Nhân viên phòng khám không cứu giúp người bị tai nạn có bị xử lý hình sự?

Nội dung bài viết

ANTD.VN -Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông dù bị thương nặng nằm bất động trên đường, người dân vào nhờ nhân viên y tế ở một Phòng khám đa khoa ở gần đó sơ cứu nhưng bị từ chối.

Đoạn clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường D1, đoạn qua khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nạn nhân trong vụ tai nạn dù bị thương nặng nên người dân tại khu vực vào nhờ nhân viên y tế tại Phòng khám đa khoa ở gần đó sơ cứu. Vào thời điểm đó, dù phòng khám này có nhân viên trực, có xe cấp cứu nhưng không ai giúp đỡ.

Bức xúc trước sự việc trên, một người có mặt tại hiện trường đã quay video và vào phòng khám đề nghị một lần nữa nhưng vẫn không nhận được sự hỗ trợ. Nạn nhân sau đó được đưa đến cơ sở y tế khác cứu chữa.

Được biết, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo Thanh tra y tế và đơn vị quản lý hành nghề y đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.

Người bị tai nạn và chiếc xe cấp cứu để không ở phòng khám gần đó (ảnh cắt từ clip)
Người bị tai nạn và chiếc xe cấp cứu để không ở phòng khám gần đó (ảnh cắt từ clip)

 

Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua, tình trạng thờ ơ, vô cảm không cứu giúp người bị nạn trên đường diễn ra khá phổ biến. Hầu hết cá nhân khi ra đường đều chứng kiến cảnh nhiều người xúm lại mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên đường nhưng chỉ đứng chỉ trỏ, bàn tán, thậm chí quay video lại mà không hề gọi xe cứu thương, cơ quan chức năng hay sơ cứu nạn nhân. Với tâm lý từ vô can dẫn đến vô cảm, sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy, bị vạ lây, không ít người đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ của những người đang bị nguy hiểm đến tính mạng.

Về hành vi trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dù với bất kì lý do nào, việc cán bộ y tế của phòng khám tuy đã được thông báo nhưng không cứu giúp người bị tai nạn là điều khó có thể chấp nhận được. Hành vi này là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, đó là “từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.

Cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính. Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi “không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.

Trường hợp người bị tai nạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, y, bác sỹ từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu khiến người bị tai nạn tử vong thì nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm;

Trường hợp người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội dẫn đến 2 người trở lên chết thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Link bài: https://anninhthudo.vn/nhan-vien-phong-kham-khong-cuu-giup-nguoi-bi-tai-nan-co-bi-xu-ly-hinh-su-post441006.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan