Những tội danh liên quan đến bạo lực gia đình

Nội dung bài viết

Khách mời:

Em yêu chồng em được hơn 1 năm thì cưới, lúc đầu mới cưới thì mọi chuyện cũng không có gì nhưng càng ở lâu với chồng em thì anh ta càng bộc lộ bản tính vũ phu. Anh ta kiểm soát tất cả mọi hành động của em, suốt ngày chửi rủa em và đánh em rất nhiều. 3 tháng gần đây, tuần nào anh ta cũng đánh em 2-3 trận và đỉnh điểm là cách đây 1 tuần, anh ta đánh em nếu không có hàng xóm giải cứu thì chắc em đã chết.

Luật sư tư vấn:

Bạo lực gia đình là một trong những hành vi đáng lên án và không chỉ nằm trong phạm vi giải quyết của gia đình mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình, trong đó có:

"a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;..."

Như vậy, chị Mơ trong tình huống trên thường xuyên bị chồng đánh đập không chỉ 1 mà nhiều lần, thậm chí có những từ ngữ xúc phạm nên đã được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì người vợ trong trường hợp này có các quyền sau đây:

“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, nếu muốn chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì chị Mơ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Trong tình huống này, căn cứ Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì chị Mơ có thể nộp đơn tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc mình bị đánh đập, lăng nhục để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Điều 49, Điều 50, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy địnhnhư sau:

Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình:

- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Căn cứ theo Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra chính quyền, công an cũng có trách nhiệm trong việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

Theo Khoản 2 Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì: “Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền khi nhận được tin báo về việc xảy ra bảo lực gia đình không những phải kịp thời xử lý mà trong trường hợp cần thiết còn có trách nhiệm bảo vệ người bị bạo hành trong tình huống xấu.

Việc gìn giữ gia đình yên ấm, hạnh phúc là mong muốn của mỗi người nhưng nếu sống trong gia đình thường xuyên có bạo lực, cuộc sống bị đầy đọa thì ly hôn cũng là giải pháp để tìm kiếm một cuộc sống mới.

Khách mời:

Em không chịu đựng thêm được nữa, em muốn kiện ra tòa và li hôn anh ta. Giờ em cần phải làm những thủ tục gì ạ?

Luật sư tư vấn:

Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định ly hôn là quyền của một trong hai bên vợ chồng. Nếu cả 2 vợ chồng đều tự nguyện muốn ly hôn thì thực hiện ly hôn theo hình thức thuận tình.

Còn trường hợp chị có căn cứ cho rằng hiện tại chị bị bạo lực gia đình hoặc mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được thì có quyền đơn phương xin ly hôn theo Khoản 1 Điều 56: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Khi giải quyết ly hôn sẽ thực hiện phân chia tài sản chung của hai người sẽ do cả 2 tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì phân chia theo nguyên tắc sau:

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Hồ sơ xin đơn phương ly hôn gồm những loại giấy tờ sau:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu của tòa án);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);

+ Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của 2 vợ chồng(có chứng thực);

+ Bản sao giấy khai sinh của các con (có chứng thực) nếu yêu cầu Tòa án giải quyết về con chung;

+ Bản sao có chứng thực các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng (nếu yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản).

Khách mời:

Vậy các thủ tục báo cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng này như thế nào ạ?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thì: Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình, phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Như vậy, đối với trường hợp người phát hiện hành vi BLGĐ thì có thể trình báo với cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc tổ trưởng dân phố, đối với trường hợp người phát hiện là nhân viên y tế hoặc người tư vấn về BLGĐ thì cần báo cho người đứng đầu cơ sở đó.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan