Quan điểm luật sư: Giáo viên tiếng Anh người Việt có cơ sở pháp lý để khởi kiện thầy giáo Dan

Nội dung bài viết

Trong bài "Quan điểm luật sư: Giáo viên tiếng Anh người Việt có cơ sở pháp lý để khởi kiện thầy giáo Dan" đăng trên báo Gia lai News, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Nhiều cư dân mạng “tố” Dan Hauer cạnh tranh không lành mạnh khi tung clip phát âm sai của các giáo viên người Việt.

Trong mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng lại được dịp tranh luận sôi nổi về clip “khi người Anh nghe tiếng Anh của người Việt”, trong đó tâm điểm gây tranh cãi là cách mà tác giả clip Dan Hauer sử dụng các đoạn clip dạy tiếng Anh của một số trung tâm Anh ngữ để minh họa trong clip của mình và hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều về nội dung clip của Dan.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Dan đã cạnh tranh không lành mạnh khi “bóc phốt” đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng như dùng hình ảnh họ mà không được sự chấp thuận.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Phạm Duy Khương – Đoàn Luật sư Hà Nội để tìm câu trả lời.

*Ông nghĩ sao về hành động làm clip ‘bắt lỗi’ phát âm sai tiếng Anh nhưng lại để lộ mặt giáo viên của Dan Hauer?

– Luật sư Phạm Duy Khương: Trước khi làm clip “Khi người Anh nghe tiếng Anh của người Việt”, Dan Hauer – một thầy giáo dạy tiếng Anh tại Việt Nam, đã làm nhiều clip tiếng để dạy tiếng Anh cho người Việt theo cách hài hước và dễ hiểu với thế mạnh sử dụng tiếng Việt thành thạo của mình. Chính vì thế kênh Youtube và Facebook của Dan có rất nhiều người theo dõi. Ngoài ra, thông tin về Dan cho thấy Dan đã có một khoảng thời gian dạy tiếng Anh tại trung tâm anh ngữ tại Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy Dan đã và đang tham gia vào lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam, tức là có cùng lĩnh vực hoạt động với một số trung tâm đào tạo tiếng Anh của Việt Nam đã được Dan sử dụng để minh họa trong clip “Khi người Anh nghe tiếng Anh của người Việt”.

Và mặc dù trong toàn bộ clip, Dan không lần nào nêu trực tiếp tên của các trung tâm tiếng Anh này, nhưng với việc sử dụng hình ảnh cá nhân của các giáo viên hướng dẫn của các trung tâm này, thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng biết được tên của các trung tâm tiếng Anh có giáo viên hướng dẫn bị sử dụng hình ảnh để minh họa trong clip của Dan.

*Một câu hỏi được đặt ra trước tiên khi nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc này là có hay không việc Dan hay một tổ chức đào tạo tiếng Anh nào đó đã có hành vi lợi dụng clip của Dan để cạnh tranh không lành mạnh với các trung tâm tiếng Anh xuất hiện trong clip?

Luật sư Phạm Duy Khương: Theo quy định của Luật cạnh tranh năm 2004, có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội hay bán hàng đa cấp bất chính.

Tuy nhiên, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể được viện dẫn trong trường hợp này là hành vi “Gièm pha doanh nghiệp khác”. Cụ thể Điều 43 Luật canh tranh quy định “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu Dan là cá nhân có hoạt động kinh doanh hoặc tham gia vào một tổ chức có hoạt động kinh doanh thì sẽ bị coi là chủ thể thực hiện hành vi Gièm pha doanh nghiệp khác. Điều kiện đầu tiên này phải được đáp ứng thì mới có thể xem xét tiếp hành vi của Dan.

Trong trường hợp của clip “Khi người Anh nghe tiếng Anh của người Việt”, người thực hiện clip – trong trường hợp này được cho là Dan, nếu Dan có hoạt động kinh doanh hoặc có chứng cứ rõ ràng chứng tỏ rằng Dan có nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ một doanh nghiệp khác để làm clip này thì Dan sẽ đáp ứng điều kiện về chủ thể thực hiện hành vi Gièm pha doanh nghiệp khác.

Cũng theo quy định của Điều 43 Luật cạnh tranh như đã dẫn, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác phải là hành vi “đưa thông tin không trung thực”. Như vậy, ngay cả khi điều kiện đầu tiên được đáp ứng, thì chỉ có thể kết luận được có hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi chứng minh được rằng trong nội dung clip của Dan, đã có các thông tin không trung thực được đưa ra – điều kiện thứ hai.

Tuy nhiên, với nội dung clip mà tôi đã xem thì khó có thể kết luận được là Dan đã cung cấp thông tin không trung thực trong clip này. Toàn bộ nội dung clip, với các đoạn trích dẫn của các clip dạy tiếng Anh trực tuyến của một số trung tâm tiếng Anh là nhằm mục đích minh họa cho cách phát âm chưa được chuẩn của các giáo viên hướng dẫn bản địa – người Việt, mà hoàn toàn không có thông tin không trung thực nào đưa ra.

Điều kiện cuối cùng để cấu thành hành vi gièm pha doanh nghiệp khác chính là điều kiện về hậu quả, cụ thể, hành vi đưa ra thông tin không trung thực phải “gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh” cho doanh nghiệp bị gièm pha.

Trong vụ việc này, một số giáo viên của các trung tâm đã phải làm clip xin lỗi học viên và đây được coi là hệ quả do clip của Dan gây ra. Và nếu các trung tâm tiếng Anh này bị giảm số lượng học viên và từ đó ảnh hưởng đến tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của mình thì có thể coi đây là các hậu quả do clip của Dan gây ra. Do đó, điều kiện thứ ba có thể đáp ứng.

Như vậy, trong trường hợp thầy giáo dạy tiếng Anh làm clip “khi người Anh nghe tiếng Anh của người Việt” hoàn toàn không có hành vi cạnh tranh không lành mạnh nào đúng như mục đích mà Dan đã nêu ra trong clip là chỉ ra một số điểm yếu hay gặp trong phát âm của người Việt và nhấn mạnh sự quan trọng của phát âm chuẩn.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần lưu ý và có thể gây tranh cãi là hành vi của Dan có được xem là vi phạm Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004, cụ thể là Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh hay không. Một trong điều quan trọng để kết luận hành vi vi phạm điều này là phải có “So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;”. Vấn đề đặt ở đây là hành vi của Dan có được coi là so sánh trực tiếp hay không khi bản thân trong luật khái niệm này nhiều lúc còn được hiểu chưa thống nhất.

*Việc sử dụng hình ảnh của các cá nhân để minh họa trong clip của Dan có vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng hình ảnh cá nhân hiện hành hay không?

Luật sư Phạm Duy Khương: Cần phải thấy rằng, cách làm clip của Dan khá là nhạy cảm và thiếu tế nhị, khi sử dụng clip thực tế của các trung tâm khác để minh họa trong clip của mình. Nếu thực sự muốn góp ý thì có nhiều cách góp ý trực tiếp hơn là qua môi trường trung gian mạng mở rộng như thế này.

Theo quy định của bộ luật dân sự Việt Nam 2015, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình và việc sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự cho phép của người đó (Điều 32.1).

Với nội dung của clip mà Dan đã làm, Dan sẽ phải xin phép các cá nhân mà Dan đã sử dụng hình ảnh của họ để minh họa do trường hợp này không nằm trong các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ xin phép được quy định tại điều 32.2 của Bộ luật dân sự và nếu Dan không làm như thế, Dan có thể phải đối mặt với các vụ kiện dân sự do các các nhân bị sử dụng hình ảnh trái phép tiến hành. Bởi các cá nhân này hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điều 32.3 của Bộ luật dân sự 2015.

Nguồn: https://gialainews.com/quan-diem-luat-su-giao-vien-tieng-anh-nguoi-viet-co-co-so-phap-ly-de-khoi-kien-thay-giao-dan/

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan