Thời gian qua, sau khi một số địa phương dựa vào chủ trương xây dựng nông thôn mới để đặt ra một số khoản thu trái quy định gây bức xúc trong nhân dân bị cơ quan chức năng “tuýt còi” đã tạm lắng xuống; nay báo chí tiếp tục phản ánh ở một số địa phương tự đặt ra những khoản thu “chéo ngoe” bị người dân phản ứng gay gắt. Mới đây nhất là vụ: UBND phường Vinh Tân ( thành phố Vinh, Nghệ An) quy định người dân phải "tự nguyện" đóng 2 triệu đồng thì mới được nhận giấy khai sinh; Trạm y tế xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) quy định phải nộp 50.000 đồng để lấy sổ tiêm chủng; hay như ở một số HTX (ở huyện Yên Thành, Nghệ An) quy định: các chủ máy gặt muốn đưa máy vào đồng ruộng gặt thuê thì phải ký hợp đồng, HTX thu của mỗi chủ máy gặt 4,5 triệu đồng (trong đó 3 triệu đồng tiền đặt cọc, 1,5 triệu đồng tiền tu bổ bờ mương, chi phí quản lý, an ninh….) nếu không nộp đủ sẽ không được hoạt động. Việc các đơn vị nêu trên tự đặt ra các khoản thu như thế là trái quy định của pháp luật. Dân Việt đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty Luật SBLAW, Hà Nội).
Câu hỏi 1: Khi thu những khoản tiền này, trên giấy tờ đều ghi là “tự nguyện”; có nơi còn viện dẫn cả nghị quyết của tỉnh, hương ước, quy ước của địa phương…lý giải như thế có thuyết phục?
Bản chất của tự nguyện là: tự mình muốn làm, không phải bị thúc ép, bắt buộc. Nhưng ở đây anh bắt ép người ta nộp tiền rồi mới đáp ứng yêu cầu của họ thì sao gọi là tự nguyện? Sau đó lại hợp pháp hóa bằng việc ép người ta viết “Giấy tự nguyện”. Việc ép người dân viết “Giấy tự nguyện” càng chứng tỏ cơ quan, tổ chức khi đặt ra các khoản thu đó đều biết như thế là sai, nên họ mới phải che đậy hành vi sai phạm của mình bằng việc ép viết “Giấy tự nguyện”. Cái đó sao có thể lừa được dân và dư luận. Nhưng vì sao người dân vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” nộp tiền và ký vào “Giấy tự nguyện” này? Không nộp thì sẽ bị gây khó dễ, yêu cầu của mình sẽ không chính quyền được đáp ứng; đưa con đến tiêm chủng, bác sỹ bảo nộp 50.000 đồng sổ tiêm chúng, không nộp thì bị “mặt nặng, mày nhẹ” trong khi đó tính mạng, sức khỏe con mình nằm trong tay họ…trước đây đã có không ít trường hợp con cái khi làm hồ sơ đi học, làm việc thì bị chính quyền từ chối nhận thực vì chưa nộp đủ các khoản nghĩa vụ…
Còn nếu nói là việc thu này căn cứ vào Nghị quyết, hương ước, quy định (như giải thích của bà Dương Thị Bích Ngọc, cán bộ kế hoạch hoá gia đình phường Vinh Tân) thì càng không ổn. Việc đóng góp cá loại quỹ hàng năm Nhà nước đã quy định, chế tài xử lý các hành vi vi phạm của được pháp luật quy định. Nghị quyết, hương ước hay quy ước không được trái với quy định của pháp luật.
Hay như yêu cầu chủ máy gặt ký hợp đồng với HTX cũng thế. Về nguyên tắc Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên- Bắt ép người tam ký hợp đồng là sai rồi.
Câu hỏi 2: Nhưng khi máy gặt hoạt động sẽ ảnh hưởng đến bờ kênh, bờ mương nếu không thu như thế thì HTX lấy kinh phí đâu mà tu bổ?
Đúng như thế, việc huy động các chủ máy gặt đóng góp để tu bổ kênh mương tôi cho rằng xuất phát từ thực tế khách quan. Việc thu tiền máy gặt để tu bổ kênh mương cũng tương tự việc, ô tô tham gia giao thông phải nộp phí đường bộ.Nhưng không nên làm theo kiểu cưỡng ép như thế. Vào vụ gặt, HTX nên mời các chủ máy gặt họp, thảo luận bàn bạc để thống nhất một quy chế. Lúc đó các chủ máy gặt được tham gia thảo luận một cách dân chủ về mức đóng, thời điểm đóng, phương thức thực hiện…Tôi nghĩ, khi được giải thích thấu tình, đạt lý thì các chủ máy gặt cũng thấy được vấn đề và họ sẽ nhận thức được rằng máy của mình đi trên bớ kênh, bờ mương tất nhiên kênh mương sẽ bị ảnh hưởng thì đóng góp tu bổ kênh mương là chuyện đương nhiên. Nhưng vấn đề ở đây là phải minh bạch, thu bao nhiêu là hợp lý, thu để làm gì. Làm được như thế cả hai bên đều thoải mái.
Câu hỏi 3: Trước tình trạng lạm thu như trên, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình.
Như tôi đã nói trên, Nhà nước có quy định các khoản quỹ người dân phải nộp; phí, lệ phí. Không cơ quan, tổ chức nào được phép tự đặt ra các khoản thu nằm ngoài quy định của Nhà nước. Do đó người dân cần phải tìm hiểu, nâng cao hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đơn cử, anh vào bệnh viện thì phải đóng phí khám, chữa bệnh là bao nhiêu? Xét nghiệp, chụp XQ, siêu âm…bao nhiêu, nhà nước có quy định hết. Thu ngoài quy định đó là hoặc thu nhiều hơn là vi phạm. Khi phát hiện việc thu trái quy định, nạnh dạn phản ánh với cơ quan chức năng- Đó là việc làm rất cần thiết.
Về phía cơ quan Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp thu trái quy định.
Trên thực tế không ít trường hợp việc lạm thu lại mượn cớ nghị quyết của tổ chức này, tổ chức khác thậm chí được hợp pháp hóa bằng nghị quyết của HĐND. Do vậy, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát, bãi bỏ những văn bản trái luật.