Những khó khăn trong việc khởi kiện Doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tich Công ty Luật SBLaw đã trả lời về những khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Thưa ông cả nước hiện có 610.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng mới đang quản lý thu BHXH được 327.000 doanh nghiệp. Như vậy, còn tới 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động. Ông đánh giá như thế nào về những con số này?

Trả lời:

327.000/610.000 doanh nghiệp đã tham gia BHXH cho người lao động, tức là mới chỉ có hơn 50% doanh nghiệp tham gia. Vẫn còn gần một nửa số doanh nghiệp nữa chưa tham gia BHXH – đây là một con số không nhỏ. Điều này chứng tỏ công tác thực hiện chính sách BHXH tại nhiều Doanh nghiệp trên cả nước hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập.

Nếu Cơ quan có thẩm quyền không tìm cách siết chặt thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời nếu Nhà nước không vào cuộc nhanh chóng thì số nợ BHXH sẽ ngày càng trở nên gia tăng hơn và khó truy thu.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng do doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Vì vậy, Quốc hội cần sớm nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp đề truy thu số tiền BHXH từ các Doanh nghiệp chưa tham gia và biện pháp xử lý tiền BHXH tồn đọng kéo dài, không có khả năng trả nợ của các doanh nghiệp nợ BHXH.

  1. Theo ông vì sao vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động?

Trả lời:

Việc phát triển doanh nghiệp tham gia BHXH diện bắt buộc hiện nay vẫn hết sức khó khăn. Lý do các doanh nghiệp còn đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH là bởi có khá nhiều doanh nghiệp cho rằng mình có quy mô nhỏ, chỉ vài lao động, việc đóng BHXH là không đáng.

Bên cạnh đó, lý do chủ yếu nhất đó là nhiều doanh nghiệp còn “chủ động” trốn tránh việc tham gia BHXH cho người lao động. Thực tế, có rất nhiều chủ Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí lương ra khỏi chi phí của Doanh nghiệp mình, dù thực tế có phát sinh chi trả cho người lao động nhằm tránh phải tham gia Bảo hiểm.

Không thể không tính đến nguyên nhân doanh nghiệp có tư tưởng cố ý chiếm dụng tiền lương của người lao động. Bởi hàng tháng người lao động vẫn luôn phải trích % tổng số tiền lương của mình hoặc có những doanh nghiệp đã thu 100% tiền đóng bảo hiểm của một số lao động nhưng lại không thực hiện việc nộp Bảo hiểm xã hội cho họ. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là để tái sản xuất – thực chất là chiếm dụng tiền của người lao động. Bởi với số tiền lên tới hàng tỷ đồng nếu doanh nghiệp muốn vay ngân hàng đòi hỏi phải có thế chấp và phải qua quá trình thẩm định khắt khe với mức lãi suất cao.

Trong khi mức lãi suất quy định đối với các doanh nghiệp chậm đóng BHXH chỉ 10,5%/năm (số tiền nợ), lãi BHYT chỉ có 0,667%, lãi BHXH là 0,775%. Với mức lãi suất thấp hơn hẳn lãi suất ngân hàng như vậy chính là động lực thôi thúc các doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội làm vốn.

Hơn nữa, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lạichưa đủ sức răn đe đối với người sử dụng lao động Chính vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp tiền bảo hiểm đúng hạn cho người lao động.

  1. Đến thời điểm hiện tại, quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỷ đồng do doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Những trường hợp này sẽ giải quyết thế nào thưa ông?

Trả lời:

Đối với số nợ tồn quỹ BHXH của Doanh nghiệp, Nhà nước sẽ phải tìm cách để thu hồi, bởi đó là một nguồn thu quan trọng của Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên giải quyết số nợ tồn này ra sao cũng là một bài toán nan giải.

Để xảy ra tình trạng nói trên cũng phải kể đến một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi chưa phát hiện kịp thời vụ việc, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan thuế và BHXH; những hạn chế trong đề ra các giải pháp phòng ngừa và thực hiện các chế tài xử phạt nợ lương, BHXH. Mọi chế tài liên quan đến việc nợ BHXH của Doanh nghiệp do doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật doanh nghiệp nói riêng gần như đang bị “bỏ ngỏ”; hầu như chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quy trình tổ chức thanh lý tài sản, việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH.

Mới đây, ngày 15/08/2019 Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự mà tùy từng trường hợp xử lý như sau:

Thứ nhất, trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai, trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, …

Không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

  1. Thưa ông với vai trò là một Luật sư, ông đánh giá như thế nào về hệ lụy của việc nợ đọng BHXH đối với quyền lợi hợp pháp của người lao động như khám chữa bệnh, chế độ thai sản… hay chế độ hưu trí của họ?

Trả lời:

BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước, đóng vai trò đảm bảo thay thế hoặc chia sẻ rủi ro từ các nguồn quỹ nhằm bảo vệ người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống khi bị ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.

Đồng thời, BHXH sẽ phân phối lại thu nhập, tức là người lao động sẽ rút phần thu nhập từng tháng của mình để dành cho những phần trợ cấp khi gặp rủi ro.

Có thể thấy, người lao động là người được hưởng quyền lợi nhất từ BHXH, nó giúp chi trả và giảm thiểu các thiệt hại cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động.

Vì vậy, việc các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện kế hoạch thu mà còn đẩy hàng ngàn lao động (trong các đơn vị nợ đọng BHXH) và chưa kể những người lao động trong các đơn vị chưa được tham gia BHXH đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là trong quá trình lao động không may bị ốm đau, tai nạn, mất việc làm không được hưởng các chế độ của Nhà nước.

Có những người lao động gần đến ngày nghỉ hưu hoặc đủ tuổi nghỉ hưu, hay những người thuyên chuyển công tác, thai sản, ốm đau, … nhưng do doanh nghiệp không đóng tiền BHXH nên quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, người lao động không được hưởng chế độ mà đáng ra họ được hưởng để ổn định cuộc sống.

  1. Theo ông hiện nay đâu là khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH? Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH hiện đang được giải quyết như thế nào thưa ông?

Trả lời:

Do quy định của pháp luật chồng chéo và chưa quy định rõ ràng nên cách áp dụng chế tài vào xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn là bài toán khó. Hiên nay, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chịu chi phối của 04 Luật hiện hành gồm: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật BHXH năm 2014, Bộ luật lao động năm 2012 và Luật Công đoàn năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý

Cụ thể, Điều 14 Luật BHXH 2014 quy định: “Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”.

Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn năm 2012 quy định Tổ chức Công đoàn đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền. Theo đó, Tòa án lại đòi hỏi sự ủy quyền của người lao động cho Công đoàn khởi kiện, cụ thể là phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nợ đọng BHXH mới khởi kiện.

Trên cơ sở đó, trong 3 năm qua, tổ chức công đoàn đã triển khai và chuyển hơn 3.000 hồ sơ về nợ BHXH. Tuy nhiên số đơn được thụ lý và khởi kiện không đáng kể.

Hoặc có địa phương cho rằng trình tự xử lý nợ BHXH cần theo thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Do đó cần được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết. Nếu không giải quyết được thì toà án mới vào cuộc.

  1. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019) hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ Luật Hình sự có tác động rất lớn trong việc xử lý DN nợ BHXH. Theo ông việc ban hành Nghị quyết lần này có khả thi và có tính răn đe đối với các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH hay không?

Trả lời:

Ngày 15/8/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP với nội dung chủ yếu là hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, buộc chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Sau khi nghị quyết được ban hành đã có những chuyển biến tích cực.

Nghị quyết này được ban hành đã thể hiện rõ sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước trong việc đưa các giải pháp, chế tài ngăn chặn, giảm thiểu việc nợ đọng, trốn đóng BHXH dựa trên tình hình thực trạng hiện tại của các doanh nghiêp hiện nay. Thời gian ban hành và áp dụng của Nghị quyết còn mới, chưa đủ để chúng ta kết luận được hiệu quả của nó là như thế nào? nó có đủ sức răn đe hay không? Tuy nhiên, việc sau khi ban hành nghị quyết đã có những chuyển biến tích cực là một “tia sáng”, một điều đáng mong chờ trong thời gian tới đối với việc xử lý nợ đọng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan