Bạn đọc hỏi: Em gái tôi làm trong một công ty may mặc. Theo nội quy công ty này, nhân viên đi làm muộn từ 5 phút trở lên sẽ bị phạt tiền. Điều này có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành không, thưa luật sư? (Nguyễn Thị Vân Hoa - Bắc Ninh)
Đại diện công ty TNHH SB Law, Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn cho bạn đọc như sau:
Theo Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2012, có 4 hình thức xử lý kỷ luật mà doanh nghiệp được áp dụng đối với người lao động vi phạm nội quy lao động. Đó là: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; Cách chức; Sa thải. Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp sẽ quyết định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Tuy vậy, đơn vị này chỉ được áp dụng 1 hình thức xử lý kỷ luật đối với 1 hành vi vi phạm. Trường hợp cùng lúc có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất. Cũng theo Bộ luật này, có 3 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động, bao gồm: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Căn cứ các quy định trên, nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức phạt tiền đối với nhân viên đi làm muộn là trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 3, Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Đồng thời, đơn vị này phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (Điều 1, Nghị định 88/2015/NĐ-CP). Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn phương án xử lý đối với nhân viên đi làm muộn thay vì phạt tiền như tìm hiểu rõ lý do và nhắc nhở, có chính sách khen thưởng đối với những cá nhân đi làm chăm chỉ đúng giờ, xử lý kỷ luật thích đáng đối với người lao động thường xuyên đi làm muộn theo quy định.