Quản lý taxi Uber - những khoảng trống pháp lý

Nội dung bài viết

Cách đây ít ngày tại TP.HCM, chị T - một thai phụ khi đi taxi Uber đã bị lái xe cướp tài sản trị giá khoảng 3 triệu đồng và 1 điện thoại di động. Ngay sau đó, lái xe đã bị bắt, song đến thời điểm hiện tại phía Uber mới chỉ tặng chị 8 chuyến đi với tổng trị giá 800.000 đồng. Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SBLaw (ảnh, điều này cho thấy khoảng trống pháp lý trong việc quản lý taxi Uber.

Ngày càng có nhiều người sử dụng taxi Uber
Ngày càng có nhiều người sử dụng taxi Uber

- PV: Theo ông, khi sử dụng dịch vụ Uber để di chuyển nếu không may xảy ra tai nạn, bị cướp…, quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, chị T đã liên hệ qua tổng đài của Uber nhờ hỗ trợ. Từ phản ánh của chị T, Uber thông báo đã tạm ngừng hợp tác với lái xe cướp tài sản. Điều đáng nói, thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ lình xình liên quan đến taxi Uber.

Mới đây, trên mạng xã hội, anh V.Đ, SN 1992, ở Hà Nội cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ khi bị một lái xe Uber sỉ nhục và có thái độ phân biệt vùng miền khi anh chủ động hủy chuyến. Trước đó, một nữ hành khách ở Hà Nội cũng gặp nhiều phiền toái do bị lái xe taxi Uber đưa số điện thoại cá nhân lên một trang web khiêu dâm chỉ vì chị không hài lòng với cách phục vụ nên đã “chấm điểm” lái xe này 1 sao.

Theo quy định hiện hành, khi khách hàng sử dụng dịch vụ taxi Uber gặp sự cố như bị tai nạn, bị cướp tài sản…, trước hết, chính lái xe phải chịu trách nhiệm bởi trong trường hợp này họ là người trực tiếp cung cấp dịch vụ nhưng không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Công ty Uber cũng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu họ có lỗi như ký hợp đồng với những lái xe không đủ điều kiện lưu thông theo pháp luật Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Luật sư Nguyễn Thanh Hà

- Qua những sự việc đã xảy ra, theo ông đâu là bất cập của taxi Uber trong việc bảo đảm an toàn cho hành khách hiện nay?

- Được biết, khi có sự cố xảy ra, hành khách phản ánh đến Công ty Uber, Uber sẽ kiểm tra, khóa tài khoản đối tác khi lái xe có dấu hiệu vi phạm chính sách hoặc quy chuẩn dịch vụ đối với khách hàng. Như vậy, bất cập ở chỗ, việc ngừng cấp phép hoạt động đối với lái xe của Uber chỉ diễn ra khi lái xe có dấu hiệu vi phạm chứ Uber chưa có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro cho hành khách từ trước đó (từ khâu tuyển dụng, ký hợp đồng, đào tạo đối tác).

- Taxi Uber - hình thức kinh doanh mới đã tạo ra nhiều lúng túng trong quản lý, gây tranh cãi từ loại hình kinh doanh, trách nhiệm thuế, đến vấn đề an ninh, an toàn. Để giải quyết các vấn đề này cần có giải pháp gì, thưa ông?

- Quay trở lại với trường hợp của chị T - người bị lái xe cướp tài sản, hiện chỉ có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lái xe, chưa có căn cứ pháp lý để quy trách nhiệm cho Uber. Liên quan đến chính sách thuế, rất may là sau 2 năm hoạt động dịch vụ tại Việt Nam, đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã ra văn bản xác định nghĩa vụ thuế với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan.

Theo đó, nghĩa vụ thuế được thực hiện theo đúng quy định áp dụng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Công ty Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy vậy, hiện chưa có quy định cụ thể xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ là đơn vị marketing nên việc tạo ra ràng buộc pháp lý giữa Uber với lái xe và khách hàng khá khó khăn.

- Trong thời điểm hiện nay, để tránh rủi ro cho khách hàng khi sử dụng taxi Uber, ông có lời khuyên gì đối với họ?

- So với taxi truyền thống, Uber có một số ưu điểm như giá thành rẻ, chất lượng phương tiện tốt hơn, song cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Những lái xe tham gia vào hệ thống Uber hầu hết không phải là lái xe taxi chuyên nghiệp, hệ thống tuyển dụng và quản lý lái xe của Uber cũng tồn tại nhiều vấn đề.

Ngoài ra, việc Uber không nhận là một công ty kinh doanh vận tải và đứng ngoài các tranh chấp giữa lái xe và hành khách đã tạo ra những rủi ro đối với hành khách khi sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, đối tượng lừa đảo có thủ đoạn rất tinh vi nên để đảm bảo an toàn, hành khách khi sử dụng loại hình dịch vụ này cần thận trọng, khi đi xe cần lưu lại số điện thoại, tên tuổi của lái xe, biển số xe để có cơ sở để giải quyết trong trường hợp phát sinh sự cố.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động dịch vụ vận tải của Uber để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Theo anninhthudo.vn

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan