PHẠT HỌC SINH BẰNG BẠO LỰC – HÀNH VI PHẢN CẢM

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thành Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn trong chương trình "An ninh với cuộc sống" của Kênh truyền hình Công an nhân dân. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Chiều 19/11/2018, Em Hoàng Long Nhật sinh năm 2007, học sinh lớp 6.2, trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải hứng chịu 231 cái tát từ 23 bạn trong lớp và cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên chủ nhiệm.

Cô giáo này đặt ra quy định cho lớp, nếu học sinh nào mắc lỗi nói tục sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Tổng số Nhật bị tát 231 cái khiến em choáng váng đầu óc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23/11, Nhật đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý không ổn định.

Ngày 24/11/2018, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quảng Ninh đã ký công văn tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy 2 tuần và lập đoàn kiểm tra xác minh vụ việc.

Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lệ Thủy cũng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi Hành hạ người khác đối với cô giáo Thủy.

Phân tích về giáo viên ở trên vi phạm luật như thế nào? Và giáo viên sẽ bị xử lý ra sao?

Hành vi này của giáo viên này không những đi ngược lại giá trị cao quý của nhà giáo, mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Tùy theo tính chất, mức độ tổn hại về sức khỏe của học sinh bị tát, giáo viên có thể bị xem xét về tội cố ý gây thương tích, được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp tỷ lệ tổn thương sức khỏe của học sinh không đủ cấu thành tội trên, giáo viên này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, mặt khách quan của tội danh này là (i) hành vi đối xử tàn ác hoặc (ii) làm nhục người lệ thuộc mình mà không thuộc vào trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Đối xử tàn ác, có thể được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và/hoặc tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ. Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.

Về hình phạt dành cho hành vi này, cụ thể trong tình huống trên của người giáo viên, căn cứ quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự hiện hành, khung hình phạt cơ bản dành cho tội phạm này là hạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Tuy nhiên ở đây, người giáo viên có hành vi hành hạ học sinh của mình, là đối tượng thuộc trường hợp người dưới 16 tuổi, do đó, người giáo viên này có khả năng bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm a, khoản 2 Điều này. Theo đó, khung hình phạt cho hành vi này là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

2. Đó không chỉ là vụ việc duy nhất, mới đây cũng tại tỉnh Quảng Bình, chỉ vì làm nhầm cả hai đề trong lúc kiểm tra, một học sinh lớp 1 tại Quảng Bình đã bị cô giáo tát chảy máu tai.

Vào ngày 28/12/2018 tại Trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình, cô Lê Thị Hải, 40 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.1 tổ chức kiểm tra môn viết cho học sinh. Khi thấy em Trương Ngọc Hải làm cả 2 đề A và B (quy định mỗi em chỉ được phép làm 1 đề), cô giáo đã đến xách tai và tát 2 cái vào má em Hải.

Hải đi học về có dấu hiệu bị chảy máu tai, kêu chóng mặt nên gia đình đã đưa em đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. Sau đó, gia đình tiếp tục đưa Hải vào bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế khám, chụp X quang và làm các xét nghiệm. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Hải bị chấn động sọ não, cần phải nhập viện điều trị theo dõi dài ngày.

Nhà trường đã họp và thi hành kỷ luật bằng hình thức phê bình trong Chi bộ và trước Hội đồng sư phạm đối với cô giáo Lê Thị Hải.

Phân tích về mức độ phạm tội của cô Lê Thị Hải?

Trường hợp này, hành vi của cô Lê Thị Hải có dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự. Thông thường, để có thể xác định được tính chất nguy hiểm của hành vi, cũng như xác định dấu hiệu tội phạm này, cần phải xác định được chính xác cụ thể tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân. Theo đó, nếu có cơ sở do cơ quan có thẩm quyền xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 11% trở lên, hành vi này được xác định là có dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Tuy nhiên, với trường hợp của cháu Ngọc Hải, cháu mới học lớp 1 nên do vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ Luật hình sự, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tổn dưới 11% nhưng thuộc trường hợp gây thương tích với người dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Vì vậy, ở trường hợp này của cô Lê Thị Hải, vẫn có cơ sở cho rằng cô có khả năng phải chịu TNHS về tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan