới 6 tuổi khi khám chữa bệnh, chỉ cần có thẻ BHYT hoặc giấy chứng sinh, giấy khai sinh nên quy định khi bác sỹ kê đơn thuốc bố mẹ của trẻ phải xuất trình CMND là không cần thiết và thiếu khả thi.

Thực tế cho thấy, khi trẻ dưới 6 tuổi đi khám chữa bệnh, nhân viên y tế chỉ cần ghi thông tin tên tuổi bệnh nhân, địa chỉ, điện thoại liên lạc, còn đơn thuốc là quyết định của bác sỹ, không liên quan đến cha mẹ bệnh nhân. Hơn nữa, nếu áp dụng quy định này, trong trường hợp cấp thiết mà cha mẹ, người giám hộ đều không có mặt, cô giáo hay hàng xóm đưa đứa trẻ đi khám bệnh thì việc kê đơn thuốc sẽ thực hiện ra sao?

Được biết, hiện một số bệnh viện đã bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT. Theo Bác sỹ Lê Xuân Ngọc-Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương, về nguyên tắc, bệnh viện phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 1-3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, bệnh viện sẽ kiến nghị bằng văn bản lên cấp trên đề nghị điều chỉnh. Tuy vậy, trong những ngày đầu quy định trên có hiệu lực, để việc khám chữa bệnh được nhanh chóng, kịp thời, nếu người nhà bệnh nhi dưới 72 tháng tuổi quên mang CMND hoặc căn cước công dân khi đưa con đi khám, thì vẫn được linh động giải quyết do sức khỏe bệnh nhi là quan trọng nhất.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/quy-dinh-bo-me-phai-xuat-trinh-cmnd-khi-bac-sy-ke-don-thuoc-cho-con-co-lam-kho-nguoi-benh/759199.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan