Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW trả lời trên Chương trình Bạn và pháp luật về vấn đề quản lý người tâm thần gây án-nhìn từ góc độ pháp lý. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:
Câu 1: Thưa quí vị, thưa các bạn! Chúng ta cùng trở lại với luật sư Nguyễn Thanh Hà! Vâng, thưa luật sư có thể nói thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án mạng rất dã man do người tâm thần gây ra. Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề người tâm thần gây án?
Luật sư trả lời:
Thời gian qua, có không ít vụ án xảy ra, thậm chí là án mạng giết nhiều người do người bị bệnh tâm thần gây ra. Xét sự việc dưới góc độ pháp lý, Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Như vậy, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh làm mất khả năng nhận thức phải được hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận. Khi giám định, hội đồng giám định sẽ kết luận người này có bị hạn chế về mặt nhận thức hay không.
Chỉ khi người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hành vi đó gây ra hậu quả, mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Trường hợp bệnh của những người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác chưa tới mức làm mất khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà họ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm hình sự.
Từ quy định trên, có thể nhận thấy để xem xét về việc người phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, phải căn cứ vào kết quả giám định, kết luận về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người đó.
Câu 2: Vậy, theo ông trong trường hợp này các cơ quan chức năng nên xử lý như thế nào?
Luật sư trả lời:
Đối với những trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 13 BLHS. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở trên, để có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng này thì:
Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
(theo quy định tại Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).
Bên cạnh quy định trên, các cơ quan chức năng cũng cần có những hoạt động tích cực nhằm phòng ngừa khả năng người bị tâm thần gây án. Đơn cử như phối hợp với các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần để vận động đưa người bệnh đi khám, chữa và điều trị bệnh kịp thời.
Câu 3: Người bị tâm thần phạm tội hoặc đang có bản án nhưng tiếp tục phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Quan điểm của các cơ quan tố tụng ra sao, vấn đề quản lý người tâm thần như thế nào...?
Luật sư trả lời:
Như đã trình bày ở trên, một người thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự khi gây án không phải chịu trách nhiệm hình sự dù người bị tâm thần phạm tội hoặc đang có bản án nhưng tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người này đi chữa bệnh theo quyết định của cơ quan điều tra nên cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định.
Bên cạnh đó, người giám hộ và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc trông nom, giám sát đối tượng, tránh để người bệnh tiếp tục gây án.
Hiện nay, luật chưa điều chỉnh vấn đề trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội.
Câu 4: Vậy theo ông, gia đình và xã hội nên quản lý những người tâm thần như thế nào để việc chữa trị hiệu quả và tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc
Luật sư trả lời:
Để việc chữa trị hiệu quả và tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trước hết gia đình, cộng đồng và xã hội cần gần gũi, không nên có thái độ kỳ thị, xa lánh người bệnh tâm thần.
Gia đình của người bị mắc bệnh tâm thần cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh. Không được để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, ngoài ra cần tránh việc có những hành vi, lời nói làm bệnh nhân tâm thần bị kích động dẫn đến việc gây hậu quả nguy hiểm.
Quan trọng nhất là mỗi gia đình nên chủ động đưa người bệnh đi chữa bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để phòng tránh những hậu quả xấu. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng tại địa phương trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người dân địa phương cũng hết sức cần thiết.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội, vậy nên các nhà làm luật nên có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần.
Câu 5: Giải pháp tối ưu nhất nhằm ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án như hiện nay là gì thưa luật sư?
Luật sư trả lời:
Giải pháp tối ưu nhất ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án là:
- Các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị. Càng sớm điều trị người bệnh càng chóng ổn định và tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn càng cao, càng tránh được những hậu quả đáng tiếc. Khi người tâm thần gặp khó khăn trong cuộc sống thì nên nhờ cộng đồng xung quanh và chính quyền địa phương giúp đỡ. Khi người bệnh ra viện thì tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị.
- Các cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh từ nhân dân về trường hợp người bệnh tâm thần cần có những biện pháp tích cực, phối hợp tổ chức kịp thời đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị.
- Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nhận thức rằng: những người bị tâm thần như nguồn nguy hiểm cao độ và phải có sự quản lí chặt chẽ, quan trọng hơn, xã hội cần quan tâm hơn tới họ.
Câu 6: Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Liên quan đến chủ đề này thời gian qua Chuyên mục bạn và pháp luật đã nhận được nhiều đơn thư từ bạn nghe Đài. Một thính giả ở Cần Thơ có mail: Hoangyen2301.@.com. Nội dung câu hỏi như thế này: Hiện nay đang có sự lơ là trong việc quản lý người tâm thần, dẫn đến những vụ việc thương tâm do người bị tâm thần gây án ngày càng gia tăng. Đây có phải là lổ hổng trong luật pháp việt nam không thưa luật sư?
Luật sư trả lời:
Như tôi đã trình bày ở trên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Từ tình hình đó, cũng có thể hiểu rằng, phần lớn bệnh nhân tâm thần được tự do, không ai quản lí hoặc quản lí lỏng lẻo và dĩ nhiên, khó kiểm soát được sẽ xảy ra chuyện gì.
Tuy nhiên, trách nhiệm quản người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Là người trực tiếp gần gũi với người bệnh nhất, gia đình nên đưa người bệnh đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa để tránh những sự việc đáng tiếc và cũng là tạo điều kiện cho người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống.
Hiện nay, trên thực tế, vấn đề đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh vẫn còn nhiều gia đình lơ là, bỏ qua. Nhiều gia đình sợ những lời bàn tán, dị nghị của hàng xóm xung quanh nên đã có hành vi tiêu cực như giam lỏng người bệnh tại nhà. Nhưng chỉ cần sơ suất trong quản lý người bệnh tâm thần thì rất có thể những hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra.
Câu 7: Một người có tên là Ngọc ở thành phố Hưng Yên hỏi : Người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội được chia làm những trường hợp nào và hướng xử lý ra sao thưa luật sư?
Luật sư trả lời:
Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định:
“1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
=> Như vậy, không phải mọi trường hợp có tiền sử bị bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ những người mắc bệnh tâm thần (điều kiện về bệnh lý) đến mức mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình (điều kiện về tâm lý) khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được coi là thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng người này phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Theo khoản 1 Điều 43 Bộ luật Hình sự, tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, họ sẽ được giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 43 Bộ luật Hình sự).
Câu 8: Bạn Nguyễn Hoàng Oanh ở Yên Bái hỏi: trong gia đình người cô ruột của tôi, chú tôi bị tâm thần phân liệt đã được chẩn đoán là hoang tưởng và thường xuyên mắng chửi đánh đập cô và các em tôi. Nhiều lúc, chú lên cơn, đòi giết cô và các em tôi rồi tự tử. Tôi rất lo cho sự an nguy của họ vì tôi có đọc trên báo rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà hung thủ là người bị tâm thần. Vậy tôi muốn biết nếu trường hợp xảy ra sự việc như trên thì người chú đó xẽ bị truy cứu trách nhiệm như thế nào? Và để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra thì có biện pháp nào để cách ly người đó khỏi cộng đồng hay không? Rất mong được sự tư vấn từ phía luật sư.
Luật sư trả lời:
Điều 13 BLHS quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người không có năng lực hành vi dân sự thực hiện hành vi phạm tội như sau:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, bạn muốn biết nếu trường hợp xảy ra sự việc như trên thì người chú đó xẽ bị truy cứu trách nhiệm như thế nào?
Theo như bạn nói thì chú bạn bị tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm của chú bạn nếu có hành vi phạm tội xảy ra, cần xác định rõ hai trường hợp:
Trường hợp 1: Khi thực hiện hành vi phạm tội, chú của bạn mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình
- Chú bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp 2: Khi thực hiện hành vi phạm tội, chú của bạn vẫn có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Hình sự trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Sau khi khỏi bệnh, chú của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra thì có biện pháp nào để cách ly người đó khỏi cộng đồng hay không?
Mặc dù hiện tại pháp luật không có quy định phải tách người bị bệnh tâm thần phải cách li khỏi cộng đồng nhưng nếu bệnh tình của chú bạn quá nặng, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của vợ và các con thì gia đình bạn nên đưa chú bạn đến cơ sở y tế để được chữa trị, khám định kỳ và tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Câu 9: Gần nhà tôi có người tâm thần. Hôm trước, ông này đốt nhà hàng xóm, gây thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Vậy ông ấy xử lý lý thế nào?", thính giả Nguyễn Ngọc Anh, ở thành phố Bắc Giang hỏi.?Xin mời luật sư trả lời giúp bạn Nguyễn Ngọc Anh
Luật sư trả lời:
Một người gây thiệt hại tài sản cho người khác, cụ thể trong trường hợp này là đốt nhà hàng xóm gây thiệt hại khoảng 30 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh Hủy hoại tài sản, quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội
Tuy nhiên, nếu người phạm tội bị mắc bệnh tâm thần thì theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự:
“1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo quy định nêu trên, nếu ông này bị bệnh tâm thần và khi thực hiện hành vi đốt nhà người khác, ông không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì ông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.
Như vậy, theo các quy định trên, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.