Những điểm nhấn hội nhập kinh tế Quốc tế của Việt Nam năm 2019 và kiến nghị cho năm 2020

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên Diễn đàn doanh nghiệp về nội dung hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 và định hướng 2020.

1/ Luật sư có thể trình bày vắn tắt những điểm nhấn hội nhập kinh tế Quốc tế của Việt Nam năm 2019 và năm 2020 Việt Nam sẽ tham gia đàm phán, ký kết những Hiệp định thương mại tự do gì?

Trả lời:

Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Thời gian vừa qua, tiến trình hội nhập kinh tế Quốc tế của Việt Nam đã tiến bộ 1 cách vượt bậc, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đặc biệt, quan hệ hợp tác song phương, đa phương của Việt Nam cũng phát triển một cách đáng kể, thể hiện qua các Hiệp định thương mại được kí kết.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, bên cạnh việc hội nhập trong khuôn khổ WTO, APEC hay ASEAN, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA gồm: 07 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (CEPT/AFTA và FTA với các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealandb, Hồng Kông); 05 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP).

Đặc biệt trong năm 2019, Việt Nam đã tham gia kí kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Ngoài việc 99% thuế quan sẽ được giảm trong vòng 10 năm tới và tăng trưởng kinh tế đi kèm, EVFTA được các kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bắt kịp các tiêu chuẩn thế giới về môi trường, quyền lao động và phát triển bền vững.

Trong năm 2020, Việt Nam cũng kì vọng sẽ kí kết thêm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.

2/ Những tồn tại trong thực thi, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do là gì?

Trả lời:

Tham gia các FTA, Việt Nam bước vào “sân chơi” lớn, song hành cùng những cơ hội, cũng có không ít khó khăn, thách thức mới đặt ra.

Cụ thể:

Thứ nhất, đối với hệ thống pháp luật, các FTA thế hệ mới đòi hỏi các thành viên tham gia phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cạnh tranh của DNNN, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp

Đơn cử như: Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, khái niệm thương nhân không bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên. Yêu cầu thương nhân phải “có đăng ký” kinh doanh cũng không hợp lý, bởi quy định này đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký.

So sánh với khái niệm thương nhân của các nước khác thì khái niệm về thương nhân trong Luật Thương mại của Việt Nam đang nói về yếu tố hình thức nhiều hơn nội dung hoạt động và tôn chỉ của thương nhân.Như vậy, Việt Nam cũng cần nhanh chóng nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới.

Thứ hai, các FTA tiềm ẩn nhiều hệ quả quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật của các thành viên mà còn liên quan tới các chính sách xã hội, văn hoá, kinh tế của các nước này. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử công bằng của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, với mức độ mở cửa tự do thương mại hóa cao hơn, dòng vốn từ các công ty nước ngoài đổ về Việt Nam cũng sẽ gây sức ép với các doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam chưa được đăng ký theo Luật Sở hữu trí tuệ quốc tế dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu, cạnh tranh yếu trên thị trường nước ngoài; trình độ nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các thao tác vận hành máy móc công nghệ cao, thiếu lao động sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước ngoài.

Thứ ba, trong các FTA, có yêu cầu Việt Nam dỡ bở hàng rào thuế quan, đây là một áp lực lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi không còn được nhà nước bảo hộ bằng thuế, các doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá và dịch vụ nước ngoài.

3/ Từ những tồn tại đó, cần nêu cao vai trò giám sát của Quốc hội như nào? Quốc hội cần tâp trung những vấn đề gì?

Trả lời:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với sự tham gia của Việt Nam vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, vai trò giám sát của Quốc hội càng được đề cao.

Với vị trí là cơ quan quyền lực đứng đầu cả nước, vai trò giám sát của Quốc hội sẽ tập trung chủ yếu ở việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; rà soát các quy định cả pháp luật trong nước còn chưa phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện các Hiệp định đó.

Quốc hội cũng cần giám sát thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên cũng như trong triển khai các kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung làm rõ và xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định pháp luật có liên quan

Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, công tác chuẩn bị pháp luật để đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới trong thời gian tới.

4/ Đối với Bộ Công thương và VCCI cần giám sát những gì để thúc đẩy việc ban hành các chính sách pháp luật có liên quan?

Trả lời:

Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, thời gian tới Bộ Công Thương và Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần tiếp tục giám sát chặt chẽ việc ban hành các chính sách pháp luật có liên quan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, Bộ Công thương và VCCI cần phối hợp với nhau để đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp, có ý nghĩa hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng chính sách luật liên quan đến việc ký kết và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.

Đối với các dự thảo quy định được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đề xuất, Bộ Công thương và VCCI cần theo dõi, kiểm tra tính phù hợp thực tiễn thị trường kinh tế Việt Nam và tính phù hợp với những văn bản luật chuyên ngành, cũng như phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về thương mại.

Trong quá trình giám sát, Bộ Công thương và VCCI sẽ báo cáo và trình bày những kiến nghị lên Quốc hội về tính phù hợp của các chính sách pháp luật để kịp thời thay đổi, bổ sung.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan