Nhiều ứng dụng đa cấp biến tướng liên quan đến tiền ảo đang mọc lên

Nội dung bài viết

Vừa qua, phóng viên từ Báo Đại biểu Nhân dân có trao đổi và xin ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà liên quan việc thời gian qua, nhiều app đa cấp đã bị phát hiện, cơ quan chức năng ra thông báo cảnh báo, song thực tế các app này vẫn cứ tiếp tục “mọc” lên, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tham gia.

Cụ thể, mới đây, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về app Myaladdinz (hoàn tiền lên tới 80%) là hình thức đa cấp hoạt động trái phép. Bộ Công thương cũng phát đi cảnh báo về các ứng dụng thương mại điện tử “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback).

Thực tế, còn có nhiều app khác như Payback VN (tự xưng là có nguồn gốc từ Đức) với khả năng hoàn tiền đến 90%, thậm chí là "hoàn vốn 100%", trong đó yêu cầu các thành viên phải giao dịch bằng một loại tiền riêng gọi là Pay để được hưởng lợi. Hay Tailoc888 đang hoạt động sôi nổi với khẩu hiệu "Giật đơn hàng, kiếm tiền triệu". Theo đó, người dùng phải nạp tiền vào tài khoản ứng dụng để giật các đơn hàng ảo mà ứng dụng cung cấp, tùy giá trị đơn ảo mà số tiền nạp vào sẽ bị trừ đi sau mỗi lần giật hàng…

Nhiều người được mời tham gia Forex – sàn giao dịch ngoại hối với mức lợi nhuận rất cao. Chẳng hạn, nếu ban đầu bỏ ra 23,7 triệu đầu tư thì sẽ được nhận lợi nhuận gần 5 triệu/tháng…

soạn thảo quy chế hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử
hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Báo Đại biểu nhân dân xin ý kiến của luật sư cho các nội dung cụ thể sau :

Câu 1: Theo anh, vì sao dù trước đó đã có nhiều cảnh báo, thậm chí xử lý các trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép dưới dạng tiền ảo (Modern Tech), hoàn tiền cao (Myaladdinz…) song các hình thức đa cấp tương tự vẫn có thể tiếp tục tồn tại, biến tướng?

Luật sư trả lời:

Các hình thức đa cấp biến tướng vẫn có thể tồn tại mặc dù trước đó đã có nhiều cảnh báo một phần do chính từ bản thân những người tham gia. Những người tham gia vẫn còn tâm lý ham lợi nhuận cao, bỏ qua việc suy xét, tìm hiểu kỹ lưỡng; bỏ qua những cảnh báo của các chuyên gia về mô hình kinh doanh này.

Những người tham gia không tìm hiểu kỹ rằng việc mình tham gia là việc nạp tiền thật để đổi sang một loại tiền ảo để tiêu trong hệ thống và khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ dừng lại ở một tỷ lệ phần trăm nhỏ. Hơn nữa, các loại tiền ảo không được pháp luật công nhận nên nếu có tranh chấp xảy ra thì người sử dụng ứng dụng cũng không được pháp luật bảo vệ, người sử dụng sẽ mất khoản tiền thật mà mình đã đầu tư.

Các mô hình trả thưởng này hoạt động dựa trên mô hình đa cấp biến tướng, đó là việc giới thiệu người tham gia, dùng tiền của người đến sau trả lãi suất và hoa hồng cho người đến trước. Tuy nhiên rủi ro rất cao là sau một thời gian, khi không có hoạt động kinh doanh mà số tiền của người tham gia sau không đủ để trả lãi, hoặc khi những người sử dụng sau nạp tiền vào hệ thống ít hơn những người sử dụng trước đó, nguồn tiền không đủ trả cho những người có nhu cầu rút thì mô hình này sẽ sụp đổ.

Bên cạnh đó, hiện đang tồn tại rất nhiều công ty đa cấp gọi vốn bằng tiền ảo, tài sản ảo, nhưng chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này; chưa có các biện pháp cụ thể để quản lý, giám sát hoạt động của các ứng dụng công nghệ thông tin này dẫn đến hệ lụy rất nhiều người “sập bẫy” mất hàng ngàn tỷ đồng vì đầu tư tiền ảo, mua sắm hoàn tiền biến tướng đa cấp.

Câu 2: Liệu có lỗ hổng nào từ cơ chế chính sách và nếu có thì cụ thể là gì, thưa anh? Có ý kiến cho rằng một phần các hình thức đa cấp biến tướng vẫn còn tồn tại, “như nấm sau mưa” là bởi chúng ta chưa có cơ chế thừa nhận tiền ảo. Quan điểm của anh thế nào ạ?

Luật sư trả lời:

Thị trường tài chính đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, phức tạp hơn trước với sự hình thành ngày một nhiều lên của các tập đoàn tài chính lớn và nhỏ, thực trạng này luôn tiềm ẩn những rủi ro chéo giữa các khu vực: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên, trong các cơ chế chính sách thị trường bây giờ vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, đáng quan ngại nhất là lỗ hổng trong hệ thống giám sát thị trường.

Với phương thức giám sát còn mang tính chất tuân thủ, mà chưa coi trọng thỏa đáng việc giám sát rủi ro phát sinh trong thực tiễn vận hành của thị trường, cơ quan quản lý mới chủ yếu dừng lại ở kiểm tra tính tuân thủ của các đối tượng trong diện giám sát xem đã thực hiện đúng các cơ chế, chính sách, các tiêu chí mà cơ quan quản lý đã ban hành hay chưa. Do đó, hệ thống cơ chế, chính sách giám sát chưa thể bao quát hết những khả năng rủi ro có thể phát sinh, hoặc tồn tại không ít bất ổn, trong khi các đối tượng trong diện giám sát vẫn buộc phải tuân thủ những quy định không ổn đó. Điều này làm tăng mối lo ngại cho chính các chủ thể tham gia thị trường, cũng như đe dọa tính an toàn của hệ thống.

Tiền ảo hiện đang là một xu thế của thế giới đang dần được chấp nhận trên nhiều quốc gia. Tiền ảo khi đem so sánh sẽ có nhiều mặt ưu điểm hơn tiền thật như: giao dịch diễn ra nhanh chóng, các thông tin bảo mật của khách hàng không thể bị đánh cắp khi sử dụng tiền ảo (Bitcoin), thuận tiện khi thanh toán, …. Nhưng bên cạnh đó, hình thức giao dịch này cũng vô cùng khôn lường khi một số giao dịch mang tính đầu cơ cao, lừa đảo, rửa tiền hay thậm chí có thể tài trợ cho khủng bố và các hoạt động phi pháp khác…

Tại Việt Nam, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không sử dụng tiền mặt (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP) quy định như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7.Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này”.

Như vậy, tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam.

Việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể là tại Điểm d Khoản 6 Điều 26 Nghị định này quy định: hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 21/07/2017, Ngân hàng Nhà nước có Công văn 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ thông báo về việc không công nhận đồng Bitcoin cũng như đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, cụ thể:

““Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý nào hoàn chỉnh chính thức quy định hay điều chỉnh về vấn đề tiền ảo. Việc thiếu công cụ quản lý và không rõ ràng trong chính sách luật pháp đã làm cho vấn đề tiền ảo trở nên mơ hồ, tạo ra các lỗ hổng pháp lý, đặc biệt trong thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo theo phương thức đa cấp liên quan đến tiền ảo diễn biến rất phức tạp.

Câu 3: Có cách nào để chặn được các app đa cấp biến tướng, thưa anh?

Luật sư trả lời:

Việc quan trọng nhất đó là cần hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động tài chính. Khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư tài chính cần phải được quy định rõ: Những hành vi nào bị cấm, những “sàn giao dịch” nào thì được phép thực hiện. Như vậy, căn cứ để xử lý vi phạm sẽ rõ ràng hơn. Người dân sẽ tham khảo khung pháp lý để nhận biết các mô hình kinh doanh nào hợp pháp, các mô hình nào là biến tướng, lừa đảo.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo một cách hoàn chỉnh. Khung pháp lý liên quan đến tiền ảo khi được hoàn thiện sẽ hạn chế, ngăn chặn có hiệu quả các rủi ro, phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực này.

Thứ ba, cần phải tăng cường cảnh báo, truyền thông trên các phương tiện đại chúng về các app biến tướng để nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt tiền ảo, tiền điện tử, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp.

Thứ tư, cần bổ sung các quy định về quản lý các ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý an ninh mạng. Có rất nhiều trang web quảng cáo công khai về các ứng dụng lừa đảo trên, tuy nhiên vẫn tồn tại trên các kết quả tìm kiếm trên mạng mà vẫn chưa bị gỡ bỏ.

Thứ năm, ngoài việc bổ sung các quy định thì chúng ta cũng cần tổ chức thực hiện các quy định này, tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên và xử lý vi phạm thật nghiêm khắc các hành vi lừa đảo bị phát hiện cũng như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan