Vừa qua, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw có tham gia chương trình phỏng vấn của kênh Info TV liên quan đến vụ việc Nhóm phượt thủ chặn ngã tư ở Nam Định. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Vâng thưa ông, khi theo dõi clip một nhóm phượt thủ chặn xe ở ngã tư để cho đoàn của mình đi ngang qua trên địa phận TP Nam Định, ông có suy nghĩ gì?
Khách mời trả lời:
Hành vi chặn xe ở ngã tư để cho đoàn của mình đi ngang qua của nhóm phượt thủ là vi phạm luật giao thông đường bộ, gây cản trở và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Theo quy định của pháp luật, chỉ có lực lượng Cảnh sát giao thông mới có quyền điều tiết, phân luồng giao thông, hoặc những người được giao trách nhiệm phân luồng, điều tiết giao thông cũng phải đeo bằng đỏ mới được thực hiện. Như vậy, nhóm người này đã thực hiện hành vi chặn đường không đúng thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định cụ thể về những trượng hợp được cấm đường.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường, cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông.
Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.
Ngoài ra, Điều 22 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về thứ tự các loại xe ưu tiên bao gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang. Căn cứ quy định này, đoàn xe phượt thủ không thuộc các trường hợp xe được ưu tiên khi tham gia giao thông.
Câu hỏi: Với hành vi như vậy thì nhóm phượt thủ sẽ phải đối diện với những hình phạt nào thưa ông?
Khách mời trả lời:
Đây là hành vi cản trở giao thông đường bộ và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong một số trường hợp, nhóm phượt thủ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cụ thể:
Thứ nhất, xử phạt hành chính:
- Nhóm phượt thủ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây ùn tắc giao thông theo quy định tại điểm đ) khoản 3 điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
“3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;”
Đoàn xe đã dừng xe, đỗ xe trái quy định nên bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (tiền phạt đối với tổ chức gấp đôi tiền phạt đối với cá nhân)
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; (điểm b khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
Như vậy, nhóm phượt thủ có thể bị phạt từ 200.000 đến 600.000 vì gây mất trật tự trên đường phố.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu hành vi chặn ngã tư của nhóm phượt thủ gây tắc nghẽn giao thông hàng giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức hoặc gây dư luận xấu trong xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015):
“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm”.
Câu hỏi: Đây không phải là lần đầu tiên những hành vi làm rối loạn trật tự công cộng đến từ bộ phận các bạn trẻ ưa thích du lịch bụi. Tình trạng này vẫn diễn ra rải rác ở nhiều nơi. Liệu có phải việc quản lí và chế tài xử phạt cho những hành vi tương tự như vậy còn lỏng lẻo hay không?
Khách mời trả lời:
Du lịch bụi - Hình thức du lịch này không hề tiêu cực, nhưng có một bộ phận cá nhân/nhóm có những biểu hiện tiêu cực làm vẩn đục hình ảnh của những nhóm phượt chuyên nghiệp, những người phượt chân chính. Như tôi đã nêu ở trên, pháp luật đã có quy định, nhưng việc vẫn xảy ra những tình trạng như vậy thì do nhiều nguyên nhân, 1 nguyên nhân đầu tiên đó là do chính ý thức của người tham gia.
Câu hỏi: Theo ông, cần có những biện pháp gì để siết chặt quản lí những hành vi tương tự như thế này?
Khách mời trả lời:
Cơ quan có thẩm quyền cần có những biện pháp răn đe và chế tài xử phạt đối với những hành vi như thế này mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ trong vụ việc này, mức tiền phạt đối với các hành vi gây mất trật tự tại nơi công cộng nên cao hơn để đạt hiệu quả răn đe. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.
Câu hỏi: Theo ông, có nên ban hành 1 cơ chế riêng cho loại hình du lịch này không khi phượt đang là hình thức được nhiều người ưa thích?
Khách mời trả lời:
Cơ chế riêng cho loại hình này sẽ được xây dựng trong thời điểm thích hợp. Hiện nay, đầu tiên các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra các quy định về quản lý chặt chẽ hơn và đề ra các biện pháp, chế tài xử phạt vi phạm mạnh tay hơn đối với những hành vi này.