Tôi phát hiện có một nhãn hiệu được nộp tại Việt Nam giống với nhãn hiệu mà tôi đã được cấp bằng tại Việt Nam. Vậy nếu tôi yêu cầu phản đối cấp bằng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu đó thì có giới hạn về thời gian hay không?
Trả lời: Có. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, thời hạn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu được giới hạn như sau:
“Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:
a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;
b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;
c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;
d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.”
Theo quy định trên, bạn cần rà soát xem liệu đơn nhãn hiệu bạn muốn phản đối đã được công bố hay chưa trên Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (IPVN) để tính toán thời hạn nộp phản đối đơn. Trong trường hợp còn thời hạn phản đối, bạn có thể tiến hành nộp phản đối đơn và IPVN sẽ tiếp nhận và xử lý đơn phản đối này.
Tuy nhiên, trong trường hợp không còn thời hạn này, bạn không thể tiến hành nộp đơn phản đối nhãn hiệu. Thay vào đó, nếu bạn vẫn có nhu cầu đưa ra ý kiến phản đối, bạn có thể nộp ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ (Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ 2022), cụ thể:
“Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ
Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.”
Theo đó, chỉ cần đơn đăng ký nhãn hiệu cần phản đối chưa có quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bạn có thể đưa ra ý kiến về việc có đồng ý với việc cấp hay không cấp bằng cho nhãn hiệu này không. Mặc dù vậy, bạn vẫn cần lưu ý rằng, ý kiến này chỉ là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu, tức IPVN không có trách nhiệm phải xử lý ý kiến này của bạn như đối với phản đối đơn.