Trong số những thương hiệu hàng đầu thế giới như Coca-Cola, Google, BP, BBC… có thương hiệu chẳng mất đồng nào để mua logo, nhưng cũng có những thương hiệu mất hàng trăm triệu USD.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược thương hiệu của một công ty là chọn đúng logo. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, tầm nhìn, tài năng… và đôi khi là cả tiền bạc.
Theo trang Business Insider, Stock Logos - một trang chuyên về logo - mới đây đã tiết lộ về số tiền mà các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Nike, BP… phải bỏ ra để có được hình ảnh logo đã quen thuộc trên toàn thế giới của họ.
Coca-Cola: 0 USD
Logo nổi tiếng của hãng đồ uống Coca-Cola được tạo ra vào năm 1886 bởi một thủ thư có tên Frank M. Robinson, đồng thời là đối tác của nhà sáng lập hãng. Theo trang web của Coca-Cola, chính ông Robinson là người “đề xuất tên gọi Coca-Cola, vì cho rằng, hai chữ C sẽ đem đến một hình ảnh đẹp khi quảng cáo sản phẩm. Ông muốn tạo ra một logo độc nhất vô nhị đi cùng với tên gọi này và đã thử viết tên công ty theo kiểu chữ Spencer cầu kỳ, một kiểu mẫu chữ thể hiện đẳng cấp viết đẹp của người viết tay thời đó”.
Google: 0 USD
Logo nổi tiếng và nhiều màu sắc của Google đã được điều chỉnh đôi chút theo thời gian. Thiết kế ban đầu của logo này được tạo ra vào năm 1998 bởi người đồng sáng lập Google, Sergey Brin, trên một chương trình đồ họa miễn phí có tên GIMP. Về sau, Ruth Kedar, một người bạn của hai người đồng sáng lập Google là Brin và Larry Page từ Đại học Stanford đã thực hiện các mẫu logo khác cho trang tìm kiếm số 1 thế giới này.
Twitter: 15 USD
Twitter mua bản quyền logo hình chú chim hiện đã nổi tiếng từ iStockphoto với giá chỉ 15 USD. Họa sỹ Simon Oxley, một công dân Anh quốc sống tại Nhật, có thể chỉ nhận được 6 USD cho tác phẩm này. Tuy nhiên, logo chú chim của Twitter gần đây cũng đã được điều chỉnh một số chi tiết.
Nike: 35 USD
Người đồng sáng lập hãng đồ thể thao Nike, ông Phil Knight, đã mua logo của hãng này từ sinh viên thiết kế đồ họa có tên Carolyn Davidson vào năm 1971. Khi đó, Knight đang giảng một lớp học kế toán ở Đại học Portland và tình cờ nghe thấy cô Davidson nói chuyện ở hành lang rằng, cô không có đủ tiền mua sơn dầu để vẽ. Đó là lý do vì sao mà Knight đề nghị trả Davidson 2 USD/giờ để làm các công việc về đồ họa, đồ thị, và cuối cùng là một logo.
“Tôi không thích nó, nhưng nó có thể sẽ phát triển trong tay tôi”, Knight đã nói sau khi bỏ ra 35 USD để mua hình logo Nike hiện đã nổi tiếng khắp thế giới từ Davidson.
Enron: 33.000 USD
Hãng năng lượng phá sản vào năm 2001 Enron đã chi 33.000 USD để mua logo vào thập niên 1990 từ nhà đồ họa Paul Rand. Rand cũng là người đã tạo ra logo cho nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như ABC, IBM, UPS, NeXT và Westinghouse.
NeXT: 100.000 USD
NeXT là công ty máy tính được huyền thoại công nghệ Steve Jobs sáng lập vào năm 1985 sau khi ông bị mất việc ở Apple trong cùng năm đó. Chính nhà đồ họa Paul Rand đã thiết kế logo NeXT cho Steve Jobs vào năm 1986 với giá 100.000 USD.
London 2012 Olympics: 625.000 USD
Ban tổ chức Olympic London 2012 đã chi ra 400.000 Bảng Anh, tương đương 625.000 USD, để có được logo rất gây tranh cãi này. Hãng tư vấn thương hiệu Wolff Olins đã thiết kế ra logo của Olympic London 2012 vào năm 2007. Logo này bị nhiều người cho là quá “sến sẩm”.
Pepsi: 1 triệu USD
Công ty thương hiệu Arnell Group đã thiết kế lại logo của hãng đồ uống Pepsi vào năm 2008 với giá 1 triệu USD. Theo trang Stock Logos thì mức giá này đã bao gồm một gói tư vấn thương hiệu toàn diện.
BBC: 1,8 triệu USD
Kênh truyền hình BBC nổi tiếng của Anh nâng cấp logo vào năm 1997. Theo đó, phông chữ nghiêng và những gạch màu bên dưới được thay thế bằng những chữ cái đứng và giản đơn hơn. Chi phí của lần điều chỉnh logo này của BBC là 1,8 triệu USD.
BP: 211 triệu USD
Stock Logos cho biết, BP đã chi 211 triệu USD để thiết kế logo vào năm 2008. Với lần đổi mới logo này, BP muốn hướng tới hình ảnh một công ty năng lượng mà người tiêu dùng có thể tin tưởng, biết lên tiếng trước những lo ngại của mọi người… Tuy nhiên, sau thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico vào năm 2010, hình ảnh của BP đã xấu đi nhiều.
sblaw.vn theo vneconomy.vn