Câu hỏi: Tôi là Yến, ở Hải Phòng. Bên tôi cho công ty X thuê nhà làm địa điểm kinh doanh. Theo thỏa thuận bên thuê đặt cọc 1 tháng tiền nhà. Bên thuê trả tiền nhà trước theo kỳ hạn ba tháng /lần vào ngày đầu tiên của kỳ thanh toán. Hợp đồng xác định rõ: “Nếu việc trả tiền chậm 7 ngày thì Hợp đồng đương nhiên bị hủy” nhưng công ty X lại ngang nhiên vi phạm hợp đồng mà chúng tôi không có cách gì để “mời họ ra khỏi nhà”. Gọi điện thoại họ không nhấc máy, nhắn tin đòi tiền họ không trả lời, đến tận nơi thì những người làm việc cho công ty X nói “Lãnh đạo đi vắng hết, chúng em không có quyền giải quyết, cũng không có quyền trả lời các vấn đề chị hỏi”.
Mong luật sư tư vấn giúp: Cơ quan nào về mặt chức năng quản lý Nhà nước có thể có quyền, có chức năng giúp chúng tôi thực hiện thỏa thuận trong hợp đồng? Làm thế nào để “mời” bên vi phạm hợp đồng ra khỏi nhà?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
"Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;
d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.
Cơ quan có thẩm quyền có chức năng giúp hợp đồng được thực hiện đúng thỏa thuận là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên thuê nhà thường trú. Cách hợp pháp duy nhất để giải quyết đó là khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết. Trước khi khởi kiện, bạn cần thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng và cảnh báo về việc khởi kiện dân sự do vi phạm hợp đồng và có thể tố cáo nếu có đủ dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của công dân.