Những lời khuyên hữu ích của chuyên gia để tránh sập bẫy khi mua nhà

Nội dung bài viết

Những lời khuyên của các chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn có sự lựa chọn đầu tư sáng suốt, tránh sập bẫy khi mua nhà.

1. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land

Phát biểu trên Vietnamnet, ông Ngô Quang Phúc chia sẻ: "Theo tôi để lựa chọn được chủ đầu tư uy tín cứ phải làm theo lời khuyên của ông cha ta trước đây là "mắt thấy tay sờ miệng nếm mũi ngửi" có nghĩa là bạn phải mục sở thị các dư án của các chủ đầu tư đó đã thực hiện. Khách hàng nên dành thời gian đến thực tế dự án và thăm hỏi người dân đã và đang sống trong dự án đấy. Câu trả lời sẽ rất chính xác cho bạn".

2. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN & MT TP HCM

Chia sẻ trên Zing, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Một số chuyên gia cũng cho rằng, trên thị trường đa số đánh giá uy tín chủ đầu tư dựa trên thực tế những dự án mà chủ đầu tư đã triển khai cũng như tôn chỉ kinh doanh của người đứng đầu doanh nghiệp.

Để đánh giá uy tín chủ đầu tư thì người mua nhà có thể dựa vào các yếu tố như tiến độ thực hiện dự án và các cam kết của chủ đầu tư trong quá trình triển khai như các nhà thầu xây dựng, ngân hàng cho vay, ngoài ra, đánh giá uy tín chủ đầu tư còn thông qua quá trình vận hành và quản lý dự án sau khi bàn giao cho cư dân. Các ý kiến đánh giá của người mua trước và cư dân tại dự án là cơ sở quan trọng để khẳng định uy tín của chủ đầu tư.

3. Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk

Cũng trên Zing, ông Hoàng Khải chia sẻ để không bị mắc kẹt với các dự án nhà ở hình thành trong tương lai, người có nhu cầu mua căn hộ có thể thỏa thuận với chủ đầu tư và ngân hàng làm hợp đồng bảo lãnh ngân hàng. Hợp đồng này thể hiện, khi nào chủ đầu tư xây nhà xong thì ngân hàng sẽ trả hết tiền 1 lần cho chủ đầu tư.

Với hợp đồng bảo lãnh này, người mua nhà không cần phải trả tiền theo từng đợt cho chủ đầu tư, mà mang tiền đó gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, người mua nhà sẽ phải trả cho ngân hàng một khoảng phí lãi suất tượng trưng cho cái bảo lãnh ngân hàng đã ký. Điều này giúp người mua nhà không phải mất tiền nếu dự án rơi vào tranh chấp, cũng không phải sốt ruột nếu dự án chậm tiến độ, vì trong khoảng thời gian dự án kéo dài thì số tiền mua nhà vẫn phát sinh lãi từ ngân hàng.

4. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw

Trao đổi trên Vietnamnet mới đây, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw cho biết để tránh sập bẫy của "những con sâu làm rầu nồi canh" trên thị trường, thứ nhất, về phía người mua, chúng ta phải có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra.

Vì vậy, cần tìm mọi cách để có được đầy đủ thông tin, đặc biệt là về tình trạng pháp lý của dự án, cũng như mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư, rồi hãy bỏ tiền ra mua. Trong hợp đồng mua bán, đảm bảo phải có quy định chủ đầu tư phải cam kết rằng đối tượng mua bán không đang bị thế chấp cho bất kỳ nghĩa vụ nào của chủ đầu tư.

Thứ hai, về phía cơ quan quản lý nhà nước, tôi đặc biệt kiến nghị cần phải tạo ra cơ chế, áp dụng công nghệ để người dân có quyền và được xác nhận về tình trạng thế chấp của dự án mà họ quan tâm và có ý định mua. Đây là vấn đề mấu chốt trong các vụ việc lựa chọn một căn hộ cần mua.

PetroVietnam Landmark chào bán từ năm 2009 - 2010, nhiều hộ đã đóng tiền gần hết giá trị căn nhà nhưng đến nay dự án vẫn dang dở và nhiều lùm xùm kiện cáo.
PetroVietnam Landmark chào bán từ năm 2009 - 2010, nhiều hộ đã đóng tiền gần hết giá trị căn nhà nhưng đến nay dự án vẫn dang dở và nhiều lùm xùm kiện cáo.

5. Luật sư Nguyễn Huy Long, Giám đốc điều hành Công ty Luật Nam Long

Để giảm thiểu rủi ro khi mua bán nhà, trên VnExpress luật sư Nguyễn Huy Long (Giám đốc điều hành Công ty Luật Nam Long) khuyến cáo người mua, nhà đầu tư lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất, tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất, nhà, căn hộ chung cư muốn mua

Hiện nay sở tư pháp các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã thiết lập chương trình "Quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn UCHI" (gọi tắt là UCHI). Chương trình này cho phép các phòng công chứng nhập thông tin và dữ liệu của hợp đồng, giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sử dụng sau khi được ký kết.

Do đó, người mua có thể tìm hiểu thông tin về giao dịch công chứng đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi, đã bị hủy, đã bị mất… thông qua giao dịch này.

Thứ hai, kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến chủ đầu tư

Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, chủ đầu tư phải công khai những thông tin bắt buộc về dự án trên trang web doanh nghiệp hay sàn giao dịch.

Người mua cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin liên quan đến chủ đầu tư. Cụ thể như:

- Các thông tin cần thiết về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết… Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Trường hợp là nhà chung cư hay tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…

- Tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư (thương hiệu, lịch sử, tiềm lực tài chính, …) qua việc triển khai các dự án đã thành công, năng lực của chủ đầu tư (thông qua các dự án đang thi công).

- Những tranh chấp, bất đồng của chủ đầu tư với người mua nhà/cư dân và cách hành xử của chủ đầu tư trước các tranh chấp, bất đồng trong quá trình triển khai dự án trước đó.

Thứ ba, xem xét kỹ hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, căn hộ chung cư.

- Trước khi giao kết hợp đồng, người mua phải xem xét kỹ các điều khoản, nhất là các điều về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bán, các điều khoản về thanh toán, quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; những chế tài phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…

- Trong các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng theo tiến độ dự án nhưng nghĩa vụ của chủ đầu tư về bàn giao căn hộ lại rất chung chung. Do đó, người mua cần thỏa thuận cụ thể về thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành, người dân cần yêu cầu thanh lý hợp đồng.

- Hợp đồng mua bán phải đúng tên mình với chủ đầu tư/người bán.

- Nếu là hợp đồng góp vốn, người dân cần kiểm tra tiến độ thi công dự án, nếu đóng tiền theo từng giai đoạn thì khối lượng xây dựng phải tương ứng

- Thực hiện đúng các quy định về chuyển nhượng đất, hạn chế tối đa những thỏa thuận chuyển nhượng mua bán mà các bên tự ký tay với nhau nếu không cần thiết hoặc không an toàn pháp lý. Ngoài ra cần tìm hiểu thật kỹ về nhân thân của bên bán nếu là giao dịch lần đầu với người đó.

Theo giadinhvietnam.com

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan