Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSCĐ luôn giữ vững vai trò là “lá chắn thép” trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển đất nước. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW tham dự buổi phỏng vấn trên chương trình Bạn và Pháp luật ngày 22/04/2024. Dưới đây là nội dung chi tiết mời quý khách theo dõi.
Là người theo dõi rất sát và nghiên cứu những quy định, văn bản pháp lý liên quan đến lực lượng CAND, thưa LS Nguyễn Thanh Hà, ông có thể cho thính giả biết, lục lượng cảnh sát cơ động chính thức được ghi nhận bằng văn bản pháp lý nào?
Lực lượng cảnh sát cơ động trước đó được ghi nhận trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/PL-UBTVQH13, hiện tại lực lượng cảnh sát cơ động được chính thức ghi nhận trong Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2022 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Từ khi ra đời đến nay, đã có Luật, điều luật hay những văn bản nào quy định hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động theo luật định?
Cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động được quy định cụ thể tại Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 2022. Cụ thể:
- Điều 4 Luật Cảnh sát cơ động quy định nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động như sau:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
- Chương II – Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ. Theo đó, CSCĐ thực hiện các nhiệm vụ gồm:
- Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại;
- Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố; Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức;
- Giải tán các vụ việc tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự;
- Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt;
- Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự;
- Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố; tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật; Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định;
- Phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.
- Từng hoạt động được quy định cụ thể và chi tiết từ Điều 11 đến Điều 16 của Luật này.
Ngày 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động (Luật số 04/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Ông hãy giúp thính giả hình dung khái quát Luật này?
Luật Cảnh sát cơ động 2022 gồm 05 chương, 33 điều, cụ thể như sau:
- Chương I. Những quy định chung. Chương này gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng; nguyên tắc hoạt động; xây dựng Cảnh sát cơ động; ngày truyền thống; hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động. Chương này gồm 13 điều (từ Điều 9 đến Điều 21), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảnh sát cơ động; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Chương III. Đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động. Chương này gồm 06 điều (từ Điều 22 đến Điều 27), quy định về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm; trang bị; trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động.
- Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động. Chương này gồm 05 điều (từ Điều 28 đến Điều 32), quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động.
- Chương V. Điều khoản thi hành
Luật Cảnh sát cơ động được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Luật Cảnh sát cơ động cũng là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
So với các văn bản pháp lý trước đây liên quan đến quy định hoạt động của lực lượng CSCĐ thì Luật CSCĐ năm 2023 có những điểm gì mới phù hợp với những yêu cầu thực tiễn, thưa ông?
Luật CSCĐ năm 2022 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cập nhật các quy định pháp lý để phản ánh chính xác hơn nhu cầu và thực tiễn hoạt động của lực lượng CSCĐ.
Một trong những điểm mới nổi bật là việc mở rộng quyền hạn và nhiệm vụ của CSCĐ, đặc biệt là trong việc sử dụng vũ khí và vật liệu nổ, điều này phản ánh sự thay đổi trong tình hình an ninh quốc gia và quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng phản ứng của lực lượng CSCĐ trước các tình huống phức tạp.
Luật mới cũng đã cải thiện các quy định liên quan đến quyền huy động người, phương tiện và thiết bị dân sự trong trường hợp cần thiết, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, việc đưa ra các quy định mới về đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho lực lượng CSCĐ cũng là một điểm mới quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo rằng lực lượng CSCĐ có đủ kỹ năng và kiến thức để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất. Các thay đổi này không chỉ giúp lực lượng CSCĐ thích ứng với các thách thức hiện đại mà còn đảm bảo rằng họ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản. Điều này củng cố niềm tin của công chúng vào tính minh bạch và công bằng của hệ thống pháp luật, đồng thời góp phần vào việc xây dựng một xã hội an toàn, ổn định và pháp quyền.
Thưa Ls Nguyễn Thanh Hà có rất nhiều quý thính giả quan tâm đến chương trình và gửi câu hỏi mong được giải đáp.
Thính giả Bùi Tuân ở Long An có hỏi: Lực lượng cảnh sát cơ động tham gia vào rất nhiều lĩnh vực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tôi muốn hỏi, với lực lượng này, theo quy định họ sẽ được trang bị những gì?
Theo Điều 23 Luật CSCĐ 2022, lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị các thiết bị và phương tiện cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Cụ thể, họ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác. Việc sử dụng các trang bị này phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động để nâng cao khả năng phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh quốc gia.
Thính giả Hồng Hạnh, Ninh Bình cũng có câu hỏi gửi đến chương trình: Tôi muốn biết, theo luật, lực lượng cảnh sát cơ động có những hoạt động nào không được phép thực hiện?
Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng này, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cảnh sát cơ động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Họ cũng phải dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Bất kỳ hành vi nào vi phạm các nguyên tắc này có thể được coi là không được phép. Ngoài ra, các hành vi cụ thể bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động cũng được quy định trong Điều 8 Luật CSCĐ, đặc biệt là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thính giả Mai Loan, Hà Nam có địa chỉ email: nmloan123@gmail.com có hỏi: Theo quy định hiện hành, lực lượng cảnh sát cơ động được tổ chức như thế nào?
Theo Điều 17 Luật Cảnh sát cơ động 2022, hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động bao gồm:
- Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động
- Cảnh sát cơ động Công an cấp Tỉnh
Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 21 Luật cảnh sát cơ động.
Nguyên tắc phối hợp được quy định như sau:
- Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế;
- Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp;
- Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.
Nội dung phối hợp được quy định như sau:
- Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật;
- Giải quyết các vụ việc tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin;
- Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt;
- Phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
- Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng;
- Trao đổi thông tin, tài liệu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.
Cơ chế chỉ huy trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động được quy định như sau:
- Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do cấp ủy, chính quyền địa phương chủ trì có sự tăng cường lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Công an chủ trì, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai các biện pháp giải quyết vụ việc và trực tiếp chỉ huy Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Khi giải quyết vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được giao chủ trì, các lực lượng tham gia phối hợp chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thưa ông, với những văn bản quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng liên quan đến hoạt động, tổ chức của lực lượng cảnh sát cơ động, theo ông, để xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tình hình mới các văn bản dưới luật có cần bổ sung gì hay không?
Việc bổ sung các nội dung xây dựng vào các văn bản dưới luật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về CSCĐ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của lực lượng CSCĐ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đáp ứng yêu cầu tình hình mới, các văn bản dưới luật có thể tham khảo bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất là bổ sung quy định về tổ chức bộ máy của CSCĐ. Cần xác định rõ hơn cơ cấu tổ chức của CSCĐ từ cấp trung ương đến địa phương, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế. Quy định cụ thể về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ, chiến sĩ CSCĐ. Quy định về chức danh, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp trong CSCĐ.
Thứ hai là bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ CSCĐ thực hiện nhiệm vụ. Quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng lực lượng CSCĐ.
Ngoài ra, bổ sung quy định về đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn. Cần có các quy định về đào tạo, huấn luyện và nâng cao năng lực chuyên môn cho các thành viên của lực lượng cảnh sát cơ động. Điều này bao gồm cả kiến thức pháp lý, kỹ năng thể lực, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý tình huống và kỹ năng giải quyết xung đột.