Trong bài "Quần áo gắn thương hiệu xịn nhưng giá rẻ bất ngờ, chất lượng ở đâu?" đăng trên Viện nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Ghi nhận của báo VOV tại Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội cho thấy, những cửa hàng bán buôn hàng may mặc có biển hiệu bắt mắt với nội dung: “Chuyên sản xuất - bán buôn - bán lẻ đồ may sẵn”, hoặc “chuyên nhận may các mặt hàng”. Bên trong các cửa hàng là rất nhiều sản phẩm với màu sắc, mẫu mã đa dạng phong phú, và đủ loại, “hàng đắt”, “hàng rẻ”, “hàng công ty”, “hàng nhà máy” theo cách gọi của dân buôn Tam Hiệp.
Quần áo nhái thương hiệu đang được bày bán rất nhiều ở Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: VOV
Cụ thể tại một cửa hàng có địa chỉ cụm 3, Tam Hiệp chuyên các loại quần áo nam, nữ, quần bò… trên mỗi sản phẩm gắn đủ các loại thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Bravery, Zaza, Adidas, Gucci… Nhưng khi hỏi nhân viên bán hàng: “Cửa hàng có hàng của bao nhiêu thương hiệu?” thì nhân viên bán hàng tủm tỉm: “Chị ơi, hàng nhà em là hàng chợ rẻ tiền thôi ạ. Với cả em bán buôn, không bán lẻ”.
Mặc dù được gắn nhãn mác của các thương hiệu lớn nhưng giá bán ở đây rất rẻ, áo chỉ từ 50 - 100 nghìn đồng, quần chỉ dưới 250 nghìn đồng.
Cũng tại một cửa hàng khác chuyên sản xuất, bán buôn, bán lẻ các loại quần áo, bộ thể thao gắn mác Adidas. Theo như lời quảng cáo của chủ cửa hàng được biết tại đây đặt may rẻ nhất khu này, giá cả thì yên tâm. Điều đặc biệt là nếu đặt may hàng nhái các thương hiệu khác, cửa hàng vẫn nhận đơn.
Theo chủ cửa hàng chia sẻ, sản xuất quần áo giả quá dễ dàng, chỉ cần copy mẫu sau đó nhập nguyên liệu, thuê nhân công và gắn tem nhãn là hoàn tất. Tem thì của bất cứ thương hiệu nào cũng có, cứ ra chợ Đồng Xuân là có.
Riêng với hàng nhái “cao cấp”, làm giống với hàng thương hiệu đến từng chi tiết thì chủ cửa hàng này phải đặt tem từ Sài Gòn chuyển ra. Theo lời của chủ cửa hàng chia sẻ: “Hàng nước ngoài thường ép mác vào sản phẩm nếu khách hàng muốn làm giống bọn em làm được, vải làm áo khác chất thôi chứ hình thức giống gần như sản phẩm mẫu”. Mỗi một đơn hàng cần phải đặt 500 sản phẩm.
Theo khảo sát, ngoài việc bày bán tại địa phương, hàng may mặc ở Tam Hiệp khi sản xuất xong được đưa đến đầu mối kinh doanh sỉ tại chợ Đồng Xuân, và đổ đi các tỉnh.
Với mẫu mã, màu sắc đẹp, liên tục cập nhật, giá rẻ nên quần áo giả thương hiệu dễ dàng giành thị phần trong ngành may mặc. Tại đây, hoạt động buôn bán diễn ra khá sôi nổi, người mua kẻ bán tấp nập, với những xe chở hàng chen chân nhau. Đến đây, chủ cửa hàng khá thân thiện và quen với công việc nên không phải mất công trả giá hay tranh cướp hàng.
Về quy định hiện hành liên quan đến hàng may mặc, luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết trên báo ANTĐ, Thông tư 32/2009/TT-BCT ngày 5-11-2009 của Bộ Công Thương quy định về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Quy định là vậy, song việc phát hiện, xử lý cá nhân sản xuất kinh doanh hàng may mặc kém chất lượng không đơn giản, một phần do sự tiếp tay của người tiêu dùng, một phần do quy trình kiểm định khá phức tạp.
“Tiền nào, của nấy”, ham rẻ dễ phải hàng rởm, hàng kém chất lượng. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng may mặc kém chất lượng, đồng thời đưa ra những cảnh báo, cách phân biệt để người tiêu dùng có thể nhận biết và kiên quyết nói không với những sản phẩm có chứa chất độc hại.
Nói tới hành vi gắn nhãn mác giả trên quần áo, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SBLAW đã đưa ra nhận định về vấn đề này trên báo Người đưa tin, theo nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hang giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi làm giả, làm nhái nhãn mác có thể bị coi là “thông tin không đúng sự thật” và tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm mà mức phạt có thể từ 200.000đồng tới 40.000.000 đồng.
Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự phải có tội danh phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi trên có thể bị coi là hành vi lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 162. Nếu các hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (500 triệu đồng cho chủ sở hữu nhãn hiệu) sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tùy từng trường hợp cụ thể mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và xử phạt.
Nguồn: http://issq.org.vn/170-clothes-branded-genuine-but-cheap-unexpected,-quality-where