Nhập nhèm tên gọi sản phẩm

Cách đặt tên gọi một dự án bất động sản như nhà ở, khách sạn thường để nói lên đặc điểm nhận dạng về vị trí, dòng sản phẩm, phong cách thiết kế, đối tượng khách hàng… Không những thế, tên gọi dự án còn là một trong những yếu tố tiếp cận và thu hút người mua đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng đang bị “bủa vây” trước hàng trăm tên gọi các dự án nghe gần giống nhau, khó nhớ, khó đọc.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của Reatimes, nếu làm một phép tính đơn giản bằng việc gõ cụm từ khoá “chung cư cao cấp” vào ô tìm kiếm của Google, chỉ trong chưa đầy 1 giây, sẽ nhận được hàng chục triệu kết quả, bao gồm cả hình ảnh, tin tức, video,… về các dự án giống nhau là có một tòa cao ốc và những cây xanh xung quanh nên nếu không có chuyên môn cũng như tìm hiểu sâu thì sẽ không nhận diện được dự án.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện nay, cứ dự án nào nằm ở một số vị trí được cho là “đất vàng” trung tâm hoặc quận gần trung tâm đều được gắn mác cao cấp rồi bán với giá cao. Trong khi đó, chất lượng dự án không đảm bảo, không gian tù túng, diện tích hành lang không đủ, thiếu cây xanh…

Có chủ đầu tư vì lợi nhuận nên chỉ đưa ra các bản vẽ sơ sài, thiết kế đơn giản nhưng lại quảng cáo là chung cư cao cấp, thậm chí vì tham xây dựng mật độ cao, nhiều khối chung cư để bán nhưng quên mất điều kiện hạ tầng chật hẹp khiến cho cuộc sống của cư dân thực sự không như hứa hẹn.

Hiện nay, khách hàng đang bị “bủa vây” trước hàng trăm tên gọi các dự án nghe gần giống nhau.

Đặc biệt, phần lớn các dự án, khu nhà ở dù nhỏ hay lớn hiện nay đều chuộng đặt tên theo tiếng Anh, thậm chí cả tiếng Pháp hoặc “nửa tây nửa ta” để thể hiện sự đẳng cấp của dự án. Kết quả là một loạt các dự án na ná nhau Dream Home Palace, Dream Home Residence, Dream Home Luxury Apartment, Angela Boutique Serviced Residence, River Garden Executive Residences… khiến người mua hàng bị nhầm lẫn dự án, thậm chí không nhớ tên dự án vì không giỏi ngoại ngữ.

Thương hiệu doanh nghiệp bị “đánh cắp”

Cũng theo phản ánh từ các doanh nghiệp bất động sản, thời gian gần đây, không ít dự án của doanh nghiệp bị đánh cắp nhãn hiệu và hình ảnh. Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu một doanh nghiệp bất động sản và một doanh nghiệp kinh doanh ngành khác bị trùng thương hiệu thì khách hàng sẽ không có sự liên tưởng.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực trùng thương hiệu thì sẽ có sự cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu, thậm chí là lợi dụng thương hiệu uy tín để kinh doanh dự án thấp kém. Cuối cùng, người chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là khách hàng, người mua nhà.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest dẫn chứng câu chuyện của doanh nghiệp ông khi một quảng cáo bán căn hộ Tràng An ở 149 Trường Chinh (Hà Nội) nhưng hình ảnh lại dùng hình ảnh dự án Tràng An Complex của GP Invest.

Ông Hiệp cho hay: “Đây chính là hành động “ăn cắp” thương hiệu của chúng tôi. Thương hiệu không chỉ là tên, mà còn là hình ảnh nhưng hiện chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này. Vì thế, khi chúng tôi đưa ra thì cũng chẳng biết phạt họ thế nào và cũng chẳng có ai phạt cả nên họ chỉ gỡ bỏ các thông tin, hình ảnh trên mạng xuống là xong”.

Ngoài ra, ông cho hay các cơ quan kinh doanh khi đăng ký thành lập tên đều được kiểm tra kỹ nhưng trong một tên tiếng Việt dài vẫn có phần tiếng Việt, tiếng nước ngoài trùng nhau, ví dụ cũng là “smart” nhưng có những cái tên gần giống nhau như Smartland, Smart City.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest

Đồng cảm câu chuyện của ông Hiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow Holding chia sẻ: “Ở trường hợp của Eurowindow, các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác cũng sử dụng từ Euro… tuy nhiên sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh của Eurowindow dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp phải là sự nhầm lẫn chủ ý hay vô ý về thương hiệu, nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc tranh chấp này khi đưa ra toà án rất khó khăn và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp xử lý hiệu quả”.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tiết lộ, có nhiều trường hợp doanh nghiệp ngại đăng ký là vì thường nghĩ là nếu ra tấm ra món thì mới đăng ký. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến quyên lợi khách hàng doanh nghiệp nên đăng ký gấp.

“Hiện nay, chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm chưa đến 100 USD. Vì vậy, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng”, ông Đính nhấn mạnh.

Góc nhìn từ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty Luật SBLAW chia sẻ: “Khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó, và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định, yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý”./.

Nguồn: http://reatimes.vn/nhap-nhem-ten-goi-san-pham-bat-dong-san-28768.html