Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Việt Nam Hội Nhập trên Kênh VTC10 về những nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử hiện nay. Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử hiện nay được cho là khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý chưa hoàn chỉnh. Ông nghĩ sao về điều này?
Trả lời:
Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, tuy nhiên việc thiếu các quy định cụ thể đang khiến cho ngành thuế gặp nhiều khó khăn trong công tác thu thuế từ các hoạt động thuộc lĩnh vực này.
Đầu tiên là việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm do đó đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Thứ hai, hiện tại Việt Nam vẫn đang sử dụng hoá đơn giấy là chủ yếu (chiếm 91%) nên khó khăn trong việc quản lý. Một số DN tuy đã đăng ký kê khai dùng hóa đơn điện tử nhưng số này vẫn rất ít và hệ thống hóa đơn điện tử của DN cũng chưa kết nối với cơ quan thuế. Hiện chưa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp TMĐT phải sử dụng hóa đơn điện tử nên cơ quan thuế đang gặp khó khăn trong vấn đề quản lý kê khai thuế. Bởi vậy nên rất khó để xác định doanh thu chính xác từ các hoạt động kinh doanh này.
Thứ ba, ngành thuế còn gặp khó khăn trong việc quản lý bán hàng cung cấp dịch vụ sản phẩm số trên các trang web, các trang mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp sử dụng website để quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tuyến trực tiếp cho người tiêu dùng là các cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng và thường thu tiền mặt cho các sản phẩm họ bán nên cơ quan thuế khó kiểm soát (như bán hàng qua Facebook hoặc Zalo của hộ cá nhân kinh doanh), không thể kiểm tra được doanh thu của bên bán. Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai một số biện pháp nhưng cũng chỉ với mục đích tuyên truyền là chính và vẫn chưa thu được thuế từ các đối tượng này.
Ngoài ra, còn có một lỗ hổng lớn trong việc thu thuế ở Việt Nam đó là thu thuế nhà đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, những tổ chức này có thu nhập ở Việt Nam nhưng lại không sinh sống tại Việt Nam.
Cơ quan thuế mới bắt đầu triển khai việc thu thuế từ các hoạt động TMĐT nên việc gặp khó khăn và vướng mắc là điều không thể tránh khỏi. Theo đó, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần phải nhanh chóng xây dựng những giải pháp để giải quyết những vướng mắc, khó khăn này.
- Vậy ngành thuế cũng như các cơ quan liên quan cần lưu ý gì khi thực hiện việc kê khai cũng như thu thuế với các loại hình kinh doanh TMĐT?
Trả lời:
Để tăng cường kiểm soát các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đang ngày càng phát triển, gia tăng cả về số lượng và phương thức hoạt động, cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cơ quan chuyên trách cần nghiên cứu pháp luật và thông lệ quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT của các nước trên thế giới, các hình thức kinh doanh TMĐT xuyên biên giới để có thể đưa ra những quy định, giải pháp khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế cho việc áp dụng tại Việt Nam.
Thứ hai, cơ quan thuế cần phối hợp với các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với các Công ty viễn thông, các Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, … để trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT; thông tin về việc đăng ký website sàn TMĐT, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng.
Thứ ba, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online… đảm bảo 100% người nộp thuế đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này, để bắt nhịp cùng với TMĐT, đồng thời giảm thời gian tuân thủ về thuế của các hoạt động kinh doanh truyền thống;
- Ngoài ra, cũng tương tự như nhiều nước khác, Việt Nam hiện vẫn còn lỗ hổng lớn trong thu thuế nhà thầu của các DN nước ngoài. Những tổ chức này tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại có thu nhập phát sinh từ Việt Nam. Với những đối tượng này thì theo ông, làm thế nào để việc quản lý thuế được hiệu quả?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Quản lý Thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ VN đều phải khai thuế trước khi bắt đầu tiến hành các hoạt động kinh doanh. Các DN nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ vào VN cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thì tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước là người mua sẽ phải khai thuế theo từng hợp đồng và khấu trừ nộp thay thuế cho DN nước ngoài. Tuy nhiên, việc đăng ký thuế khi DN nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng ở VN hiện nay chưa được quy định cụ thể do điều này chỉ xảy ra trong TMĐT theo nghĩa hẹp.
Thiết nghĩ, để quản lý thuế được hiệu quả đối với những đối tượng này thì cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khả thi để việc thanh toán của các dịch vụ xuyên biên giới phải được thực hiện thông qua cổng thanh toán nội địa của Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Mục đích là nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu các dịch vụ TMĐT cũng như khấu trừ các dịch vụ thuế cho các tổ chức nước ngoài. Nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông là yêu cầu Google, Facebook cần thiết lập đầu mối ở Việt Nam để phối hợp chặt chẽ việc khai báo thuế nhà thầu đối với các dịch vụ của nước ngoài cung cấp cho các tổ chức cá nhân Việt Nam.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành rà soát các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại VN để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế.
Trong phóng sự Nan giải bài toán thu thuế với loại hình kinh doanh trên mạng của truyền hình An ninh thủ đô, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW cùng các chuyên gia thuế có phân tích về vấn đề này. Mời quý vị đón xem tại đây: