Những quy định của Pháp Luật về vấn đề bảo hiểm: Hiểu để đảm bảo quyền lợi.

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Luật SBLaw đã nhận lời tham gia và trả lời phỏng vấn về chủ đề: "Những quy định của Pháp Luật về vấn đề bảo hiểm: Hiểu để đảm bảo quyền lợi." trên kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam.

Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, qua nhiều năm hành nghề của mình, ông nhận thấy những hiểu biết của người dân liên quan đến vấn đê bảo hiểm ở nước ta hiện nay đã thực sự đầy đủ chưa?

Ở nước ta hiện nay, vấn đề bảo hiểm chưa được người dân quan tâm đúng mức và chưa được tuyên truyền phổ biến về lợi ích, các loại bảo hiểm. Vì vậy, dẫn đến việc nhiều người vẫn chưa phân biệt được các loại bảo hiểm khác nhau cũng như quyền lợi khi mình tham gia loại bảo hiểm đó. Hơn nữa họ còn không phân biệt được loại bảo hiểm nào là bắt buộc và bảo hiểm nào là tự nguyện khiến cho đôi khi họ còn mất thêm tiền phạt vì không tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Đồng thời, do không quan tâm đến các loại bảo hiểm nên nhiều người chỉ mua bảo hiểm với thái độ chống đối trước cơ quan quản lý, khi có rủi ro xảy ra họ không biết cách để làm thủ tục nhận bồi thường từ công ty bảo hiểm. Hay do không có hiểu biết về quy định pháp luật về bảo hiểm nên nhiều người trở thành nạn nhân của những cá nhân, tổ chức bán bảo hiểm giả.

Ngoài ra, có nhiều người chỉ thấy được cái lợi trước mắt, không muốn bỏ ra một khoản tiền nhỏ để mua bảo hiểm và cho rằng không cần thiết nhưng cho đến khi gặp rủi ro thì lại mất một khoản tiền lớn mà không nhận được bồi thường từ bảo hiểm.

Việc người dân không hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm có thể dẫn tới những vấn đề gì?

Thứ nhất, khi người dân gặp tai nạn hay ốm đau thì họ lại không biết cách thực hiện các thủ tục, giấy tờ chứng minh để được hưởng bồi thường từ công ty bảo hiểm khiến cho quyền lợi bị ảnh hưởng. Cho dù họ có mua bảo hiểm nhưng khi gặp rủi ro thì họ vẫn phải bỏ tiền túi ra để giải quyết thay vì được bảo hiểm bảo vệ lợi ích.

Thứ hai, vì không biết được trách nhiệm của mình trong vấn đề mua bảo hiểm mà nhiều người lựa chọn những loại bảo hiểm rẻ tiền bán trên vỉa hè hoặc bán dạo nhằm chống đối khi bị kiểm tra. Hậu quả là khi xảy ra vấn đề thì những loại bảo hiểm đó không giúp ích được gì trong việc san sẻ rủi ro. Ngoài ra khi bị kiểm tra người dân vẫn sẽ bị xử phạt hành chính vì không tuân thủ trong việc mua bảo hiểm.

Thứ ba, việc không ý thức đầy đủ về bảo hiểm mà nhiều người chỉ đang làm giàu cho các công ty bảo hiểm chứ không biết được rằng mình đang được các công ty này chia sẻ các khó khăn và bảo vệ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Và nhiều công ty bảo hiểm lợi dụng việc này nên chỉ bán bảo hiểm cho người dân nhưng khi họ gặp rủi ro thì lại tìm cách và lý do để gây khó khăn và không phải bồi thường

Trong quá trình hành nghề của mình thì ông có nhận được nhiều trường hợp cần tư vấn liên quan đến bảo hiểm không? Thường thì những thắc mắc của người dân liên quan đến vấn đề gì?

Có rất nhiều thắc mắc của khách hàng liên quan đến vấn đề bảo hiểm. Tuy nhiên, đa số chỉ khi xảy ra khó khăn hay một vấn đề gì đó rồi thì họ mới quan tâm đến các vấn đề bảo hiểm và các loại bảo hiểm có thể bảo vệ quyền lợi cho họ trong hoàn cảnh đó.

Đồng thời, cũng có nhiều người quan tâm đến việc làm thủ tục để đòi tiền bảo hiểm khi họ xảy ra một khó khăn. Và thường là do các thủ tục đó quá rắc rối và cần nhiều giấy tờ, bằng chứng công ty bảo hiểm mới chịu chi trả tiền bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm.

Vì vậy, nhiều khách hàng của chúng tôi quá bế tắc trong vấn đề này nên mới phải tìm đến chúng tôi xin tư vấn. Ngoài ra, còn có những người lao động hỏi về các quyền lợi của họ được hưởng từ những loại bảo hiểm họ phải mua khi ký kết hợp đồng lao động. Còn lại cũng có khách hàng quan tâm đến các loại bảo hiểm và mong chúng tôi tư vấn về các vấn đề pháp lý về bảo hiểm đó.

Phóng sự: Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó tác động tới nền kinh tế rất lớn, nhiều doanh nghiệp, công ty tạm thời dừng hoạt động kéo theo việc nhiều công nhân đang không có việc làm. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi của công nhân. Đặc biệt, một số đối tượng đã lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương để rao mua bán. Đây là hành vi cần phải lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Không khó để bắt gặp các trang rao mua bán sổ bảo hiểm xã hội trên các trang mạng…Tại tỉnh Bình Dương các đối tượng còn lập hẳn trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để rao mua bán. BHXH tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan này không có một trang Facebook nào như trên, các trang đang quảng cáo mua bán sổ BHXH đều là giả mạo. Bà Lê Minh Lý – Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết:

Hành vi mạo danh trên mạng xã hội theo tôi như thế này là không được, quá coi thường pháp luật. Ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương rất là nhiều, chúng tôi là cơ quan thực hiện chính sách thì chúng tôi không bao giờ làm việc này và chúng tôi cũng không có trang mạng này.

Vào chiều ngày 13-4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp công an Bình Dương và TP.HCM đã triệu tập 2 đối tượng là Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt để điều tra hành vi lợi dụng dịch bệnh mua gom sổ bảo hiểm xã hội. Hai đối tượng này đã lập nhiều trang Facebook như: "Thu mua bảo hiểm xã hội giá cao", "Thu mua bảo hiểm xã hội"… và giả mạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để thu mua sổ bảo hiểm của người lao động mất việc do dịch bệnh. Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho biết:

Trong tình hình dịch bệnh Covid diễn ra gây những xáo trộn, khó khăn cho bản thân người lao động như là nguy cơ có việc làm, giảm thu nhập. Chúng tôi rất chia sẻ, tuy nhiên không phải ai cũng có cuốn sổ BH cho mình để làm của để dành cho quá trình mình tham gia BHXH trước đó vì vậy chúng tôi rất là mong muốn người lao động thực sự cân nhắc để giữ quyển sổ cho mình, không chuyển giao cho người khác, bởi vì nếu mình chuyển giao quyển sổ ấy cho người khác thì trước tiên ảnh hưởng đến quyền hưởng ASX H của mình

Gần cuối năm 2019, với thủ đoạn thành lập các trang fanpage trên facebook, zalo giả danh cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, vợ chồng Kiều và Việt đã đăng tin mua bảo hiêm xã hội trước thời hạn. Tại các trang fanpage này, Kiều đã đưa số điện thoại của mình lên, với các dòng quảng cáo mùi mẫn như; ưu tiên các công nhân đang ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, nghỉ làm từ 7 tháng trở lên muốn bán sổ, cần tiền gấp mà không muốn vay mượn ai hòng trục lợi bất chính.. . Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cụ An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết: Vì túng bấn tiền bạc khi phải nghỉ việc bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân đã nhắm mắt làm liều, ủy quyền cho Kiều rút tiền bảo hiểm xã hội trước thời hạn để tiêu xài mà không hề nghĩ rằng, hành động nông nổi đó khó có thể sửa chữa, gây thiệt hại cho bản thân lâu dài về sau.

Lợi dụng dịch bệnh người lao động gặp khó khăn, và lách luật BHXH trong 1 năm người lao động không có việc làm sẽ được hưởng BHXH 1 lần nên các đối tượng lôi kéo người lao động

Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, BHXH tỉnh Bình Dương đã cho tiến hành xác minh thông tin và đã thực hiện một số công việc có liên quan. Khẳng định Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương không sử dụng trang facebook chính thức. Đồng thời có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, các cơ quan chức năng, có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật đối với những tài khoản mạo danh nêu trên. Cũng theo quy định, thì sổ BHXH không phải là đối tượng tài sản có thể cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Các hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trở lại với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc trên?

Những tháng vừa qua, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng giả danh cơ quan bảo hiểm thu mua sổ BHXH của người lao động. Lý do là vì các đối tượng này nhân cơ hội dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh túng thiếu, cần tiền gấp trang trải cuộc sống cũng như không có nhiều hiểu biết về các vấn đề bảo hiểm, từ đó nảy sinh mưu đồ trên quyền lợi người khác.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong cuộc sống của nhiều lao động, khiến họ có nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập... thì cuốn sổ BHXH chính là để làm vốn cho chính họ. Việc bán sổ BHXH cho người khác trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân NLĐ, khi phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH họ đáng được hưởng, trong trường hợp chưa đủ 12 tháng nghỉ việc mà họ có việc làm tiếp tục đóng BHXH thì sổ BHXH cũ sẽ không là căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần khi đó tranh chấp giữa NLĐ và người giữ sổ BHXH sẽ rất phức tạp. Việc NLĐ chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội, đặc biệt trong thời điểm toàn hệ thống chính trị đang tập trung phòng, chống dịch.

Số sổ bảo hiểm xã hội của người dân sau khi thu mua sẽ được các đối tượng sử dụng vào mục đích gì, thưa ông?

Các đối tượng thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi. Có thể thấy tình trạng này diễn ra phổ biến trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài vừa rồi, gây ảnh hưởng kinh tế đến mọi người dân đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về tài chính.

Các đối tượng sau khi thu mua sổ BHXH này sẽ trả 1 khoản tương đương với số tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, tuy nhiên thực tế số tiền các đối tượng này trả sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực nhận lẽ ra người dân được hưởng. Tuy nhiên, vì khó khăn tài chính và nhu cầu cần tiếp gấp mà nhiều người vẫn đem bán sổ của mình. Khi đó, các đối tượng sau khi nhận được sổ của người bán sẽ đem sổ của họ đến cơ quan bảo hiểm để lĩnh tiền và trục lợi từ khoản này.

Không chỉ thu mua mà ngay cả việc người dân cầm cố hay giao bán bảo hiểm xã hội của mình cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Sổ BHXH không phải là đối tượng của cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Hoạt động mua bán, thu gom, cầm cố, thế chấp sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP thì người có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 214 Bộ luật hình sự 2015 về "Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp", nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội này như lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH. Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH để hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, chúng tôi có nhận được câu hỏi của một thính giả ở TP Hồ Chí Minh với nội dung như sau:

Băng: Tôi có làm thu ngân tại một siêu thị tại TPHCM được 5 tháng, có đóng bảo hiểm xã hội đủ 5 tháng đó và nghỉ ngang. Nhiều lần tôi có hỏi siêu thị khi nào được nhận sổ bảo hiểm xã hội nhưng, không nhận được câu trả lời cụ thể. Tôi phải làm gì để được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội?

Xin mời Luật sư tư vấn cho trường hợp của thính giả trên

Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động về trả số bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định như sau:

“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, bạn cần liên hệ với công ty để yêu cầu công ty trả sổ BHXH cho bạn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp công ty không trả sổ BHXH, bạn có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu công ty giải quyết. Nếu công ty vẫn không giải quyết thì bạn làm đơn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được can thiệp giải quyết.

Tiếp theo là câu hỏi của thính giả Lê Văn Trung ở Ninh Bình:

Băng: Tôi chuẩn bị ký hợp đồng lao động với một công ty, trong điều khoản hợp đồng tôi được công ty đóng bảo hiểm xã hội nhưng phải làm việc 3 năm cho công ty, nếu nghỉ trước thời hạn 3 năm tôi sẽ phải trả lại cho công ty toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội mà công ty đã đóng cho tôi. Tuy nhiên tôi không xác định làm việc với công ty lâu dài, vậy tôi có nên đóng bảo hiểm xã hội không? Tôi được biết phải đóng bảo hiểm 20 năm mới được nhận lương hưu, nếu tôi không đóng đủ có được hưởng quyền lợi gì không?

Xin mời Luật sư tư vấn cho trường hợp của thính giả trên

Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hôi năm 2014 quy định:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”

Bạn ký Hợp đồng lao động có thời hạn với công ty có thời hạn 3 năm, nên bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, công ty là người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho bạn theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Việc trong điều khoản hợp đồng lao động quy định bạn sẽ được công ty đóng bảo hiểm xã hội nhưng phải làm việc 3 năm cho công ty, nếu nghỉ trước thời hạn 3 năm thì bạn sẽ phải trả lại cho công ty toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội mà công ty đã đóng là không đúng quy định pháp luật.

Trường hợp bạn không đóng đủ 20 năm thì bạn sẽ được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Vâng, bên cạnh bảo hiểm xã hội thì các loại bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới cũng đang được nhiều người dân quan tâm, đặc biệt là sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tổng kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhiều người đã có sự nhầm lẫn giữa bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc. Tại sao lại có sự nhầm lẫn này? Người dân cần chú ý điều gì để mua đúng loại bảo hiểm mình cần?

Khác với các loại bảo hiểm khác thường có tính chất tự nguyện, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các phương tiện cơ giới là một loại bảo hiểm bắt buộc khi muốn lưu thông. Điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Việc nhầm lẫn là dễ hiểu vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều công ty bảo hiểm cung cấp các gói bảo hiểm có tính chất tương tự với bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, thiết nghĩ, người dân khi tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào cũng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm để có thể mua, tham gia những loại bảo hiểm mình cần không kể bắt buộc hay tự nguyện.

Vậy bảo hiểm bắt buộc là gì, bao gồm những loại bảo hiểm nào và từ “bắt buộc” ở đây cần được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì:

- Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.

- Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;

+ Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

+ Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

+ Bảo hiểm cháy, nổ.

Có thể hiểu từ “bắt buộc” là pháp luật quy định phải tham gia và sẽ có chế tài xử phạt nếu không tham gia.

Qua chương trình, luật sư có lưu ý gì với người dân khi tham gia các loại bảo hiểm?

Người dân cần chủ động tìm hiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc để tham gia đầy đủ tránh việc bị xử phạt theo quy định pháp luật. Đổng thời, cần tìm hiểu để tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình, ví dụ: việc tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động cho mình.

Đối với các loại bảo hiểm tự nguyên thì hiện nay có rất nhiều và đa dạng, khi tham gia người dân cần phải tìm hiểu kỹ về năng lực, uy tín của công ty bảo hiểm cũng như đọc kỹ các điều khoản thỏa thuận để tránh được những rủi ro.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan