Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời về những sai phạm trong các phòng khám tư nhân và biện pháp xử lý trên kênh truyền hình ANTV.
Dưới đây là nội dung chi tiết:
1/ Hiện nay, việc xử lý sai phạm tại các phòng khám tư nhân như: hoạt động không có giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề, ... được quy định như thế nào, thưa luật sư?
Không thể phủ nhận trong thời gian qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong toàn quốc đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hiện nay qua báo cáo của các Sở Y tế và thực tế Bộ Y tế kiểm tra cho thấy một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật khám bệnh, chữa bệnh.
Các sai phạm điển hình như: mời bác sỹ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; phòng khám tư nhân hoạt động không có giấy phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; …
Thứ nhất, đối với các phòng khám tư nhân hoạt động không có giấy phép
Theo Điều 42 Luật khám bệnh chữa bệnh 2009 thì cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi đáp ứng được các điều kiện sau:
“1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp”.
Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định nghiêm cấm hành vi: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động”.
Biện pháp xử lý:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a. Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; …”.
Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Thứ hai, đối với hành vi khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề
Điểm a Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”.
Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung cụ thể:
Căn cứ tại Điểm b Khoản 7 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: “Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”.
Lưu ý: người nước ngoài tiếp tục hành nghề không mà có chứng chỉ hành nghề có thể áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
Căn cứ Khoản 6 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nước ngoài tái phạm hành vi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Như vậy, trường hợp người bạn nước ngoài sang Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tước giấy phép hoạt động thời hạn 03- 06 tháng, nếu tái phạm có thể bị xử phạt trục xuất.
Mới đây, vụ việc một thai phụ hôn mê sau dẫn đến tử vong sau khi điều trị tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội cũng đã gây chấn động dư luận. Vậy sai phạm trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 73, 74 Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2009, khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, để xác định được trách nhiệm của những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì phải dựa vào kết luận của một Hội đồng chuyên môn - được thành lập bởi người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp; hoặc nếu người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Trong trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập Hội đồng chuyên môn để tiến hành giám định.
Hội đồng chuyên môn xác định y, bác sĩ có sai sót về chuyên môn kỹ thuật khi đã thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
- Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
- Xâm phạm quyền của người bệnh.
Trên cơ sở kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn sẽ xác định được có sai sót chuyên môn kỹ thuật hay không. Trong trường hợp xác định có xảy ra sai sót chuyên môn, kỹ thuật thì người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo Điều 76 Luật Khám bệnh chữa bệnh và Điều 591 Bộ Luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, trong trường hợp xác định có hành vi phạm tội thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
“1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
2/ Sai phạm vẫn diễn ra tại nhiều phòng khám, có phải do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe không, thưa ông?
Mặc dù, đã có hành lang pháp lý để xử phạt các hành vi trên, tuy nhiên lại chưa đủ sức răn đe.
Có những phòng khám dù bị xử phạt tới 900 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động nhưng họ vẫn chấp nhận. Sau đó, các phòng khám này bỏ cơ sở cũ chuyển sang đầu tư một cơ sở mới và tiếp tục hoạt động theo hình thức cũ.
Chế tài xử phạt còn thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép, dễ gây thiệt hại cho người bệnh.
Do đó, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung những quy định nhằm xử phạt nghiêm những sai phạm tại các phòng khám tư nhân và cũng để tránh nhờn luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý.
Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, bắt buộc chính quyền phải vào cuộc, đôn đốc công tác thanh kiểm tra các phòng khám, nhất là đơn vị đã phát hiện sai phạm.