NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN TỚI HÌNH THỨC CHO VAY TRỰC TUYẾN P2P LENDING

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên truyền hình thông tấn về vấn đề: Những vấn đề pháp lý của hình thức cho vay trực tuyến p2p lending.

Nội dung cụ thể như sau:

Hiện nay p2p lending là một hình thức cho vay đang được ưa chuộng, tiến tới sẽ thay thế hệ thống ngân hàng, dưới góc độ của luật, ông nhìn nhận thế nào về loại hình cho vay này?

Trả lời:

Cho vay ngang hàng (Peer - to Peer Lending hoặc viết tắt là P2P) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến.

Mô hình P2P mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Khác với hình thức truyền thống, người vay phải đến ngân hàng trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe. Mô hình P2P có ưu điểm đơn giản hoá mọi thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng, lãi suất cạnh tranh.

Khách hàng có thể vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, thủ tục đơn giản, chỉ cần điền vào một mẫu đơn xin vay trực tuyến có sẵn, chụp ảnh một số giấy tờ liên quan, chờ xác nhận và khoản vay có thể được phê duyệt chỉ sau 15-30 phút. Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, số lượng khách hàng đến với các mô hình P2P này ngày càng nhiều.

Cho vay ngang hàng là hình thức cho vay hoàn toàn khác biệt so với hình thức cho vay truyền thống, có nhiều lợi thế hơn so với cho vay truyền thống tuy nhiên mô hình này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người cho vay và người vay.

Loại hình này có những rủi ro gì?

Trả lời:

Tại Việt Nam, mô hình này phát triển ngày càng nhiều, nhưng hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc cho vay ngang hàng. Đây cũng là một trong các lý do dẫn đến rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.

Các P2P chỉ đơn thuần cung cấp ứng dụng phần mềm hoặc website để kết nối giữa người cho vay và người cần vay, chứ không trực tiếp huy động hay cho vay nên các công ty này không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nên khi xảy ra tranh chấp trách nhiệm hoàn toàn do người vay và người cho vay tự giải quyết với nhau. Nếu các P2P tiến hành tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Theo đó, khi tranh chấp xảy ra, cả người vay và người cho vay sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Ngoài thiếu một khung pháp lý, các P2P Việt Nam cũng không có một phương án phòng ngừa rủi ro đầy đủ và năng lực tài chính còn khiêm tốn. Hiện nay đa phần các P2P có nguồn vốn nhỏ, tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay. Điều này để lại khoảng trống đối với câu hỏi về tính an toàn khi có rủi ro xảy ra.

Bên cạnh đó, hợp đồng giữa người cho vay và người cần vay còn thiếu chặt chẽ và không tuân thủ theo quy định pháp luật. Người cần vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân. Trong khi đó, người cho vay gần như không thẩm định được năng lực tài chính, khả năng trả nợ và mục đích sử dụng tiền vay của người đi vay mà phụ thuộc hoàn toàn vào những đánh giá của đơn vị trung gian.

Ở một số quốc gia, P2P đã bị lợi dụng, từ đó biến tướng gây bất ổn an ninh kinh tế và xã hội. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, các P2P huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn.

Chúng ta nên cấm hay ban hành các văn bản dưới luật điều chỉnh hình thức này?

Trả lời:

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác giám sát và quản lý đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thay vì cấm, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho mô hình này. Cụ thể: quy định về hoạt động của các P2P, trách nhiệm, quyền lợi và vai trò của các P2P trong việc kiểm soát, quản lý rủi ro.

Tại một số nước ASEAN cũng đã ban hành hoặc đang có nghiên cứu và hoàn thiện để ban hành khung khổ quy dịnh về cho vay ngang hàng. Đơn cử như: năm 2016, Ngân hàng Trung ương Thái Lan ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay ngang hàng; năm 2017, Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính của Indonesia đã ban hành các quy định về cho vay ngang hàng.

Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu các mô hình P2P trên thế giới, kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động này, từ đó xây dựng khung khổ pháp lý tối ưu để phát huy những mặt tích cực của mô hình này.

Trong khi Việt Nam chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, để đảm bảo lợi ích, cả người vay và người cho vay phải tìm hiểu kỹ khi tham gia một lĩnh vực chưa có khung pháp lý điều chỉnh; phải hiểu rõ vai trò của P2P và nắm bắt những kiến thức tài chính cơ bản để có thể đầu tư, cho nhau vay và hiểu rõ nghĩa vụ của hai bên.

Bên cạnh đó, người đi vay cũng cần tìm hiểu kỹ đâu là người cung cấp dịch vụ cho mình, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là gì, tính pháp lý của đơn vị cho vay và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay để tránh rủi ro khi quyết định vay tiền.

- Xin cám ơn ông!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan