Những bất cập xung quanh việc áp dụng Luật thi hành án hình sự hiện hành

Nội dung bài viết

Trong chương trình bạn và pháp luật kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trao đổi với BTV Mai Hoa về nội dung Những bất cập xung quanh việc áp dụng Luật thi hành án hình sự hiện hành.

Mời Quý vị xem nội dung sau đây:

Thưa quý thính giả, các quy định về việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội; quy định về thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án và các quy định khác có liên quan trong việc quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo; việc lao động phục vụ cộng đồng của người chấp hành án cải tạo không giam giữ; thi hành biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi … đang được các cơ quam chức năng nghiên cứu và đưa vào Luật trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trước khi có những quy định mới thì công tác thi hành án hình sự vẫn đang áp dụng luật hiện hành.

Những quy định tại Luật thi hành án hình sự sửa đổi đang nảy sinh những bất cập gì, mới quý thính giả cùng chúng tôi bàn luận vấn đề này trong chuyên mục bạn và pháp luật hôm nay, với sự tham gia của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật SB Law

Thưa Luật sư, Luật thi hành án hình sự được điều chỉnh, hướng dẫn dưới các văn bản quy phạm pháp luật nào?

Trả lời: Vấn đề về thi hành án hình sự hiện nay chủ yếu được điều chỉnh bởi Luật thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư dưới luật; Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo thống kê của tôi, hiện tại có gần 60 văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2010.

Các văn bản tập trung vào các chế định như sau:

Quy định liên quan đến thi hành hình phạt tù

Quy định liên quan đến thi hành các hình phạt khác

Chế độ đối với phạm nhân

Hướng dẫn về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Quy định về thủ tục hành chính, chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự

Xử lý tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực thi hành án hình sự

Quy định về đặc xá

Câu hỏi: Thực tế từ năm 2013 đến nay, đã có rất nhiều Bộ Luật, Luật mới ra đời, thay thế nhưng quy định cũ. Trong đó phải kể đến Hiến pháp, Bộ Luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, các văn bản này đều có nhắc đến một số các khái niệm mới như pháp nhân thương mại... Đối với pháp nhân thương mại, hiện tại nếu bản án có hiệu lực thì công tác thi hành án sẽ được tiến hành ra sao?

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật hình sự, Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Hiện nay, cơ chế thi hành án với pháp nhân thương mại phạm tội chưa được pháp điển hóa, quy định trong văn bản pháp luật, do đó, việc thi hành các bản án trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội còn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trên thực tế, từ khi có Bộ luật Hình sự 2015 đến nay chưa có pháp nhân thương mại nào bị khởi tố, xử lý hình sự. Điều này cũng phản ánh việc thực trạng thiếu cơ chế thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội như tôi đã nêu trên.

Câu hỏi: Chương trình của chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của thính giả nghe đài xunh quanh nội dung chúng ta đang trao đổi: Luật thi hành án hình sự hiện hành. Tôi xin trích đọc một câu hỏi được gửi đến như sau:

Tôi rất tò mò một vấn đề, là hiện việc chuyển đổi giới tính, hay nói cách khác là công nhận giới tính thứ 3, xã hội đang có cái nhìn thoáng hơn, họ cũng sinh hoạt và sống như những người bình thường khác, nhưng nếu họ phạm tội, bị xử lý hình sự, thì việc giam giữ họ sẽ được thực hiện theo luật ra sao, thưa Luật sư?

Trả lời: Hiện nay, việc chuyển đổi giới tính mới được công nhận ngắn gọn trong đúng một điều luật được quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành.

Các cơ chế liên quan thực hiện quyền này hiện vẫn chưa được Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền thống nhất, đặt ra.

Vì vậy, đối với việc thi hành hình phạt tù, giam giữ phạm nhân, chúng ta vẫn thực hiện theo quy định của Luật thi hành án hình sự hiện hành, theo đó, phạm nhân là nữ vẫn được bố trí giam giữ riêng theo quy định tại Điều 27 Luật thi hành án hình sự.

Tôi có thể nêu ra một quy định tương tự nằm trong luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về vấn đề này để Quý thính giả tham khảo:

Theo khoản 4 Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018) thì:

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:

a) Người đồng tính, người chuyển giới;

b) Người quy định tại các điểm e, i và m khoản 1 Điều này;

c) Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.

Như vậy, người đồng tính có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.

Câu hỏi: Tôi được biết, là mỗi phạm nhân khi đã chấp hành án đều có quyền lợi và nghĩa vụ riêng của mình, một trong số quyền lợi đó là đối với phạm nhân chấp hành án tử hình sẽ được viết thư xin ân xá, đặc xá. Tôi muốn biết thời hạn xử lý đơn thư của người chấp hành án tử hình là bao lâu? Tôi cũng có nghiên cứu mà hình như chưa thấy có quy định nào?

Trả lời: Căn cứ Điều 367 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, người bị kết án tử hình có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp không có đơn xin ân giảm trong thời hạn trên hoặc bị Chủ tịch nước bác đơn, bản án sẽ được thi hành.

Về thời hạn xét đơn, theo quy định tại Quyết định số 60-QĐ/VP-PL ban hành quy chế xử lý hồ sơ xin ân giảm án tử hình ở cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước, thời hạn giải quyết đối với mỗi hồ sơ vụ án tại cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước trung bình là 45 ngày kể từ ngày hồ sơ đến Văn phòng Chủ tịch nước.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, dường như là hiện tại Luật thi hành án hình sự đang có sự "vênh" lớn so với các bộ luật, luật liện quan khác. hình như việc: hoãn chấp hành án phạt tù. Bộ Luật tố tụng hình sự quy định cần ra thông báo, luật tố tụng hình sự 2010 lại quy định ra quyết định định thi hành án,... vậy khi có sự vênh nhau giữa các quy định giữa các văn bản Luật thì khi thực hiện chúng ta phải sử dụng căn cứ gì?

Trả lời: Bộ Luật tố tụng hình sự cũng như Luật thi hành án hình sự hiện hành đều quy định việc hoãn chấp hành án phạt tù do Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.

Vì vậy, nội dung này hiện không có sự vênh nhau. Trường hợp có sự vênh nhau, trong quá trình áp dụng pháp luật, cơ quan có thẩm quyền có thể xin ý kiến giải thích pháp luật của Quốc hội và căn cứ vào đó để áp dụng pháp luật

Quan tâm đến nội dung này, một thính giả có gửi câu hỏi đến chương trình với nội dung:

Tôi là một sinh viên mới ra trường, và cũng mới nhận công tác. Có một số quy định trong Luật thi hành án hình sự khiến tôi rất băn khoăn, đó là việc các văn bản hướng dẫn áp dụng Luật nhiều, nhưng lại khác nhau. Tôi muốn soạn một văn bản về việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù với phạm nhân, nhưng tôi thấy mỗi nơi ban hành một quyết định không thống nhất với nhau như: Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù,… tôi ko biết cái nào mới là đúng, xin Luật sư tư vấn?

Trả lời: Các quyết định trên bạn nêu ra đều là các quyết định khác nhau. Vì vậy, để có thể áp dụng được phù hợp, bạn cần phải hiểu được sự khác nhau giữa các quyết định đó, về khái niệm, căn cứ, trình tự thủ tục áp dụng, thời điểm áp dụng, hậu quả pháp lý. Tôi xin lấy ví dụ, hoãn chấp hành hình phạt tù sẽ khác tạm đình chỉ hình phạt tù, Điểm khác nhau cơ bản giữa tạm đình chỉ hình phạt tù và hoãn chấp hành hình phạt tù là thời điểm áp dụng biện pháp là trước hay trong khi chấp hành hình phạt tù.

Cụ thể: tạm đình chỉ hình phạt tù là việc người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong một số trường hợp nhất định. Còn hoãn chấp hành hình phạt tù là việc người bị xử phạt tù có thể được chuyển thời điểm thi hành án sang một thời điểm khác muộn hơn trong các trường hợp nhất định.

Như vậy, thời điểm hoãn chấp hành hình phạt tù là khi người phạm tội chưa bắt đầu thi hành hình phạt tù; còn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù, nhưng vì một trong những lý do trên mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định.,

Câu hỏi: Thưa Luật sư, từ đầu chương trình đến giờ chúng ta đã cùng quý thính giả bàn luận rất nhiều về những bất cập trong các quy định hiện tại của Luật thi hành án hình sự. Tôi thấy, hiện nay có rất nhiều trường hợp các đối tượng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, Bảo lĩnh, Đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm trong thời gian tại ngoại, nhưng các đối tượng trên đã trốn khỏi địa phương hoặc chuyển đi địa phương mà không thông báo và làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Điều này gây hậu quả pháp lý ra sao?

Trả lời: Ta cần lưu ý biện pháp ngăn chặn đặt ra đối với bị can, bị cáo bị tạm giam để phục vụ công việc điều tra, truy tố, xét xử nghĩa là tại thời điểm này, người bị tạm giam không có tội. Vì vậy, trường hợp những đối tượng này trốn đi, hậu quả của sự việc này chủ yếu là gây khó khăn trong quá trình tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng.

Cũng về việc trốn khỏi nơi cư trú theo quy định của pháp luật, thính giả Đình Tuấn, ở Hải Dương có gửi thư đến chương trình như sau:

Câu hỏi: Tôi biết một trường hợp đã bị toà án tuyên án treo, nhưng bản thân người đó chưa hết thời hạn chấp hành án mà đã rời khỏi nơi cư trú, còn ko báo cho chính quyền địa phương. Tôi muốn biết, theo pháp luật thì người này sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự 2010, trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú 1 ngày trở lên sẽ có nghĩa vụ thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng. Trường hợp cá nhân vi phạm nghĩa vụ này từ 2 lần trở lên, Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo

Câu hỏi: Thưa Luật sư, được biết là vừa rồi, Bộ công an đã trình Quốc hội Dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi, theo Luật sư đánh giá thì dự thảo này có những tiến bộ ra sao so với luật hiện hành

Trả lời: Dự thảo luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ một mục và thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Theo đó, những sửa đổi, bổ sung quan trọng có thể kể đến là bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân; việc thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.

Vâng, do thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi không thể trả lời từng câu hỏi của thính giả mà chỉ chọn lọc một số câu hỏi tiêu biểu chung nhất cho vấn đề này.

Thưa các đồng chí và các bạn! Có thể thấy, các nội dung từ đầu chương trình đến giờ cho thấy rõ, sự cần thiết phải ban hành Luật thi hành án hình sự sửa đổi cho phù hợp với các quy định Luật mới, càng sớm càng tốt. Bởi Luật thi hành án hình sự hiện hành đang tồn tại quá nhiều bất cập trong quá trình áp dụng Luật vào thực tiễn.

Hy vọng những trao đổi trong 30 phút của chương trình bạn và pháp luật hôm nay đã giúp quý thính giả trang bị thêm phần nào những kiến thức pháp luật liên quan đến Luật thi hành án hình sự hiện hành, năm 2010. Đến đây, thời lượng của Chuyên mục Bạn và Pháp luật đã hết, xin cám ơn sự tham gia của Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ công ty luật SBLAW, rất mong nhận được thư đóng góp của thính giả để chuyên mục ngày một hấp dẫn, thiết thực hơn.

Mọi ý kiến, vấn đề mà quý vị quan tâm xin gửi về BBT Phát thanh CAND, số 1 Lê Đức Thọ, Cầu Giấy, Hà Nội. Số ĐT: 069.46806 hoặc 069.48344. Địa chỉ email: phatthsanhcand@gmail.com.

Xin chào và hẹn gặp lại trong những chuyên mục này lần sau

 

 

 

 

 

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan