Tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại vốn là vấn đề nhức nhối trong xã hội từ lâu. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này. SB Law trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn.
1. Trong thời gian qua có nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ, Ranh giới giữa việc cho phép của pháp luật (mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) với việc mang thai vì mục đích thương mại có khó khăn cho lực lượng khi xác minh hành vi của các đối tượng?
Trả lời:
Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực tế không dễ dàng bởi pháp luật đặt ra nhiều điều kiện, thủ tục khắt khe buộc các bên tham gia phải đáp ứng mới có thể thực hiện việc mang thai, có thể kể đến như:
- Đối với cặp vợ chồng
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Vợ chồng đang không có con chung;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Đối với người được nhờ mang thai hộ
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Còn mang thai hộ vì mục đích thương mại hay như mọi người thường nói là “đẻ thuê” được quy định tại Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, đây là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào định nghĩa trong luật thì rất khó có thể phân biệt giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với mang thai hộ vì mục đích thương mại bởi sự khác biệt lại nằm ở ý chí của người mang thai hộ - thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trường hợp người mang thai hộ mang thai để có thể nhận tiền hoặc lợi ích khác như công việc hay một cơ hội nào đó thì được xác định là vì mục đích thương mại; còn không thì vì mục đích nhân đạo. Khái niệm được đưa ra tương đối trừu tượng và chắc chắn ít nhiều sẽ gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng có thể đánh giá theo những tiêu chí khác như: Việc mang thai hộ đã đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Chương V Nghị định 10/2015/NĐ – CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vi mục đích nhân đạo hay chưa; có thỏa thuận nào giữa các bên hay không;.... Trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại thì 90% không thể đáp ứng được các điều kiện và thủ tục luật định mà thường sẽ phải làm “chui”, trốn tránh sự quản lý, điều tra.
2. Hình thức mang thai hộ có lợi ích thương mại mà chỉ có thể xử phạt 5-10 triệu đồng theo nghị định 82/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2020. Hành vi này trái về mặt đạo đức chứ không gây nguy hiểm cho xã hội. Phải chăng là quá nhẹ dẫn tới nhiều vụ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại?
Trả lời:
Theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ – CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; hôn nhân gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì với người thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; đồng thời, phải nộp lại toàn bộ số tiền bất hợp pháp đã kiếm được từ hành vi này cho cơ quan có thẩm quyền.
Đây là quy định hợp lý bởi những người phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại bản thân họ đã phải chịu những khó khăn, cực nhọc trong quá trình mang thai và khi bị phát hiện thì cũng đã phải nộp lại toàn bộ số tiền mà có được từ việc mang thai đó.
Thay vào đó, chúng ta cần xử lý nghiêm những người tổ chức, môi giới việc mang thai hộ vì mục đích thương mại này. Và thực tế hiện nay, những chủ thể này có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hình phạt có thể là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu có các tình tiết tăng nặng như phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm,... thì bị phạt từ từ 01 đến 05 năm.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, cũng cần xem xét trách nhiệm của các cặp vợ chồng “thuê” người mang thai hộ.