Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7

Nội dung bài viết

1. Từ 1/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu và trợ cấp

Đây là nội dung nổi bật của Nghị định 88/2018/NĐ-CP đã tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018.

Nghị định quy định 8 đối tượng được hưởng chế độ này bao gồm:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng.

- CAND đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981.

- Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với Quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Nghị định 88/2018/NĐ- CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

2. Tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng/tháng từ 1/7/2018

Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, nổi bật trong Nghị định là từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,3 triệu đồng/tháng trước đây. Mức lương cơ sở làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Đối tượng áp dụng bao gồm:

-Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện.

-Cán bộ, công chức cấp xã được bầu cử giữ chức vụ nhiệm kỳ trong Thường trực HĐND, UBND, Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức- xã hội; công chức cấp xã tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã.

-Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập

-Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

-Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

-Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

-Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

-Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

-Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

-Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

-Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

3. Được khuyến mại, giảm giá đến 100% trong mùa giảm giá

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cho phép khuyến mại, giảm giá hàng hóa, dịch vụ đến 100% trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) như sau:

-Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại

-Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:

+ Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;

+ Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng.

Đây là quy định mới thay thế cho quy định cũ chỉ cho phép mức giảm giá mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

Cũng trong nghị định này, tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm, quy định cũ là 90 ngày.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mại theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng khuyến mại gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng của người sau.

Nghị định số 81/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2018.

4. Tham gia bán hàng đa cấp phải được đào tạo về pháp luật ít nhất 8 tiếng

Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp. Thông tư quy định về khung chương trình đào tạo pháp luật cho người tham gia bán hàng đa cấp đảm bảo nội dung về thời lượng 8 tiếng, nội dung được nêu tại Phụ lục I của Nghị định, kết thúc khóa đào tạo phải làm bài kiểm tra.

Trong đó, khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng; chương trình đào tạo gồm 5 nội dung, gồm: Tổng quan về bán hàng đa cấp; Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp bán hàng đa cấp; Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Pháp luật về quảng cáo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.

5. Được ủy quyền lại cho cá nhân, pháp nhân khác tham gia tố tụng

Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Theo đó, cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Tương tự, pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.

Cũng theo Nghị quyết, bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán và được xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán.

Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 đến sau 5 năm kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2018 (tức 15/5/2022).

6. Nhiều hỗ trợ liên quan đến chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông quy định áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Nghị định đã có những quy định về những chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông như: Người nhận chuyển giao công nghệ được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông. Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham gia, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định.

Ngoài ra, hỗ trợ đến 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đến 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình…

Nghị định số 83/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

7. Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp

Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, theo đó, trong Nghị định có các nội dung đáng chú ý sau:

Nghị định quy định dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất thay thế quy định tại Nghị định cũ là trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có dân cư sinh sống; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.

Về chính sách đối với khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, Nghị định quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…

Nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

8. Chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ

Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Theo đó, doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học của Bộ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp…

Ngoài ra, cơ quan nhà nước xem xét công nhận quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thành lập, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó Nghị định quy định trình tự thủ tục, thẩm quyền hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nghị định số 76/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

9. 5 điều kiện để được hưởng án treo

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo, áp dụng đúng và thống nhất quy định Án treo tại Điều 65 Bộ Luật Hình sự 2015.

Nghị định quy định rõ về điều kiện người phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện như sau:

-Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

- Có nhân thân tốt

-Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

-Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

-Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong đó, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm. Đặc biệt, Nghị định làm rõ hơn các trường hợp không cho hưởng án treo.

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

10. Miễn tiền thuê đất xây dựng công trình trữ nước

Nghị định số 77/2018/NĐ-CP quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nội dung về công trình tích trữ nước là nội dung đáng chú ý khi đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với nông thôn mới nhận được:

-Công trình tích trữ nước được hỗ trợ 100% phí thiết kế và máy thi công khi tổ chức thủy lợi thực hiện;

-miễn tiền thuê đất khi tổ chức, cá nhân thực hiện

-Đối với hệ thống tưới tiên tiết, tiết kiệm nước, Nghị định quy định, mức hỗ trợ tối đa bằng 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn nhưng không quá 40 triệu đồng/ha. Trường hợp phải san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/ha.

Nghị định số 77/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

11. Sữa tươi nguyên liệu phải được bảo quản từ 2°C đến 6°C

Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu.

Theo Quy chuẩn này, sữa tươi nguyên liệu phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 6°C bằng các thiết bị, dụng cụ lạnh chuyên dùng cho thực phẩm, không gỉ, không thôi nhiễm vào sữa, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Thông tư những quy chuẩn kỹ thuật được đề ra như sau: Chỉ tiêu của cảm quan và lý, hóa của sữa tươi nguyên liệu, giới hạn nhiễm vi khuẩn của sữa tươi nguyên liệu, giới hạn kim loại nặng trong sữa tươi nguyên liệu, các phương pháp thử,

Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

12. Hỗ trợ chi phí cho khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn

Đây là nội dung tiêu biểu của Thông tư 46/2018/TT-BTC quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin:

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức thu bằng 70% mức thu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mức thu bằng 50% mức thu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Chi phí in, sao, chụp thông tin thực hiện theo mức thu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 46/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2018

13. Áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng

Đây là nội dung tiêu biểu trong Thông tư 04/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN ngày 01 tháng 8 năm 2017 của thống đốc ngân hàng nhà nước việt nam quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng:

- Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối tượng giám sát ngân hàng, tài liệu, thông tin, dữ liệu về tình hình hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (qua đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng) giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm gửi Ngân hàng Nhà nước (qua đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng) phương án khắc phục (đã điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước) và tổ chức triển khai thực hiện. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục (bao gồm phương án khắc phục đã được điều chỉnh, bổ sung) tối đa là 01 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 04/2018/TT-NHNN có hiệu lực ngày 01/7/2018.

14. Biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đây là nội dung tiêu biểu của Thông tư 14/2018/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó:

- Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ theo tiêu chí quy định dưới đây:

+ Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân (sau đây gọi tắt là tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân) từ 70% trở lên: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn một phần hai mươi (1/20) tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng đó;

+ Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn bình quân từ 40% đến dưới 70%: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ theo đề nghị của tổ chức tín dụng nhưng không thấp hơn một phần năm (1/5) tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại hình tổ chức tín dụng đó;

Thông tư 14/2018/TT-NHNN có hiệu lực ngày 13/7/2018

15. Chi phí dịch vụ khám chữa bệnh trực tiếp trong mức giá khám bệnh

Đây là nội dung tiêu biểu trong Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp:

- Chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, ga, gối, đệm, chiếu, văn phòng phẩm, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa và các vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh;

- Chi phí về điện; nước; nhiên liệu; xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế (rắn, lỏng); giặt, là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng đồ vải, dụng cụ thăm khám; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh;

- Chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt, bàn, ghế, giường, tủ, đèn chiếu sáng, các bộ dụng cụ, công cụ cần thiết khác trong quá trình khám bệnh.

Thông tư 15/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/7/2018

16. Danh mục, nguyên tắc quản lý chất lượng của sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Đây là nội dung tiêu biểu của Thông tư 04/2018/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2), theo đó:

- Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2

+ Danh Mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy” được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

+ Danh Mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy” được quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

- Nguyên tắc quản lý chất lượng của sản phẩm hàng hóa

+ Việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh Mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng.

+ Trong trường hợp có quy chuẩn kỹ thuật mới sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quy định tại Danh Mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thì áp dụng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật mới. Trong trường hợp có tiêu chuẩn mới sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quy định tại Danh Mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thì áp dụng tiêu chuẩn mới theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

+ Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định tại quy chuẩn kỹ thuật và tại Thông tư này về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì thực hiện theo Thông tư này

Thông 04/2018/TT-BTTTT có hiệu lực ngày 01/7/2018

17. Mức bồi thường của người thi hành công vụ khi gây ra lỗi vô ý

Đây là một trong những nội dung tiêu biểu của Nghị định 68/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 08 đến 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 04 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 06 đến 08 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 03 tháng lương của người đó;

- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 06 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018

18. Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Đây là 1 trong những nội dung tiêu biểu của Nghị định 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật tiếp cận thông tin:

- Thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật.

- Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử.

- Cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu.

- Cơ quan cung cấp thông tin bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

- Lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận đầu mối và cán bộ, công chức đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan.

- Ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.

Nghị định 13/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018

19. Danh mục phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới

Đây là 1 trong những nội dung tiêu biểu của Quyết định 24/2018/QĐ-TTg ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới:

- Danh mục phương tiện, thiết bị bao gồm:

+ Nhóm thiết bị gia dụng: Bóng đèn huỳnh quang compact, balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang, balát điện từ dùng cho bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang ống thẳng, quạt điện, tủ lạnh - tủ kết đông lạnh, máy điều hòa không khí không ống gió, máy giặt gia dụng, máy thu hình, nồi cơm điện và bình đun nước nóng có dự trữ.

+ Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Màn hình máy tính, máy photocopy, máy in và tủ giữ lạnh thương mại.

+ Nhóm thiết bị công nghiệp: Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc, máy biến áp phân phối, nồi hơi trong xí nghiệp công nghiệp.

- Các tổ máy phát điện bằng than, khí trong các nhà máy nhiệt điện.

- Chi tiết về phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III kèm theo Quyết định này.

Quyết định 24/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/7/2017

20. Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

Đây là 1 trong những nội dung tiêu biểu của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước:

- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.

- Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.

- Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

- Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới.

- Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan