Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ năm 2018

Nội dung bài viết

Năm 2018 sắp đến với nhiều kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, để giúp cho các doanh nghiệp là đối tác và khách hàng của SBLAW cập nhật các kiến thức pháp lý quan trọng có thể ảnh hưởng tới các quyết định quản trị và kinh doanh, chúng tôi tóm tắt một số nội dung quan trọng về pháp luật sẽ có hiệu lực năm 2018 để Quý vị tham khảo:

1. Miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi sang doanh nghiệp

Đây là một điểm mới nổi bật được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Theo đó, khi chuyển đổi sang doanh nghiệp hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ:

- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;

- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Phần tư vấn của luật sư SBLAW trên truyền hình thông tấn về hành lang pháp lý quản lý Bitcoin.

2.Quy định mới về giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý Ngoại thương với sự thống nhất từ phía đa số các đại biểu. Theo đó, Luật Quản lý Ngoại thương quy định việc quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

- Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường.

- Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân.

- Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Chính phủ quy định:

+ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện;

+ Phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục;

+ Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục.

Ngoài ra, Luật Quản lý Ngoại thương còn quy định một số hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục; Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.

Luật Quản lý Ngoại thương có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

3. Đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện

Ngày 19 tháng 6 năm 2017, Luật Du lịch đã được Quốc hội chính thức thông qua với sự thống nhất từ phía đa số các đại biểu.

Một trong những điểm mới của Luật Du lịch lần này là quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch.

Theo đó, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Cộng đồng dân cư cũng sẽ được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Đối với việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Luật quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng để bảo đảm chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, Luật quy định: Trước khi được đưa vào kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch (điểm c khoản 1 Điều 49).

Ngoài ra, Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung mục 3.1 và mục 3.2 thuộc phần VII - Phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Cụ thể như sau:

- “Phí thẩm định, phân hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” sửa thành “Phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”;

- “Phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế” sửa thành “Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa”.

Luật Du lịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

4. Ngân hàng phá sản phải có phương án trả tiền gửi cho khách hàng

Ngày 20/11/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, số 17/2017/QH14.

Luật mới quy định việc phá sản sẽ chỉ áp dụng với các tổ chức tín dụng đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, không có khả năng phục hồi theo các phương án tái cơ cấu khác … Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương và phương án phá sản tổ chức tín dụng, trong đó phải đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn chung của hệ thống; đồng thời, phải lên phương án chi trả tiền gửi cho các khách hàng là cá nhân.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép hoạt động đã cấp cho tổ chức tín dụng trong trường hợp chuyển đổi hình thức pháp lý bên cạnh các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng như đã quy định trước đây.

Về giới hạn góp vốn, mua cổ phần, Luật sửa đổi bổ sung quy định: Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng… không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý.

Luật này có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

5. Quy định mới về Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Ngày 19 tháng 6 năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội chính thức thông qua với sự thống nhất từ phía đa số các đại biểu.

Theo đó, Luật Chuyển giao công nghệ quy định về việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau:

- Hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng;

Luật hiện hành chỉ yêu cầu các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên là tổ chức khi có nhu cầu đăng ký hợp đồng.

- Ngôn ngữ trong hợp đồng do các bên thỏa thuận (không còn quy định trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt).

Ngoài ra, hợp đồng chuyển giao thuộc một trong các trường hợp sau phải đăng ký với cơ quan nhà nước (trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao):

- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài;

- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.

6.Một số điểm mới nổi bật trong Bộ luật lao động sửa đổi năm 2017

Bộ luật lao động ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Dự kiến Bộ luật lao động mới thay thế Bộ luật lao động năm 2012 sẽ được trình Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong năm 2019. Dưới đây là một số điểm mới nổi bật tại Bộ luật lao động sửa đổi năm 2017:

- Muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước mà không cần lý do

Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm lao động thay thế.

- Được phép thỏa thuận thời gian làm thêm giờ nhiều hơn

Cụ thể, nâng giới hạn giờ làm thêm lên tối đa 12 giờ/ngày và 400 giờ/năm.

- Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Từ năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

- Về hợp đồng lao động:

+ Bổ sung quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động: để giải quyết bất cập trên thực tế là không xác định được ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động đối với doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu;

+ Quy định rõ thời hạn của Phụ lục hợp đồng.

+ Cho phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với lao động cao tuổi và lao động nước ngoài: đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

+ Quy định rõ hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức khi việc làm thử đạt yêu cầu

+ Quy định rõ đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu: để giải quyết vướng mắc của DN trong việc sử dụng lao động cao tuổi trên thực tế.

- Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc người nước ngoài được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc, ...nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập trên thực tiễn trong việc giới hạn công việc, điều kiện mà người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt trong việc sử dụng người lao động nước ngoài, đồng thời bảo vệ việc làm của những người lao động trong nước.

- Không bắt buộc hòa giải khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Cụ thể là:

+ Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên có quyền quyết định lựa chọn vụ việc của mình sẽ được giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài hoặc xét xử.

+ Khi phát sinh tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên tranh chấp có quyền quyết định lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải hoặc trọng tài. Tổ chức đại diện của người lao động có thể tiến hành thủ tục lấy ý kiến và thông báo trước đề đình công.

Việc sửa đổi theo hướng này không làm giảm nhẹ vai trò của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp lao động vì các bên vẫn có quyền yêu cầu hòa giải nếu họ muốn; đồng thời, góp phần khắc phục hạn chế về quy trình giải quyết tranh chấp lao động theo “một con đường độc đạo” của luật hiện hành mà các bên không thể thực hiện được trong suốt hơn 20 năm qua.

- Ban hành Bộ tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu

Bao gồm các tiêu chí sau đây:

+ Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

+ Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động.

+ Chi phí sinh hoạt.

+ Khả năng chi trả của người sử dụng lao động

+ Điều kiện kinh tế - xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp của ngưởi lao động.

- Bỏ nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

Mỗi đơn vị sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh tại từng doanh nghiệp sẽ chủ động tiến hành thỏa thuận, thương lượng tập thể để xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động để áp dụng và công bố công khai tại doanh nghiệp để người lao động biết, giám sát thực hiện mà không cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định.

7. Bắt buộc tham gia BHXH với HĐLĐ dưới 3 tháng

Từ ngày 01/01/2018, Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đó là nội dung mới nổi bật tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 – QH khóa XIII.

Cũng từ 01/01/2018, Người lao động là công dân nước ngoài vào Việt Nam làm việc có Giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

8.Thay đổi chi phí không được trừ khi tính Thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Điều 2 Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điểm o Khoản 2 Điều 9 Nghị định 219/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.

Theo đó, chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN thay đổi như sau:

Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Như vậy, Nghị định sửa đổi này nâng mức chi vượt định mức từ 01 triệu đồng/tháng/người lên thành 03 triệu đồng/tháng/người; đồng thời khoản chi đóng bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức nêu trên sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN (hiện nay, toàn bộ mức đóng bảo hiểm nhân thọ cho người lao động đều được trừ khi tính thuế TNDN).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2018.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan