Phương thức giải quyết tranh chấp trái phiếu

Nội dung bài viết

Trong những năm gần đây, việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu đã trở thành một kênh huy động tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần thông qua thị trường chứng khoán. Điều này cũng đã đáp ứng đúng theo chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của kênh huy động vốn này đã dẫn đến việc phát sinh những rủi ro, ảnh hướng lớn đến hoạt động của thị trường tài chính. Các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã và đang diễn ra phức tạp. Số lượng các vụ tranh chấp ngày càng nhiều. Thực trạng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trái phiếu. Đáng nói thời gian gần đây, các vụ việc như vạn thịnh phát, Tân hoàng minh đã khiến các chủ đầu tư trái phiếu cảm thấy lo lắng về vấn đề đòi tiền? Vậy phải giải quyết câu chuyện này như thế nào? Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW. 

Câu 1: Thưa luật sư, tranh chấp về mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, được xác định là loại tranh chấp gì, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và trình tự giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn là một phạm vi hoạt động thuộc mua bán trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP). Tranh chấp trong hoạt động này thuộc dạng tranh chấp kinh doanh thương mại.

Căn cứ theo Điều 30 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015, những tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết đương nhiên của tòa án, và trước hết sẽ được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tại TAND cấp huyện. Trình tự giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại sẽ căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự, tòa có thể áp dụng hình thức xét xử 2 cấp, cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, nếu một bên không tự nguyện, việc thi hành bản án có hiệu lực sẽ do cơ quan thi hành án tiến hành.

Ngoài ra, nếu như các bên có thỏa thuận và lựa chọn việc giải quyết tranh chấp qua chế định trọng tài thương mại, thì căn cứ Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, các tổ chức trọng tài thương mại cũng có thẩm quyền giải quyết. Trình tự thủ tục giải quyết vụ việc sẽ căn cứ vào Luật trọng tài thương mại và phán quyết là chung thẩm, không giải quyết theo 2 cấp xét xử như ở tòa án.

 Câu 2: Theo ông, đâu là những chủ thể có khả năng sẽ tham gia vào các tranh chấp?

Trả lời:

Hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến khá nhiều chủ thể khác nhau. Do đó, các chủ thể có khả năng sẽ tham gia vào các tranh chấp gồm:

  • Doanh nghiệp phát hành trái phiếu;
  • Tổ chức, cá nhân sở hữu trái phiếu
  • Bên thứ ba - Chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác khi tranh chấp phát sinh: Tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán; tổ chức tham gia đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành; tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu hay công bố thông tin; tổ chức tham gia định giá tài sản đảm bảo, trung gian môi giới... Ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước như UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán hay cao hơn là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, ...

Câu 3: Theo ông, nguyên nhân chính phát sinh tranh chấp trong hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn sẽ là gì?

Trả lời:

Nguyên nhân chủ yếu là do người sở hữu trái phiếu muốn tất toán khoản nợ trái phiếu kèm theo cổ tức trước hạn.

Thứ hai, khi khoản nợ trái phiếu đã đến hạn nhưng bên phát hành không trả được nợ gốc (số lượng theo mệnh giá cổ phiếu) và cổ tức kèm theo

Bên cạnh đó, khi khoản nợ trái phiếu dù chưa đến hạn trả nợ gốc nhưng bên phát hành không trả được cổ tức cam kết khi đã đến hay quá hạn trả.

Ngoài ra, cũng có thể có nguyên nhân phát sinh từ những thông tin tiêu cực, sự biến động xấu của thị trường trái phiếu cùng với tâm lý lo ngại về các tình huống bất lợi, khả năng tài chính, tài sản đảm bảo bị tranh chấp, ... khiến các tổ chức, cá nhân nắm giữ trái phiếu lo ngại và họ chủ động yêu cầu bên phát hành mua lại trái phiếu trước hạn.

Câu hỏi 4: Ông đánh giá như thế nào về số lượng tranh chấp sẽ phát sinh liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp?

Trả lời:

Sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đón nhận cú sốc mới từ Vạn Thịnh Phát (“VTP”). Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng nhất là cả sự kiện ngân hàng SCB. Cùng với đó là một loạt các công ty, tập đoàn lớn khác cần thanh tra và điều tra thêm nên có thể từ thời điểm này đến thời gian dài sau các vụ việc tương tự tranh chấp về trái phiếu sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, số lượng tranh chấp sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng tạo ra sức nóng cho lĩnh vực này và thực trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trái phiếu trong thời gian tới.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này như chúng ta đã biết là việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức phát hành trái phiếu đã trở thành một kênh huy động tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần thông qua thị trường chứng khoán.

Đi đôi với việc phát triển đó là hàng hoạt các vấn đề tranh chấp phát sinh. Những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp chủ yếu về quyền và nghĩa vụ liên quan đến lợi ích kinh tế, mục tiêu lợi nhuận phát sinh giữa các thương nhân, cá nhân hay tổ chức có đăng ký kinh doanh trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

Câu hỏi 5: Ông có lời khuyên nào dành cho người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có biến động?

Trả lời:

Bản chất trái phiếu là công cụ tài chính trung, dài hạn cho một khoản vay nợ có liên quan giữa nhà phát hành, trái chủ và người sở hữu trái phiếu. Các bên tham gia vào giao dịch cần ý thức rõ về tính dài hạn, tính giao dịch tự nguyện có thời hạn và phải thông qua thủ tục đăng ký này.

Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu cũng cần có kiến thức về các quy định về trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật để không vi phạm các cam kết với đơn vị phát hành trái phiếu.

Theo đó, nhà đầu tư muốn quyền lợi của mình được đảm bảo thì trước tiên họ cần chắc chắn rằng mình đang thực hiện đúng các nghĩa vụ theo thoả thuận. Hợp tác với đơn vị phát hành trái phiếu để tìm ra hương giải quyết hợp lý nhất, tránh trường hợp do vi phạm các thoả thuận mà quyền lợi nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Pháp luật cũng quy định rất rõ về điều kiện của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp họ phải tự mình tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu.

Nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành. Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/ hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.

Trong trường này cần tìm đến các cơ quan chuyên ngành hoặc những luật sư có uy tín, có hiểu biết về thị trường trái phiếu để tư vấn. Để từ đó có phương án xử lý vấn đề hợp lý nhất, cần tránh tâm lý hỗn loạn, chạy theo đám đông và nghe những thông tin chưa được kiểm chứng.

Câu hỏi 6: Theo ông, làm sao tìm được tiếng nói chung giữa các bên khi tranh chấp xảy ra?

Trả lời:

Không chỉ riêng với thị trường chứng khoán mà đối với các lĩnh vực khác cũng tương tự. Một khi tranh chấp xảy ra, việc tìm tiếng nói chung thật sự không hề dễ dàng cho các bên nhất là liên quan đến quyền lợi kinh tế của các bên và đối tượng tranh chấp là các quyền lợi về tiền và tài sản lơn như vật thì càng khó.

Cách giải quyết trong vấn đề tranh chấp này là người sở hữu trái phiếu như là chủ của khoản nợ, nên việc mua lại trái phiếu trước hạn thực chất là hình thức thanh toán nợ, giảm nợ và cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu. Pháp luật cho phép bên phát hành và bên sở hữu trái phiếu có thể dùng biện pháp hoán đổi các loại trái phiếu khác hay cổ phiếu, tài sản có giá trị khác theo thỏa thuận của các bên thay vì phải dùng tiền để thanh toán cho trái phiếu. 

Quan trọng hơn cả vẫn là ý chí của cả hai bên người sở hữu trái phiếu và bên phát hành trái phiếu đưa ra được những giải pháp hài hoà cho quyền lợi của cả hai bên thì tự khắc vấn đề sẽ được giải quyết. Còn trong trường hợp các bên chỉ bảo vệ quyền lợi của mình, không hợp tác và hỗ trợ nhau giải quyết vấn đề thì không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên mà còn kéo theo sự rối ren cho thị trường trái phiếu nói chung.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan