Phương thức thanh toán nào cũng có rủi ro. Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu phải biết cách "chọn mặt gửi vàng" và không bị lóa mắt bởi lời hứa hấp dẫn...
Các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay
Hiện tại, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có thể chọn một trong ba phương thức thanh toán quốc tế.
Thứ nhất, điện chuyển tiền (T/T- Telegraphic Transfer). Theo hình thức này, ngân hàng sẽ chuyển một số tiền cho người thụ hưởng (hay bên xuất khẩu) bằng phương tiện chuyển tiền điện Swift/telex dựa trên chỉ định của người trả tiền (bên nhập khẩu). Tức ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu. Hiểu đơn giản, thương vụ giống việc hai cá nhân chuyển tiền cho nhau.
Ưu điểm là thủ tục tương đối đơn giản, dễ dàng, thời gian chuyển tiền nhanh nên thuận tiện cho cả người mua và người bán. Đồng thời, người mua không phải ký quỹ, nhờ vậy không bị đọng vốn.
Nhược điểm của phương thức này nằm ở thời điểm chuyển tiền. Nếu chuyển tiền trước khi nhận được hàng thì rủi ro sẽ nằm ở người mua vì có thể hàng hóa không đủ số lượng, không đạt chất lượng yêu cầu, hoặc người mua không thực hiện hoạt động chuyển hàng với nhiều lý do khác nhau.
Trái lại, nếu để người mua nhận được hàng rồi mới yêu cầu người mua chuyển tiền thì rủi ro chuyển sang người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc hoàn toàn vào người mua. Nhìn chung, phương thức thanh toán này phù hợp với các bên đối tác đã hợp tác với nhau nhiều lần bởi bản chất của giao dịch này dựa trên niềm tin, sự tin tưởng của hai bên đối với nhau.
Thứ hai, trả tiền nhận chứng từ (D/P- Documents Against Payment). Trong đó, ngân hàng của người xuất khẩu sẽ thực hiện dịch vụ thu hộ khoản tiền bán hàng dựa trên cơ sở bộ chứng từ giao hàng và người mua hàng chỉ có thể nhận được hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hối phiếu.
Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất có thể xảy ra đối với bên bán hàng chính là việc người mua có thể từ chối hàng hoá với lí do không chính đáng và không thanh toán. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người bán không bao giờ được trả tiền trong khi phải quản lý việc trả hàng từ cảng nước ngoài. Mặc dù có giữ quyền kiểm soát về hàng hoá khi mua hàng, nhưng nếu bên mua không nhận hàng hoặc nhận hàng mà không trả tiền, sẽ dẫn tới những tranh chấp pháp lý, gây tổn hại đến thời gian, nhân lực cũng như tài chính của cả hai bên.
Thứ ba, thư tín dụng (L/C - Letter Of Credit). Nói dễ hiểu, L/C là thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền người bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền.
Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng.
Như vậy, L/C được xem là phương thức thanh toán ít rủi ro nhất cho người bán.
L/C bảo đảm nhất cho người bán nhưng cũng gây bất lợi nhất cho người mua. Do đó, theo thông lệ quốc tế trong kinh doanh, các phương thức chuyển tiền T/T hay D/P lại được sử dụng nhiều hơn cả.
Cần hết sức cân nhắc khi chọn phương thức thanh toán quốc tế
Với vai trò là bên bán, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cân nhắc khi tiến hành giao dịch với các đối tác quốc tế cũng như cần thống nhất chọn phương án thanh toán phù hợp.
Đối với những doanh nghiệp thường xuyên tiến hành giao dịch quốc tế, trong trường hợp lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng doanh nghiệp có thể phải mở đến vài chục L/C. Trong khi, mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng theo một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Và không người mua nào muốn như thế cả. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu khăng khăng đòi L/C thì người mua sẽ đi tìm người đối tác khác. Thêm vào đó, thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Nhưng đã mua bán thì bên nào cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh.
Hình thức thanh toán D/P phổ biến nhất hiện nay là đặt cọc trước, ví dụ 10% trị giá hợp đồng hoặc trị giá lô hàng. Khi hàng quá cảnh mà khách hàng không đi nhận bộ chứng từ và không nhận hàng thì bị mất cọc, nhưng cách này cũng có rủi ro có thể người mua họ không nhận hàng do giá cả thị trường giảm hơn 10%.
Bản chất D/P hay L/C đều nhờ thu qua ngân hàng. Trong trường hợp đối tác đã có tâm lý lừa đảo thì có thể diễn ra ở bất kỳ hình thức thanh toán nào.
Do vậy, lời khuyên dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chính là phải nắm rõ thật kỹ đối tác cũng như luôn phải có các điều khoản rõ ràng trong hợp đồng về đặt cọc, thanh toán cũng như chuẩn bị các phương án để ứng phó thật nhanh khi có trường hợp không mong muốn xảy ra.