PHÁT TÁN CLIP NÓNG VÀ NHỮNG CHẾ TÀI CẦN CÓ

Nội dung bài viết

Trong bài Tư vấn pháp luật tháng 12, trước những vấn đề nóng của hiện tại đó là việc các clip nóng của nhiều người nổi tiếng bị phát tán trên mạng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã có một số chia sẻ dưới đây.

Các vụ việc phát tán clip nóng đã không còn xa lạ đối với cộng đồng mạng, đặc biệt, là với người dùng mạng xã hội. Có thể nói, hệ lụy của những vụ việc này là khá lớn. Thường sẽ khiến cho người trong cuộc cảm thấy áp lực và bế tắc. Sau mỗi vụ việc xảy ra, dư luận lại được dịp chỉ trích, bình phẩm về nhân vật có trong clip đó. Số lượng người đồng cảm dường như không nhiều bằng những người phê phán. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là với những vụ việc đó, dường như vẫn chưa có những chế tài nào khắc phục triệt để, dẫn đến tình trạng thỉnh thoảng cộng đồng mạng lại được một phen chao đảo vì những clip nóng này, mà đối tượng thường là những người nổi tiếng. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này. Xung quanh câu chuyện này, mời quý vị cùng tham khảo ý kiến luật sư Nguyễn Thanh Hà đến từ Công ty Luật SB Law.

Câu 1: Lời đầu tiên xin được cảm ơn ông đã nhận lời mời tham dự chương trình của chúng tôi ngày hôm nay. Thưa ông, gần đây, tần suất xuất hiện các clip nóng của người nổi tiếng ngày càng nhiều. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tâm lí của những người trong cuộc. Theo ông, nguyên nhân vì sao những clip đó lại được phát tán mạnh mẽ đến như vậy?

Trả lời:

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những clip hot gây xôn xao dư luận. Mới đây nhất, trên mạng xã hội đang xôn xao trước thông tin một hotgirl nổi tiếng ở Hà Nội bị lộ clip “nóng”. Hiện tại, những hình ảnh và clip đang được lan truyền một cách chóng mặt trên không gian mạng.

Từ những clip phát tán này, không ít người cho rằng càng ngày, càng có nhiều hành vi lệch chuẩn trong xã hội. Thậm chí, có không ít các câu hỏi được đặt ra là, phải chăng hành lang pháp lý đang cũ kỹ và thiếu sự răn đe, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Và, đã đến lúc cần phải có những biện pháp, giải quyết như thế nào để giới trẻ có cái nhìn đúng đắn.

Nguyên nhân là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này cũng không hiệu quả.

Google hiện nay cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ngoài ra, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.

Câu 2: Có những clip là tự bản thân người trong cuộc ghi lại, nhưng cũng có những clip là họ bị ghi lại mà không hề hay biết. Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp những clip này bị phát tán thì người phát tán các clip đó sẽ bị xử phạt như thế nào. Đặc biệt, trong trường hợp khi video được ghi lại mà người trong cuộc không hề hay biết, thì người thực hiện ghi lại video đó sẽ bị xử lí như thế nào?

Trả lời:

Trước hết cần xác định rõ động cơ, mục đích của người tung clip “nóng” để có hướng xử lý theo quy định.

Về xử phạt hành chính, theo Điểm b Khoản 4 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Còn về trách nhiệm dân sự, Điều 584 Bộ luật Dân sự có quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Về xử lý hình sự, căn cứ vào động cơ, mục đích, nếu việc phát tán hình ảnh, clip nóng nhằm vào một con người cụ thể để bêu riếu nhân phẩm, danh dự người đó thì đối tượng phát tán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” (Điều 155) hoặc tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” (Điều 326) được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).

Câu 3: Rất nhiều vụ việc phát tán clip nóng của người nổi tiếng đã xảy ra và xung quanh nó cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người thì cho rằng một vài người muốn tự PR bản thân bằng những chiêu trò câu view nên đã tự đăng video của chính mình lên. Có người thì lại cho rằng vấn đề bảo mật và an ninh mạng còn chưa thực sự chặt chẽ, khiến cho kẻ gian có cơ hội gây rắc rối cho người khác. Vậy quan điểm của luật sư về vấn đề này là gì? Liệu rằng chúng ta đang để một lỗ hổng khá lớn trong công tác an ninh mạng hay chăng?

Trả lời:

Sự phát triển mạnh mẽ internet, mạng xã hội đã mang đến cho người đọc lượng thông tin khổng lồ, làm phong phú thêm kho kiến thức của nhân loại, cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Mạng xã hội là mối quan hệ giữa con người với xã hội trên nền tảng internet, mang lại những tiện ích giúp cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, nhu cầu hưởng thụ, trao đổi thông tin trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, nguy cơ khó lường.

Một số thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân gây bức xúc trong dự luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư.

Liên quan đến các quy định pháp luật ở nước ta, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Theo đó, do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin trên mạng xã hội nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm.

Hy vọng với sự ra đời của Luật An ninh mạng năm 2018, việc quản lý sẽ hiệu quả hơn, bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Câu 4: Trong trường hợp tự tạo chiêu trò và tự tung ra các clip nóng đó, thì chủ nhân của các clip sẽ bị xử phạt như thế nào. Việc điều tra tận gốc xem ai là kẻ phát tán clip có gặp khó khăn gì hay không thưa luật sư?

Trả lời:

Với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường mạng, việc kiểm soát, điều tra tận gốc xem ai là kẻ phát tán clip nóng lại càng gặp nhiều khó khăn.

Hành vi phát tán video, những ấn phẩm có tính chất khiêu dâm bị pháp luật nghiêm cấm, kể cả đó hình ảnh của chính mình. Người nào cố tình có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm:

- Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ một gigabyte (GB) đến dưới 5 gigabyte (GB);

- Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;

- Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;

- Phổ biến cho 10 người đến 20 người;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ ba đến 10 năm: có tổ chức; dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 5 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); phổ biến cho 21 người đến 100 người; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; ...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ bảy đến 15 năm: Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 10 gigabyte (GB); phổ biến cho 101 người trở lên, ...

Trong trường hợp dung lượng video trên chưa đủ một GB thì hành vi làm, lưu trữ, phát tán video này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.

Câu 5: Rõ ràng sau mỗi vụ việc nổi lên, dư luận chỉ quan tâm đến nội dung clip đó như thế nào. Và một thời gian sau, không ai còn quan tâm xem liệu rằng vụ việc đó đã được giải quyết như thế nào. Hay như những người bị oan, gán nhầm cho những clip vốn không phải mình ở trong đó, họ cũng chỉ lên tiếng mà chưa thực sự gay gắt trong vấn đề nhờ các ngành chức năng can thiệp. Vậy làm thế nào để bảo vệ những người đó thưa luật sư?

Trả lời:

Các công ty công nghệ Google, Microsoft hay Facebook đều có những biện pháp đối phó với vấn nạn “revenge porn”. Những nạn nhân bị tung ảnh nóng hoàn toàn có thể gửi thư đến Google hay Microsoft yêu cầu ngăn chặn xuất hiện kết quả tìm kiếm có liên quan đến hình ảnh/đoạn video bị phát tán của họ.

Nếu biết ai là kẻ phát tán video, hãy đề nghị họ xóa video gốc ngay lập tức. Trong trường hợp bị đe dọa, tống tiền bằng clip nhạy cảm, nạn nhân có thể tố cáo với cơ quan chức năng.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, do đó, người bị vi phạm có quyền:

- Thứ nhất, yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh;

- Thứ hai, bồi thường thiệt hại;

- Thứ ba, áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định.

Như vậy về mặt dân sự, người bị hại có thể khởi kiện ra Tòa án nơi bị đơn cư trú yêu cầu người có hành vi vi phạm gỡ bỏ hình ảnh, clip, đăng thông tin cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Trường hợp người bị hại muốn khởi tố hình sự, cần làm ngay đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Cơ quan công an có trách nhiệm lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trong thời hạn 20 ngày, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không.

Câu 6: Theo ông, chúng ta cần phải có những chế tài như thế nào để hạn chế được tình trạng này?

Trả lời:

Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần triển khai chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hướng dẫn chi tiết về quản lý mạng xã hội, thông tin trên internet từ đó đề ra các kế hoạch, nội dung, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.

Thứ hai, cần xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng, giám sát các thông tin trên môi trường internet, xây dựng phần mềm đọc, kiểm duyệt. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ cao để đảm bảo triển khai các biện pháp hành chính, kỹ thuật để xử lý.

Thứ ba, cần tăng cường công thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên mạng xã hội dịch vụ internet đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là lực lượng công an để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định việc sử dụng, thiết lập mạng xã hội, phát tán clip nóng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đây là nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt lâu dài, qua đó có ý thức bảo vệ mình thành bộ lọc miễn dịch, sàng lọc những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan