Cạnh tranh cần làm rõ từ xung đột giữa đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và VPF

Nội dung bài viết

Những tưởng lùm xùm khi bắt đầu mùa giải mới xung quanh câu chuyện tài trợ giữa Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã lắng xuống thì mới đây, ngày 7/2, TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khởi kiện VPF. HAGL cho biết mục đích khởi kiện là để đảm bảo quyền lợi của CLB và nhà tài trợ, yêu cầu VPF bỏ quy định về độc quyền tài trợ ngành hàng.

Ngoài nội dung này, CLB cam kết không đòi bồi thường bất kỳ khoản thiệt hại nào. Thực hư câu chuyện này như thế nào? Vấn đề độc quyền tài trợ ngành hàng mà phía Hoàng Anh Gia Lai yêu cầu là gì? Trong chuyên mục Bạn và Pháp luật của Đài Tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Văn phòng luật sư SB-law sẽ cùng phân tích cho quý thính giả hiểu rõ hơn về điều này. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1:

Nhìn nhận về sự việc xung đột này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, ý kiến của ông như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác (người đại diện hợp pháp) để khởi kiện.

Vì vậy, khi câu lạc bộ HAGL và VPF không đạt được những thỏa thuận như cả hai bên mong muốn thì việc đưa vụ việc ra Tòa án là điều hết sức bình thường bởi đây là vụ việc dân sự, khi hai bên có khúc mắc không thể có tiếng nói chung, cần một cơ quan phân giải. Thực tế, mỗi bên có quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Và mỗi bên sẽ có những tài liệu, chứng cứ chứng minh khác nhau để bảo vệ lợi ích đó.

Cạnh tranh cần làm rõ từ xung đột giữa đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và VPF
Cạnh tranh cần làm rõ từ xung đột giữa đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và VPF

Câu hỏi 2:

Về bản chất, đây có phải là vi phạm luật Cạnh tranh như phía Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ hay không, thưa luật sư?

Trả lời:

HAGL kiện VPF vì cho rằng VPF có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Vậy nên trong trường hợp này, vấn đề cần làm rõ đó là quy định về nhà tài trợ độc quyền tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023) có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không?

Theo đó, phía HAGL cần cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại Điều lệ Giải về ngành hàng độc quyền của giải đấu có dấu hiệu của hành vi Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc Cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

Câu hỏi 3: 

Mấu chốt của tranh chấp và nguồn cơn của cuộc xung đột này nằm ở cụm từ “cùng ngành hàng” và “độc quyền”. Để tránh vi phạm luật Cạnh tranh thì VPF đã dùng cụm từ “không cùng ngành hàng”. Nhưng khi thực hiện lại hiểu theo nghĩa “độc không quyền”. Vậy xét trên khía cạnh luật pháp, 2 cụm từ này có đồng nghĩa với nhau hay không, thưa luật sư?

Trả lời:

Hiện nay, Luật cạnh tranh không có quy định cụ thể về khái niệm “độc quyền”. Tuy nhiên, có thể hiểu “Độc quyền” là hiện tượng được xuất hiện trên thị trường khi một công ty hoặc một nhóm các công ty liên kết với nhau nhằm chiếm vị trí duy nhất trong một lĩnh vực nhất định như cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.

Cụm từ "không cùng ngành hàng" không có gì bất thường trong hoạt động kinh doanh, đàm phán hợp đồng, vì nó phụ thuộc vào ý chí và hoàn cảnh của các bên. Trong vụ việc này, VPF đã dùng cụm từ không cùng ngành hàng”, đây cũng là một điểm đáng lưu ý để các bên khai thác trong việc xác định tính phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật TNHH SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật TNHH SBLAW

Câu hỏi 4:

Vậy theo luật sư, VPF đưa ra những quy định về nhà tài trợ độc quyền tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023) đã hợp lý hay chưa?

Trả lời:

Quy định về ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ thực chất là điều khoản mang tính bảo vệ thương hiệu của đối tác với giải đấu. Mức độ bảo hộ càng cao, số tiền mà giải đấu và các CLB được nhận càng lớn.

Sự xuất hiện của quy định độc quyền này (và một số điều khoản khác như số lượng bảng quảng cáo ở các sân) là một cách để VPF tăng sức hút của giải đấu đối với nhà tài trợ. Đối với một giải đấu như V-League, đặt trong bối cảnh bóng đá Viện Nam hiện nat thì việc VPF chào mời đối tác bằng những quyền lợi đặc biệt là chuyện dễ hiểu.

Đi kèm với các hợp đồng giá trị cao hơn trước là điều khoản quy định các CLB dự giải có trách nhiệm không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng, ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính. Đó là lĩnh vực ngân hàng - tài chính (giai đoạn 2012 - 2014, Eximbank là nhà tài trợ); Sữa và nước giải khát (2018, Nutifood); Bia và các loại nước giải khát (2019, Masan); Thiết bị điện (2020-2021, LS).

Thực tế, khác với các giải đấu trên thế giới, nguồn thu mà V.League có được là rất hạn hẹp. Trong một quãng thời gian dài, VPF cũng không có nguồn thu bằng tiền mặt đến từ bản quyền truyền hình. Tất cả bấu víu vào doanh thu đến từ nhà tài trợ chính của giải đấu. Lẽ tất nhiên, khi điều khoản “độc quyền ngành hàng” hiện diện, giá trị hợp đồng giữa VPF và nhà tài trợ cũng cao hơn. Do đó,vấn đề ở đây là các bên cùng nhau điều chỉnh lại những vấn đề còn mâu thuẫ trên sự thống nhất để hài hòa quyền lợi, giống như cách mà luật chơi ban đầu được tạo ra.

Câu hỏi 5: 

Luật cạnh tranh hiện nay quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh như thế nào, luật sư có thể phân tích cho thính giả hiểu rõ hơn được không?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 8 Luật cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến cạnh tranh bao gồm: Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh cụ thể như sau:

Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền. Trong đó:

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác

Câu hỏi 6:

Một thính giả ở Cầu Giấy, Hà Nội đã hỏi chương trình như thế này:
Việc VPF hạn chế các CLB quảng bá thương hiệu có cùng ngành hàng với thương hiệu tài trợ cho VPF liệu có làm giảm đi sự phát triển chuyên nghiệp hay không? Liệu sau vụ việc này, tính cạnh tranh trong quảng cáo thương hiệu ở các CLB sẽ được minh bạch, thỏa đáng hơn hay không?
Trả lời:

VPF đóng vai trò thực hiện tổ chức giải đấu chung cho tất cả các đội bóng chuyên nghiệp. Trách nhiệm của công ty - mà trong đó các CLB như HAGL đều nắm cổ phần - là đảm bảo duy trì sân chơi này mỗi năm. Việc ký hợp đồng tài trợ - bằng một cách nào đó - thực tế cũng là hướng đến quyền lợi của các CLB.

Tuy nhiên, bản thân các CLB cũng là những chủ thể riêng biệt với những quyền lợi riêng. Điều này khiến những mâu thuẫn mang tính cá biệt đôi khi phát sinh. Rắc rối với HAGL lần này cũng là một câu chuyện như vậy. Thực tế, nhiều đội bóng cũng vấp phải rào cản khi khai thác tài trợ từ phía CLB vì quy định độc quyền ngành hàng của VPF cũng như một số các điều khoản khác, ví dụ số lượng, vị trí đặt bảng quảng cáo. Tuy nhiên, phải đến trường hợp của HAGL, khi giá trị của bản hợp đồng lớn, vấn đề này mới được quan tâm nhiều hơn.

Bài toán tài trợ của các CLB Việt Nam hiện nay hết sức quan trọng, nói không quá là mang tính sống còn. Sau sự việc trên có lẽ tính cạnh tranh trong quảng cáo thương hiệu ở các CLB sẽ được minh bạch thoả đáng hơn bởi lẽ khi tranh chấp được Toà án giải quyết có phán quyết cụ thể thì đó sẽ là nền tảng để các bên liên quan phải nhìn vào đó để chuẩn bị cho mình, thực sự sẵn sàng chuyên nghiệp hơn để phát triển nền bóng đá nước nhà

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan