Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững

Nội dung bài viết

Sau những đổ vỡ từ vụ việc liên quan đến FLC, Tân Hoàng Minh thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại hàng loạt vấn đề. Việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế là hết sức cần thiết để phát triển thị trường vốn, tháo gỡ điểm nghẽn cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang gặp khó khăn và hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn. Cánh cửa tín dụng trung dài hạn ngân hàng đang dần hẹp lại, việc nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để khơi thông “huyết mạch” cho thị trường trái phiếu doanh ngiệp sau nhiều biến động là không thể chậm trễ thêm. Liên quan đến vấn đề này Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law có những đánh giá như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, chuyên nghiệp hơn, các nhà phát hành sẽ phải nghiêm túc hơn và tạo niềm tin cho giới đầu tư nhỏ lẻ. Dưới đây là những điểm mới nổi bật của Nghị định 65/2022/NĐ-CP:

Thứ nhất, sửa đổi mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Trước đây, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về mục đích phát hành trái phiếu như sau: Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Nghị định này cũng đã kế thừa quy định cho phép doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại nợ. Quy định này phù hợp vì thị trường vốn còn quy mô nhỏ, doanh nghiệp phát hành kỳ hạn dài rất khó, trong khi dự án thì thường triển khai trong thời hạn dài. Do vậy, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ của đợt phát hành trước gắn với dự án là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ hai, bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu. Cụ thể, đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định gồm được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận. Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Việc quy định như vậy giúp cho các cơ quân quản lý về trái phiếu doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể kiểm soát được việc phát hành trái phiếu từ doanh nghiệp đó một cách ổn định và lâu dài.Các vấn đề việc thay đổi điều kiện và điều khoản trái phiếu phải do cơ quan chức năng và nhà đầu tư kiểm soát.

Thứ ba, siết chặt cơ cấu nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp 

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ. Cụ thể Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.

Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Thời gian có hiệu lực của việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán nắm giữ có hiệu lực trong vòng 3 tháng, sau đó sẽ phải xác định lại chứ không có giá trị trong vòng 01 năm như trước.

Ngoài ra, Nghị định 65/2022/NĐ-CP có sửa đổi bổ sung những quy định nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn, trong đó Điều 15 và Điều 16 bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Nghị định cũng ấn định thời gian vận hành của hệ thống lưu ký và giao dịch là giữa năm 2023. Tập trung lưu ký tại VSD cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn, nhất là trong công tác xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của họ. Việc thành lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ lành mạnh hóa hoạt động phân phối trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế các hành vi chào bán tràn lan, vi phạm quy định.

Đây cũng là phương án khả thi để cải thiện mức thanh khoản của thị trường hiện tại. Cùng với đó là việc quy định về những điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp, nguyên tắc phát hành trái phiếu, thay đổi các điều kiện trái phiếu, … như phân tích ở trên sẽ góp phần khắc phục những lỗ hổng pháp lý, tránh những sai phạm xảy ra như vụ FLC, Tân Hoàng Minh.

Nếu như nói trước khi ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn đang dò dẫm trong bóng tối thì Nghị định 65/NĐ-CP được ban hành giống như ngọn đèn soi tỏ những băn khoăn trăn trở của các doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư bên cạnh cổ phiếu, vàng hay gửi tiết kiệm, mà đã đầu tư ai cũng muốn có lãi. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư cá nhân lưu ý trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng cân nhắc thật kỹ trong việc bỏ tiền và tài sản ra để tham gia các giao dịch lớn.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan