Phạt và bồi thường thiệt hại từ vi phạm hợp đồng

Nội dung bài viết

Luật sự Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã tham gia và trả lời phỏng vấn trong chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” về chủ đề Phạt và bồi thường thiệt hại từ vi phạm hợp đồng.

Chương trình phát sóng trên kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam.

Ông có thể phân tích rõ hơn cho khán giả được biết, là trong trường hợp nào thì bên vi phạm hợp đồng phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại? Mức phạt vi phạm và giá trị bồi thường được tính như thế nào? xin ông cho một vài ví dụ thực tiễn đã xảy ra?

Trả lời:

Từ khái niệm về phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 300 và Điều 302 Luật thương mại năm 2005 thì có thể hiểu:

Phạt vi phạm hợp đồng áp dụng khi 2 bên có thoả thuận áp dụng điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, có hành vi vi phạm và có lỗi của bên bị vi phạm.

Lưu ý: Không cần có thiệt hại thực tế xảy ra, chỉ cần chứng minh có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm (lỗi suy đoán).

Bồi thường thiệt hại áp dụng khi không cần 2 bên có thỏa thuận áp dụng trong hợp đồng; có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó; có lỗi của bên vi phạm

Lưu ý: Bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh tổn thất và hạn chế tổn thất.

Về mức phạt vi phạm hợp đồng, căn cứ Điều 301 Luật thương mại 2005 Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm dó các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266, Luật Thương mại 2005.

Đối với giá trị bồi thường thiệt hại thì về nguyên tắc: Bên vi phạm phải “bồi thường toàn bộ” những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm, và không bị giới hạn bởi giá trị hợp đồng. Bồi thường toàn bộ bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Ví dụ: bên A có nghĩa vụ thanh toán nốt phần giá trị hợp đồng là 100.000.000VNĐ cho bên B vào ngày 16/06/2020 tuy nhiên đã quá thời gian quy định nhưng bên A vẫn chưa thanh toán số tiền đó thì nếu trong hợp đồng có quy định về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thì có thể thực hiện mức phạt dựa trên số tiền chậm thanh toán đó theo giá trị quy định trong hợp đồng tuy nhiên không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm tức 8% của 100.000.000VNĐ.

Ngoài ra, nếu do việc chậm thanh toán đến từ bên A khiến bên B không thể kịp thanh toán hợp đồng cho bên C theo đúng thời hạn và phải chịu mức phạt vi phạm thì bên A sẽ là bên phải bồi thường khoản chi phí đó vì chi phí đó là những tổn thất thực tế phát sinh từ việc bên A chậm thanh toán hợp đồng.

Thưa Ông, làm thế nào để xác định mức phạt khi có vi phạm, cũng như căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại? (hay xác định khoản lợi đáng ra được hưởng khi không có vi phạm?

Trả lời:

Mức phạt vi phạm có thể do hai bên tự thoả thuận dựa trên phần nghĩa vụ vi phạm và thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, vẫn cần phải phù hợp với mức phạt theo quy định pháp luật. Bên bị vi phạm không phải chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra.

Về căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì không cần phải thoả thuận trong hợp đồng mà cần phải dựa các yêu tố như sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng; Có thiệt hại thực tế xảy ra; Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó và Có lỗi của bên vi phạm.

Khoản bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm hai loại: tổn thất đã xảy ra và khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng. Tuy nhiên, Bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh tổn thất và hạn chế tổn thất bằng các bằng chứng, hoá đơn, chứng từ, …Việc chứng minh tổn thất đã xảy ra không quá phức tạp so với việc chứng minh khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng.

Vậy thưa Ông, điều kiện nào để áp dụng phạt vi phạm cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có vi phạm xảy ra mà các doanh nghiệp cần lưu ý?

Trả lời:

Điều kiện quan trọng nhất đối với việc phạt vi phạm hợp đồng là trong hợp đồng hai bên phải có điều khoản thoả thuận về việc phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, cần có hành vi vi phạm và lỗi của bên vi phạm.

Điều kiện để các doanh nghiệp có thể được hưởng mức bồi thường thiệt hại là cần phải chứng minh được những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của bên vi phạm trực tiếp gây ra. Và phải chứng minh được lỗi của bên vi phạm.

Phóng sự: Bản án 18/2018/KDTM –PT ngày 6/5/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Diễn giải tóm tắt vụ việc:

Nguyên đơn: Cty TNHH X (Cty X) khởi kiện bị đơn CTy CP XNK S (Cty S)

Theo đơn khởi kiện ngày 22/10/2013 của Cty X.

Ngày 13/5/2011 CTy X có 01 đơn đặt hàng bao bì với Cty S mua túi PE loại 1, quy cách 60cm x 90cm, số lượng 6000kg, thành tiền là 250 triệu đồng (bao gồm thuế VAT)

Ngày 30/5/2011 Cty S giao lô hàng thứ 1 với số lượng 3240kg theo hóa đơn số 004218

Ngày 13/6/2011 Cty S giao lô hàng thứ 2 với số lượng 3220kg theo hóa đơn số 004333

Ngày 10/10/2011Cty S giao lô hàng thứ 3 với số lượng 567kg theo hóa đơn số 0000491

Cty X đã sử dụng lô hàng thứ 1 để đóng gói hàng hóa xuất đi Hàn Quốc cho Cty G (Cty của Hàn Quốc)

Ngày 25/8/2011 khách hàng G gửi thư phàn nàn với Cty X về bao bì kém chất lượng, bị rách bục dẫn đến việc hàng hóa bên trong bị thiệt hại nghiêm trọng. Phía Cty G Hàn Quốc, yêu cầu Cty H bồi thường 32.000 USD theo công văn gửi 10/10/2011. Sau khi thương lượng Cty X bồi thường cho Cty G là 20.000USD

Ngày 15/8/2011 sau khi nhận được thông tin về chất lượng bao bì bọc hàng của mình kém chất lượng. Cty X đã có công văn 06/CV/NTK -2011 gửi cho Cty S về việc bao bì hỏng và kém chất lượng

Ngày 17/8/2011 Cty S đã đến Cty X kiểm tra và xác nhận bằng biên bản về việc bao bì kém chất lượng. Sau đó Cty S đã quyết định thu hồi 02 lô hàng kém chất lượng sau 3 ngày lập biên bản.

Ngày 22/9/2011 CTy S có văn bản chia sẻ thất thoát với Cty X số tiền 12.686.300 đồng.

Ngày 28/9/2011 Cty X phản hồi văn bản của Cty S và yêu cầu Cty S phải bồi thường số tiền 113.249.042 đồng, tương đương 30% tổng số tiền 20.000 USD mà Cty X phải trả cho Cty G.

Thời điểm đó, Cty X còn nợ công ty S số tiền 93.987.000 đồng và muốn trừ luôn vào số tiền yêu cầu Cty S bồi thường.

Tuy nhiên CTy S không đồng ý bồi thường với số tiền 113.249.042 đồng, mà chỉ chia sẻ tổn thất ban đầu là 12.686.300 đồng.

Sau sự việc này Cty X đã khởi kiện CTy S ra tòa án.

Ngày 16/5/2018 Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã tuyên án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử của Tòa an ND TPHCM ngày 23/8/2016 theo đó:

– Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Cty X đòi Cty S bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 113.249.042 đồng

Ghi nhận sự tự nguyện của Cty S về việc giảm tiền hàng, trả lại cho CTy X số tiền 12.626.300 đồng.

Cty X phải nộp án phí sơ thẩm là 5.662.452 đồng, và án phí phúc thẩm là 200.000 đồng

Theo Ông, khi thấy công ty X tổn thất, Cty S đã tự động gửi văn bản đề nghị chia sẻ tổn thất ban đầu hơn 12 triệu đồng (tương đương 50% giá trị lô hàng đã sử dụng) với Cty X? Ông có thể phân tích rõ hơn về các căn cứ mà Cty X đã sử dụng có để có thể thắng kiện trong vụ việc này?

Trả lời:

Để hiểu được lý do công ty S thắng kiện trong vụ việc này ta cần phân tích nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa trên thiện chí chia sẻ tổn thất trị giá 12 triệu đầu ban đầu từ phía công ty X. Trong vụ việc này công ty S thắng kiện bởi dựa trên những căn cứ sau:

– Thứ nhất, tại thời điểm nhận hàng Công ty X không có ý kiến gì về chất lượng bao bì mẫu mã của sản phẩm mua từ Công ty S.

– Thứ hai, sau khi khách hàng tại Hàn Quốc yêu cầu Công ty X phải bồi thường thiệt hại cho những lô hàng bị hư hỏng thì Công ty X mới gửi công văn cho Công ty S về việc bao bì bị hư hỏng và kém chất lượng. Tuy nhiên, không đủ cơ sở để xác định hàng hóa do Công ty X xuất khẩu bị hư hỏng là do bao bì không đạt chất lượng, vì trong quá trình xuất khẩu hàng hóa bị hư hỏng còn có thểdo nhiều nguyên nhân khác

– Thứ ba, mặc dù chưa có căn cứ xác định hàng hóa của Công ty X hư hỏng do lỗi của Công ty S, nhưng Công ty S đã có thiện chí đồng ý giảm 50% giá trị lô hàng mà bên nguyên đơn đã sử dụng tương đương 12.686.300 đồng.

Như vậy, trong vụ việc này, nguyên đơn không chứng minh được những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của bị đơn trực tiếp gây ra và lỗi bị đơn. Do đó, việc Công ty X đòi Công ty S bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 113.249.042 đồng là không có căn cứ. Ngoài ra, công ty S cũng đã cho thấy thiện chí khi tự nguyện đề xuất giảm 50% giá trị lô hàng cho công ty X mặc dù không có chứng cứ chứng minh thiệt hại xảy ra là do công ty S. Vậy nên, vụ việc này phần thắng nghiêng về công ty S là cũng dễ hiểu.

Vậy theo Ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những lưu ý gì khi soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng để tránh vi phạm dẫn đến bị phạt vi phạm hay bồi thương thiệt hại?

Trả lời:

Điều đầu tiên các bên cần chú ý đến khi soạn thảo Hợp đồng đó là đối tượng của Hợp đồng, cần xác định rõ đối tượng là gì? Có đặc điểm như thế nào? Đã đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật (nếu có) hay chưa?, …Việc quy định chi tiết đối tượng hợp đồng đôi khi có thể là căn cứ để xem xét có sự vi phạm hợp đồng hay không, từ đó xác định trách nhiệm giữa các bên, đặc biệt là đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, về điều khoản về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại:

Như đã phân tích ở trên, việc phạt vi phạm chỉ áp dụng khi các bên có thỏa thuận trong Hợp đồng. Do đó trường hợp muốn áp dụng chế tài phạt vi phạm để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thì cần phải thỏa thuận rõ nội dung này trong Hợp đồng.

Cần lưu ý rằng phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài khác nhau, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Điều này cần phải được quy định rõ ràng.

Ngoài ra, cần phải lưu ý về mức phạt vi phạm tối đa trong một số trường hợp. Bộ luật Dân sự không quy định về mức phạt vi phạm tối đa, tuy nhiên, Luật thương mại năm 2005 quy định mức phạt vi phạm đối với các Hợp đồng thương mại tối đa là 8%, Luật xây dựng năm 2014 quy định mức phạt vi phạm Hợp đồng xây dựng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt vi phạm tối đa không quá 12%. Trường hợp quy định mức phạt vượt quá mức tối đa theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá có thể bị coi là vô hiệu, do đó, các bên cần phải xác định rõ quan hệ pháp luật để quy định mức phạt vi phạm cho phù hợp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan