Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên Youtube dưới góc độ pháp lý

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có buổi phỏng vấn liên quan đến tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên Youtube hiện nay. SB Law trân trọng giới thiệu đến độc giả toàn văn bài phỏng vấn dưới đây.

1. Thời gian qua, người dùng Youtube tại Việt Nam liên tục bị “tra tấn” bởi đủ loại quảng cáo về thuốc trị xương khớp, thuốc trị cương dương, trị xuất tinh sớm,…Những nội dung quảng cáo này xuất hiện tràn lan với tần suất dày đặc khiến người dùng bị ám ảnh, nhất là quảng cáo “bà con gọi cho tôi trị xương khớp” hay “nhà tôi ba đời chữa bệnh”, dưới góc độ người xem anh có cảm nhận như thế nào thưa anh?

Trả lời:

Cảm nhận đầu tiên khi bắt gặp những quảng cáo kiểu này có lẽ là bất ngờ vì mình không nghĩ là trên nền tảng như Youtube lại xuất hiện loại quảng cáo này. Trước đây, quảng cáo về khám chữa bệnh, thực phẩm chức năng thường chiếu trên TV, tuy nhiên, thời gian gần đây mới bắt đầu xuất hiện trên Youtube. Và xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Rồi khi những đoạn quảng cáo này trở nên quen thuộc thì mình cảm thấy khá khó chịu và phản cảm. Ngoài ra, cũng có một chút lo lắng vì nếu ai đó nhẹ dạ cả tin mà sử dụng sản phẩm của những cá nhân, đơn vị kinh doanh này thì hậu quả cũng khó lường.

2. Vậy với vai trò là một luật sư anh có thể chia sẻ nội dung quảng cáo trong các đoạn clip này có phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hay không?

Trả lời:

Hiện nay, chúng ta đã có văn bản pháp luật dành riêng cho lĩnh vực quảng cáo. Đó là Luật Quảng cáo 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong đó, Điều 8 Luật Quảng cáo hiện hành và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: Quảng cáo sai sự thật, Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;... Những video trên có thể vi phạm các quy định này.

Bên cạnh đó, các đơn vị quảng cáo phải chứng minh được những gì mình nói là sự thật. Ví dụ như khi một nhân vật trong video nói rằng mình đã chữa trị cho hơn trăm bệnh nhân và đều khỏi hay phương pháp chữa bệnh của mình là hiệu nghiệm nhất thì họ phải có tài liệu chứng minh những gì mình nói là đúng. Trong một số video, người trong quảng cáo còn tự nhận mình là “lương y”, “bác sĩ”, họ cũng phải chứng minh được nghề của mình là như vậy. Nếu không có thể bị cơ quan chức năng đánh giá là đang “thổi phồng” công dụng sản phẩm, có dấu hiệu lừa dối khách hàng và bị xử phạt. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp tư vấn viên, người bán hàng chỉ là sinh viên nhưng lại tự nhận là “bác sĩ”, “dược sĩ” để tạo niềm tin ở khách hàng.

Ngoài ra, để thực hiện quảng cáo, các video này phải có sự thẩm định của cơ quan y tế. Tuy nhiên, với những lời lẽ như “nhà tôi ba đời chữa bệnh”, “nhà tôi ba đời trị xương khớp” thì khả năng cao không được cơ quan chức năng duyệt nên trong trường hợp này, có thể cá nhân, đơn vị kinh doanh còn vi phạm về việc quảng cáo khi chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng hoặc đã được thẩm định nhưng lại quảng cáo không đúng với nội dung thẩm định.

3. Trong thời gian qua cơ quan chức năng của Bộ TT – TT đã phối hợp, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài (facebook, google) để xác minh đối tượng, loại bỏ thông tin quảng cáo sai sự thật ra khỏi hạ tầng mạng, nhiều tài khoản facebook vi phạm đã được ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều. Theo ông, lý do của vấn đề này là gì?

Trả lời:

Lý do đầu tiên là số lượng của những quảng cáo này quá nhiều, rất khó để có thể kiểm soát và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó thì việc điều tra, chứng minh hành vi vi phạm cũng không đơn giản. Nhiều công ty thuê một đơn vị bên ngoài thực hiện quảng cáo cho mình nên khi cơ quan chức năng vào cuộc, mời đại diện công ty đến làm việc thì phía công ty lại phủ nhận hoàn toàn việc thực hiện quảng cáo sản phẩm trên.

4. Trong tương lai, phải chăng chúng ta cần có những quy định, chế tài khắt khe hơn về việc quảng cáo thuốc, TPCN trên các phương tiện truyền thông, đại chúng?

Trả lời:

Sắp tới, Nghị định số 38/2021/NĐ – CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có hiệu lực từ ngày 01/06/2021 sẽ quy định cụ thể các chế tài nếu có sai phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng bao gồm các hình thức phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận công bố sản phẩm.

Bên cạnh việc gia tăng chế tài thì chúng ta cần chú trọng đến cơ chế phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị hiện nay sử dụng một số phương thức để lách luật, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc như khi đọc dòng “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” thì sẽ đọc nhanh, đọc bé đi hoặc nếu ghi trên các bài báo thì cũng sử dụng cỡ chữ nhỏ hơn.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan