Quan điểm luật sư về vụ xử phạt 90 triệu đồng đối với hành vi bán 100 USD

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời phóng viên VOV về vụ việc xử phạt 90 triệu đồng đối với hành vi bán 100 USD.

1.Từ vụ đổi 100 USD mà một người dân Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng, dưới góc độ của một luật sư, anh bình luận như thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ:

“3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; …”.

Điểm a Khoản 8 Điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.

Như vậy, xét về mặt pháp luật, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc Nghị định 96 chỉ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm mà không tính tới số tiền vi phạm, ví dụ như người dân bán 100 usd cũng như bán 100 ngàn USD thì cũng bị xử lý cùng mức phạt, quy định như trên là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, việc UBND TP Cần Thơ vì sao lại lựa chọn mức 90 triệu mà không phải là 80 triệu cũng đặt ra câu hỏi, bởi vì người bán chỉ bán có 100 USD, lại là lần đầu, cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của việc xử phát với mức tiền như trên.

2;Theo anh, mức phạt như vậy có hợp lý ko (nếu không thì mức phạt bao nhiêu là hợp lý?

Trả lời:

Vi phạm hành chính đối với cá nhân đổi ngoại tệ với số tiền 100 USD là không sai. Tuy nhiên, quy định pháp luật này cần sửa đổi bổ sung cho sát với thực tế và đi vào cuộc sống.

Trong trường hợp này, đổi 100 USD thì số tiền cũng chỉ khoảng 2,3 triệu đồng, nếu đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng thì chẳng khác nào đổi 50.000 đồng ra 2 USD cũng giống như đổi 1 triệu USD ra tiền Việt ở nơi không được phép đều bị phạt như nhau, đều bị áp mức phạt 90 triệu đồng. Việc xử phạt như vậy là không hợp lý, không đúng đối tượng vi phạm. Xử phạt lên đến gần 40 lần tang vật vi phạm quá nghiêm khắc.

Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định tại Điều 21 các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền (hình phạt chính).

Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Do đó, trong trường hợp ông Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt cảnh cáo là có căn cứ, phù hợp với thực tế trong sự việc này.

3. Từ thực tế này, đặt ra vấn đề về sự quản lý của các cơ quan chức năng trong việc quản lý việc thu đổi ngoại tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong suốt thời gian qua thì có lẽ rất nhiều vụ việc bị xử lý và người dân không phải ngỡ ngàng khi anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt. Ý kiến của a về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Trong vụ việc này, có lẽ điều mà dư luận quan tâm nhiều hơn không chỉ là số tiền xử phạt mà người dân cũng đang mong chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử phạt dứt điểm hành vi mua bán ngoại tệ trái phép với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần và vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Một khi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý quyết liệt đối với tất cả các tiệm vàng, các doanh nghiệp mua bán ngoại tệ trái phép một cách mạnh mẽ và triệt để thì tin rằng anh Nguyễn Cà Rê và dư luận không phải “ngỡ ngàng” như hiện nay.

4.Trong trường hợp này, anh Cà Rê có nên khiếu kiện lên cơ quan chức năng ko?

Trả lời:

Ông Nguyễn Cà Rê có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định xử phạt hành chính về hành vi bán 100 USD trái quy định. Tuy nhiên, ở đây cần nhìn nhận rằng, UBND TP. Cần Thơ đã căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP để ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Ông Nguyễn Cà Rê là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Trong trường hợp này, thiết nghĩ, cần xem xét lại về số tiền xử phạt. Trường hợp anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt dù biết là hợp lý, đúng quy định, nhưng thật khó để người dân chấp nhận là "hợp tình".

5.Theo anh để hạn chế tình trạng “chợ đen” đang diễn ra phức tạp hiện nay thì cần có những giải pháp gì? Pháp luật VN có quy định như thế nào về việc thu đổi ngoại tệ? Người vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao?

Trả lời:

Pháp luật quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Ngoài ra, mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái luật.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng chỉ làm việc trong những ngày, giờ hành chính và trụ sở tập trung tại các thành phố lớn, còn ở tỉnh lẻ chưa đa dạng lắm.

Do đó, thiết nghĩ, cần có các điểm thu đổi ngoại tệ, với điều kiện kinh doanh minh bạch, có kiểm soát, đặt tại những nơi tham quan du lịch hoặc các tỉnh thành khác.

Nói chung cần có biện pháp mạnh, nhất quán triệt tiêu những điểm kinh doanh USD lớn, có đường dây ngầm chi phối thị trường nhằm trục lợi, làm rối thị trường.

Còn các điểm kinh doanh USD vừa và nhỏ phải được duy trì đúng quy luật thị trường có định chế, kiểm tra kiểm soát một cách minh bạch, nếu không tuân thủ khi phát hiện thì sẽ thu hồi giấy phép và phạt nặng.

Nếu cấm kinh doanh thu đổi USD thị trường tự do thì có thể xảy ra mua chui, bán chui bất kể địa điểm, thời gian nào mà người ta cần, dẫn đến khó kiểm soát và càng rối hơn, phần thua thiệt thuộc về khách hàng và Nhà nước.

Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách nhất quán, đồng bộ hợp lòng dân và đúng quy luật thị trường, thực thi đến nơi, đến chốn.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan