Những quy định của pháp luật về việc chơi phường, hụi, họ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã nêu những quy định của pháp luật về việc chơi phường, hụi, họ trong Chương trình Bạn và pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa Luật sư…, những vụ vỡ hụi, họ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng đã không còn là chuyện mới ở nước ta. Vỡ hụi, giật hụi diễn ra ngày càng nhiều với những hệ lụy khó lường. Luật sư nhìn nhận như thế nào về nguyên nhân thực trạng này?

Trả lời:

Trả lời:

Trước hết, căn cứ quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”. Như vậy, có thể thấy việc chơi họ tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn, chịu lãi vay từ những người cùng tham gia, với hình thức đơn giản, nhẹ nhàng và thuận tiện hơn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, đi cùng với việc tạo điều kiện dễ dàng để các cá nhân huy động tiền, việc lợi nhuận ban đầu quá cao đã khiến nhiều người bị “che mắt”, sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để góp phường, hụi. Và, một khi chủ hụi bỏ trốn, họ lại rơi vào tình cảnh “mất cả chì lẫn chài”. Do đó, theo quan điểm của tôi, chính sự nhẹ dạ cả tin của người dân đã phần nào tạo nên rủi ro khi tham gia hình thức này.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, việc chơi họ trong nhân dân đều mang tính chất tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương không nắm được. Chỉ khi vụ việc vỡ lở, các nạn nhân mới trình báo lên cơ quan chức năng. Chính điều này đã tạo nên sự khó khăn đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý các giao dịch này, dẫn đến những hệ lụy như BTV đã đề cập ở trên.

Câu 2: Hụi, họ bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy đau lòng, nhiều người tán gia bại sản, nhiều vụ án mạng xảy ra. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do luật pháp đang đứng ngoài hụi, họ. Luật sư nghĩ gì về điều này?

Trả lời:

Vấn đề này hiện đang được BLDS năm 2015 điều chỉnh, cụ thể là Điều 471 như tôi đã nêu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, trong đó quy định cụ thể về hình thức họ, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ bao gồm chủ họ và các thành viên. Như vậy, có thể thấy họ cũng là giao dịch được đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật.

Vấn đề ở đây là hiện nay, Nghị định 144 chưa quy định rõ về chế tài cũng như trách nhiệm trong trường hợp người vi phạm không trả, hoặc không trả đủ số tiền cho người bị vi phạm. Vì thế rất nhiều trường hợp mặc dù được tòa xử thắng, nhưng người bị vi phạm vẫn phải chấp nhận mất tiền vì người vi phạm thông báo hết tiền. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cũng có 1 tín hiệu đáng mừng là vấn đề này hiện đang được Chính phủ xem xét điều chỉnh trong Dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới, theo đó sẽ quy định chi tiết hơn về trách nhiệm hành chính cũng như trách nhiệm hình sự với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Câu 3: Vậy quy định về lãi suất theo Bộ Luật Hình sự 2015 liệu có thể áp dụng vào xử lý các đối tượng cầm đầu đường dây hụi, họ hay không?

Trả lời:

Đối với họ có lãi, quy định về lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định của BLDS năm 2015, nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. Do đó, trường hợp mức lãi suất đủ cao cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), vẫn có thể áp dụng quy định này để truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân có hành vi vi phạm.

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Câu 4: Theo Luật sư, người chơi hụi, họ cần có biện pháp gì để tự bảo vệ mình?

Trả lời:

Để tự bảo vệ bản thân, người chơi họ cần:

- Thứ nhất, nắm rõ được những quy định pháp luật về họ. Người tham gia cần nhận thức rõ được quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình khi tham gia họ, qua đó đánh giá khách quan được mức độ rủi ro khi mình tham gia.

- Thứ hai, đảm bảo tính pháp lý của các thỏa thuận khi tham gia họ. Các thỏa thuận cần phải được lập thành văn bản và được công chứng nhằm đảm bảo giao dịch của họ phù hợp với quy định của pháp luật cũng như có căn cứ, cơ sở hỗ trợ khi xảy ra tranh chấp.

Câu 5: Nhiều người cho rằng, trong Nghị định 144 về hụi, họ không có quy định rõ ràng về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả hoặc trả không đủ số tiền cho người vi phạm, luật sư đánh giá thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Như tôi đã đề cập ở trên, hiện nay Nghị định 144 chưa có quy định rõ về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả hoặc trả không đủ số tiền cho thành viên. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà khẳng định là không có biện pháp xử phạt, hình phạt dành cho các hành vi vi phạm pháp luật. Vẫn có thể căn cứ vào các quy định hiện hành của Luật xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp Chủ họ và các thành viên khi có các hành vi vi phạm quy định về giới hạn lãi suất, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quan hệ về họ theo quy định pháp luật; hoặc căn cứ vào các quy định của BLHS trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng để tiến hành truy cứu trách nhiệm cũng như xử lý đối với các hành vi này.

Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới.

Câu 6: Một thính giả giấu tên ở Sóc Trăng gửi thư về chương trình với nội dung: mẹ em là chủ hụi nhưng không may làm ăn thất bại, bị bể hụi. Khi hụi viên kiện ra tòa, mẹ em quyết định giao căn nhà gia đình em đang ở cho tòa án. Vậy khi ra tòa nhà em có phải trả lãi suất hay không và mẹ em có phải đi tù không, thưa luật sư?

Vâng, xin mời luật sư….giải đáp thắc mắc của bạn thính giả trên.

Trả lời:

Điều 29 Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định:

Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ.”

Căn cứ quy định này, trường hợp các thành viên có yêu cầu, mẹ bạn có trách nhiệm giao phần họ cho các thành viên được lĩnh họ và bồi thường các thiệt hại phát sinh.

Mẹ bạn cũng sẽ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm này theo mức lãi suất đã được thỏa thuận.

Để xác định mẹ bạn có phải chịu trách nhiệm hình sự không, cần phải căn cứ vào số tiền các thành viên đã góp, mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận cũng như phải xác định mẹ bạn có dấu hiệu lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm hay không.

Câu 7: Thính giả ở số điện thoại có 4 số cuối là 3715 gọi điện đến chương trình hỏi:

Thưa luật sư, tôi có làm chủ hụi và có người chơi nhiều chân hụi gồm hụi 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu và vay tiền, vàng của tôi. Đến nay người đó đã tuyên bố vỡ nợ mặc dù hụi vẫn chưa mãn. Vậy tôi có được quyền khởi kiện ra tòa được không? Thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 31 Nghị định 144/2016/NĐ-CP, trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án. Như vậy, trường hợp bạn có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án.

Về thủ tục khởi kiện, bạn thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó, bạn làm đơn khởi kiện, kèm theo hồ sơ, tài liệu, chứng cứ vụ việc nộp đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Câu 8: Bạn Lê Ngọc Long ở địa chỉ email: longlengoc246@gmail.com có hỏi:

ở quê em mọi người chơi hụi của 1 người tên H, anh này cùng gia đình tạo hụi và gom hụi của mọi người trên 2 tỷ đồng. Bây giờ anh ta thu tiền hụi của mọi người rồi bỏ trốn. Em có thể thưa kiện anh ta tội lừa đảo được không? Những hụi viên đã hốt hụi có nghĩa vụ gì không vì những người hốt rồi đa số là anh em trong gia đình anh H. Và nếu anh H đi tù thì ai sẽ là người trả lại tiền hụi cho những người chơi? Em xin cảm ơn chương trình.

Trả lời:

Trường hợp này, bạn có thể làm đơn tố cáo anh H cũng như những người cùng gia đình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định, kết luận có tội phạm, anh H và gia đình có khả năng được xác định là đồng phạm với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về nguyên tắc, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn vẫn là anh H và gia đình anh ta.

Câu 9: Thính giả Nguyễn Văn Tú ở Ninh Bình gửi thư về chương trình hỏi:

Tôi chơi hụi và cho chủ hụi mượn 3 lần tiền tổng cộng là hai mươi ba triệu đồng để sửa nhà. Vì quen biết và thân tình nên không viết giấy tờ mượn tiền, chỉ có người làm chứng. Về tiền hụi tôi chơi 6 dây, mỗi dây 2 chân, tổng tiền đóng hụi là bốn mươi triệu đồng. Nay chủ hụi trốn nợ, chồng chủ hụi bảo tiền đó là do vợ anh ta mượn và chơi hụi anh ta không biết. Nhưng đến giờ người chồng này cũng trốn đi nơi khác. Xin hỏi luật sư, vụ việc này tôi có kiện được không và có thể đòi lại tiền cho vay cũng như tiền hụi đã đóng không? Nếu muốn thắng kiện thì cần những chứng cứ gì?

Trả lời:

Đối với trường hợp này, bạn có thể tiến hành khởi kiện dân sự hoặc tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Trường hợp khởi kiện dân sự, về nguyên tắc, khi có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, bạn hoàn toàn có thể tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, theo những thông tin bạn cung cấp, tôi nắm được rằng tất cả các giao dịch giữa bạn và chủ hụi đều được giao kết bằng lời nói, và chỉ có người làm chứng. Do đó, bạn hiện nay đang gặp bất lợi về mặt chứng cứ khi không có bất cứ văn bản, giấy tờ gì chứng minh cho các giao dịch của mình.

Trường hợp tố giác tội phạm. Như thông tin bạn đã cung cấp thì giao dịch giữa bạn và chủ họ có người làm chứng. Như vậy, bạn có cơ sở để làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ họ.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan