PHÁT TRIỂN NÔNG SẢN VIỆT NAM BẰNG BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở NƯỚC NGOÀI

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law có bài trả lời phỏng vấn với VTV4 về vấn đề phát triển nông sản Việt Nam bằng bảo hộ SHTT ở nước ngoài.

Câu 1: Nông sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, bảo hộ ở đây tức là thế nào? Với các hình thức như thế nào? Sản phẩm sẽ được bảo vệ ra sao khi phát hiện có vi phạm ở nước ngoài (ai bảo vệ)?

Luật sư trả lời:

Bảo hộ sở hữu trí tuệ là việc đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo.

3 hình thức bảo hộ có thể áp dụng:

– Nhãn hiệu tập thể;

– Nhãn hiệu chứng nhận;

Chỉ dẫn địa lý.

Cụ thể như sau:

  • Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó (Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009).
  • Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (Khoản 18 Điều 4 Luật SHTT).
  • Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (Khoản 22 Điều 4 Luật SHTT).

Khi phát hiện có vi phạm ở nước ngoài doanh nghiệp sẽ hạn chế được nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu tại thị trường quốc gia sở tại, tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xác định chủ sở hữu thương hiệu.

Câu 2: Ông có thể cho biết hiện tại số lượng nông sản việt đăng ký bảo hộ ở nước ngoài khoảng bao nhiêu? Số lượng đăng ký hàng năm như thế nào?

Luật sư trả lời:

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới nên rất giàu nông sản. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, … và dồi dào về cây công nghiệp, thủy hải sản, …

Trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu nông sản đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý năm 2016, gần 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài.

Theo điều tra sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, trên toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông – lâm – thủy sản có uy tín phân bố trên 720 địa phương khác nhau. Tuy vậy, mới chỉ có 38 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Mê Thuột, Nước mắm Phan Thiết, Thanh long Bình Thuận, Vú sữa Lò Rèn, … Vì vậy, một số thương hiệu Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài và một trong số đó phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được. Điển hình như các vụ: Cà phê Trung Nguyên, Nước mắm Phú Quốc và gần đây là vụ Cà phê Buôn Mê Thuột.

Thiết nghĩ, việc đăng ký bảo hộ nông sản là một yêu cầu thực tế và là biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đòi hỏi cam kết, nỗ lực của nhiều bên tham gia từ nông dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương các cấp.

Câu 3: Một sản phẩm muốn được bảo hộ cần có đủ những điều kiện như thế nào? Đăng ký bảo hộ mang lại những thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm, đặc biệt khi xuất khẩu, theo ông tại sao số lương nông sản đăng ký bảo hộ còn hạn chế? Liệu rằng có phải do tâm lý e ngại đến việc phải nghiên cứu luật, rồi chuẩn bị các thủ tục pháp lý?

Luật sư trả lời:

Điều kiện để một sản phẩm được bảo hộ phụ thuộc vào hình thức mà sản phẩm được bảo hộ:

Thứ nhất, điều kiện để sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể là:

  • Sản phẩm nông sản có uy tín, có thị trường và tiềm năng phát triển.
  • Các nhà sản xuất, kinh doanh tự nguyện tham gia trong một tổ chức tập thể chung để sản xuất và phát triển sản phẩm.
  • Chính quyền địa phương có chủ trương phát triển sản phẩm, cho phép sử dụng tên địa danh làm nhãn hiệu (nếu có) hướng dẫn và hỗ trợ trong việc thành lập Tổ chức tập thể để đăng ký bảo hộ và quản lý Nhãn hiệu tập thể.
  • Có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhưng về chất lượng, mẫu mã khác nhau và tồn tại hiện tượng sử dụng chỉ dẫn giả lừa dối người tiêu dùng.

Thứ hai, để sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Sản phẩm nông sản có uy tín, thị trường và tiềm năng phát triển.
  • Có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm với chất lượng, mẫu mã khác nhau, chưa được kiểm soát.
  • Có hiện tượng lạm dụng, sử dụng chỉ dẫn giả lừa người tiêu dùng.
  • Có khó khăn hoặc đồng thuận trong việc thành lập tổ chức tập thể chung để xây dựng và phát triển nhãn hiệu.
  • Có tổ chức có khả năng thực hiện việc chứng nhận cho sản phẩm.
  • Chính quyền địa phương có chủ trương phát triển sản phẩm, cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, hỗ trợ thành lập tổ chức chứng nhận để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

Thứ ba, điều kiện để sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý:

  • Tồn tại sản phẩm nông sản có uy tín đáp ứng chặt chẽ các tiêu chuẩn của một chỉ dẫn địa lý, có thị trường và tiềm năng phát triển.
  • Có các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau cùng có nguyện vọng gìn giữ và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sẵn sàng tham gia hội, hiệp hội ngành nghề nhằm gìn giữ và phát triển sản phẩm.
  • Chính quyền địa phương ủng hộ và hỗ trợ việc tổ chức, xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Sau khi nông sản được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, doanh nghiệp là chủ sở hữu nông sản có thể đạt được một số lợi ích như sau:

  • Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu có độc quyền sử dụng nhãn hiệu tại lãnh thổ quốc gia sở tại; quyền độc quyền này có thể chuyển giao cho các chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng li xăng (thông qua những hợp đồng này, doanh nghiệp có thể thu được những khoản tiền tương đơi lớn)
  • Sự đảm bảo về giá trị pháp lý tạo ra sự gia tăng giá trị kinh tế của thương hiệu;
  • Tạo ra thế cân bằng khi đàm phán hay cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ tại nước ngoài;
  • Hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu tại thị trường quốc gia sở tại, tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xác định chủ sở hữu thương hiệu.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng nông sản được bảo hộ còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do:

  • Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân, và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản phát triển một cách tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của các ban ngành các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông sản.
  • Ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản còn rất hạn chế. Doanh nghiệp chưa thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu nông sản.
  • Quy định của pháp luật về đăng ký chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đòi hỏi chặt chẽ hơn so với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thông thường. Nhất là về chủ đơn đăng ký Nhãn hiệu tập thể: phải là tập thể (đại diện cho lợi ích cộng đồng). Nên cơ chế thành lập các hiệp hội, hội, Hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục hành chính. Do vậy, ở mức độ nào đó thời gian làm các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thường là khá lâu, ảnh hưởng đến số lượng đơn đăng ký loại hình này.
  • Sự liên kết giữa chính quyền địa phương và người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

Câu 4: Làm thế nào địa phương tích cực hơn nữa đăng ký bảo hộ cho sản phẩm đặc sản của mình? Và khi đăng ký bảo hộ rồi thì mỗi hộ kinh doanh/doanh nghiệp cần phải làm gì để phát huy tính hiệu quả từ việc này?

Luật sư trả lời:

Theo tôi, các địa phương cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động bà con ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển và bảo vệ các đặc sản truyền thống. Tránh trường hợp mạnh ai người ấy làm như lâu nay, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, làm mai một danh tiếng của đặc sản.

Thứ hai, chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con về việc chọn lựa, khôi phục cây giống, con giống, tạo nên và giữ được đặc sản đúng là truyền thống.

Và khi đăng ký nhãn hiệu rồi thì mỗi hộ kinh doanh/ doanh nghiệp cần:

  • Tổ chức việc quảng bá các đặc sản với các hình thức khác nhau như: mở các cuộc triển lãm, đưa sản phẩm vào các siêu thị, trưng biển hiệu, …
  • Tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng danh tiếng của đặc sản mà làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời, …
  • Liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan