Trong chương trình phát thanh kinh doanh và pháp luật trên Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đến từ công ty Luật S&B (S&B Law) đã trao đổi về những bất cập của Luật Đầu tư năm 2005, chúng tôi trân trọng gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn:
Phóng viên: Luật đầu tư 2005 được ban hành đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên sau hơn 7 năm triển khai thi hành đã tổn tại nhiều hạn chế, bất cập như các quy định về thủ tục đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư…. Vậy xin luật sư cho biết những hạn chế, bất cập chủ yếu trong Luật đầu tư 2005 là gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Bất cập nổi bật là: sự không đồng bộ giữa Luật đầu tư với Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khiến nhiều quy định của Luật đâu tư không thể thực hiện được trên thực tế.
Ví dụ:
1.Cách hiểu về nhà đầu tư nước ngoài không thống nhất giữa Luật đầu tư và các văn bản luật khác:
Luật đầu tư, Điều 3, Khoản 5 giải thích khái nhiệm:
Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể hơn, trong Luật đầu tư quy định tiếp:
- nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế lần đầu tại Việt Nam.
- nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư xác định là những doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện như Nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các Nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật khác lại đưa ra cách hiểu không nhất quán với Luật đầu tư, cụ thể:
- Nghị định 69/2007/NĐ-CP lại quy định, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm“tổ chức nước ngoài” là “tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài và hoạt động, kinh doanh tại nước ngoài hoặc/và tại Việt Nam”.
- Quyết định 121/2008/QĐ-BTC xác định, NĐT nước ngoài bao gồm cả“tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoàicác chi nhánh của tổ chức và này”.
- Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả“tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%”.
- Nghị định 102/2010/NĐ-CP khẳng định: “Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với NĐT trong nước…”.
2. Luật đầu tư cho phép cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với thủ tục đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, cá nhân Việt Nam không thể chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài do các văn bản pháp luật về quản lý ngoại hối chưa có hướng dẫn cụ thể.
3. Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư chưa có sự đồng bộ về quy định đối với trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài mua lại vốn góp của Nhà đầu tư trong nước hoặc Nhà đầu tư Việt Nam mua lại vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài.
Sự bất cập này dẫn đến tình trạng các địa phương thực hiện không giống nhau. Hà Nội đang tạm dừng tiếp nhận các hồ sơ chuyển nhượng vốn như thế này. Hồ Chí Minh thì vẫn ghi nhận trên Đăng ký doanh nghiệp nhưng rang buộc thêm quy định: Doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư/thẩm tra. Tuy nhiên, lại chưa có cơ chế kiểm soát hay xử lý nếu doanh nghiệp không tiến hành thủ tục đầu tư trên thực tế.
4. Về vấn đề thẩm tra dự án đầu tư: mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp và làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian thẩm tra lâu, rất tới các cơ hội kinh doanh đều bị bỏ lỡ.
Trên đây là một số bất cập của Luật đầu tư 2005, hy vọng trong thời gian tới, các nhà làm luật sẽ nghiên cứu, sửa đổi những quy định cho phù hợp.