Nhận diện sàn đầu tư ngoại hối/chứng khoán lừa đảo

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về các sàn đầu tư ngoại hối/chứng khoán lừa đảo trên báo Lao động. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Đầu tư tài chính ngoại hối và những điều cần nắm

PV hỏi: Trên thực tế, nhiều công ty tự xưng là đơn vị trung gian cho cho sàn giao dịch ngoại hối/chứng khoán nước ngoài để dụ dỗ nhà đầu tư. Việc giao dịch vàng, tiền tệ, cổ phiếu thông qua các công ty này tiềm ẩn các nguy cơ gì?

Luật sư trả lời: Theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), ngoại hối bao gồm:

– Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);

– Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;

– Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

– Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

– Đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Từ đó có thể hiểu được rằng sàn giao dịch ngoại hối (sàn forex – foreign exchange) về bản chất là một trung gian (Forex broker) được thành lập tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định và phải tuân thủ theo luật pháp ở nơi sàn được thành lập và hoạt động.

Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.”

Tại khoản 20 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, bổ sung bởi Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 quy định: Kinh doanh ngoại hối là hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép nhằm mục tiêu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn, thanh khoản cho hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó.

Như vậy, những công ty không đáp ứng đủ các điều kiện mới nêu trên thì sẽ không phải là những sàn giao dịch ngoại hối hợp pháp tại Việt Nam, vì vậy, nếu thực hiện giao dịch thông qua các sàn này sẽ tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ khiến người giao dịch bị lừa và mất số tài sản mình đã giao dịch. Các dự án, mô hình hệ thống này đều được giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, là các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện các giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15 – 30%/tháng, trên số tiền đầu tư.

Cùng với đó, các sàn Forex được các đối tượng quản trị thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản; can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng). Đồng thời, các sàn Forex này không có tính năng kết nối với các sàn Forex trên thế giới.

Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền…

PV hỏi: Nhà đầu tư phải kiểm chứng các thông tin gì trước khi quyết định đầu tư ngoại hối/chứng khoán quốc tế? Kiểm chứng như thế nào và ở đâu? Chỉ 1 tờ giấy đăng ký kinh doanh với số vốn khủng có đủ để chứng minh tính hợp pháp và uy tín của các công ty này hay không? Ví dụ?

Luật sư trả lời: Hiện nay, ngân hàng nhà nước Việt Nam khẳng định chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối (Forex). Do đó, mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn Forex đều là phạm pháp và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhằm lách luật, nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn về tài chính cho người tham gia. Hơn nữa, 1 tờ giấy đăng ký kinh doanh với số vốn khủng chắc chắn là chưa đủ để chứng minh tính hợp pháp của sàn giao dịch đó. Ví dụ mới đây, Công an TP. Hà Nội phối hợp cùng Công an TP. Hải Phòng triệt phá vụ án liên quan đến sàn giao dịch ngoại hối Hitoption do Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Văn Quyền thành lập, nhằm giao dịch ngoại hối trên không gian mạng. Sàn này sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) để đặt lệnh thay cho việc khách hàng giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh của chế độ BOT để làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của Dương. Để lấy được sự tin tưởng của người tham gia chơi, Dương thành lập Công ty TNHH MTV ANTGROUP có trụ sở tại tầng 7, tòa nhà CTM Complex, số 139 Cầu Giấy (Hà Nội); thuê gần 100 nhân viên gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia sàn. Khi có khách hàng nạp tiền đầu tư, nhóm môi giới sẽ được hưởng hoa hồng 1-6%. Dương đã xây dựng, hình thành 6 nhóm kinh doanh với hàng chục thành viên mỗi nhóm. Qua thu thập tài liệu của sàn Hitoption.net, công an xác định 969 người tham gia, tổng số dư hiện tại của người đầu tư tại thời điểm kiểm tra là hơn 629.000 USD (khoảng 15 tỉ đồng).

Qua ví dụ trên, ta có thể nhận thấy rằng chưa chắc những sàn giao dịch được chống lưng bởi các công ty với số vốn “khủng” là các sàn giao dịch uy tín. Các nhà đầu tư cũng nên liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về các sàn giao dịch được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bởi chỉ có NHNN mới có thẩm quyền cấp phép cho các sàn giao dịch ngoại hối được hoạt động tại Việt Nam.

PV hỏi: Những dấu hiệu cho thấy một công ty/ cá nhân lừa đảo mà nhà đầu tư nên tránh xa.

Luật sư trả lời: Các công ty hay cá nhân lừa đảo qua các sàn đầu tư ngoại hối/chứng khoán quốc tế luôn có các chiêu trò khác nhau để “dụ dỗ” nhà đầu tư mở tài khoản và nạp tiền giao dịch tại sàn. Ngay càng xuất hiện nhiều sàn lừa đảo rất tinh vi, nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng và thật sáng suốt thì cũng rất dễ mắc bẫy. Sau đây là một vài dấu hiệu để nhận biết một công ty/ cá nhân lừa đảo mà nhà đầu tư nên tránh xa.

Thứ nhất, những công ty hay cá nhân này thường cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức chào mời đầu tư qua điện thoại; liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook…Sau khi đã lôi kéo thành công, các đối tượng này sẽ sắp xếp cho nhà đầu tư đánh thắng để khiến họ nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Từ đây, những kẻ lừa đảo sẽ tư vấn khách hàng đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ gỡ lại được số tiền đã thua.

Thứ hai, các công ty/cá nhân lừa đảo qua các sàn ngoại hối/chứng khoán quốc tế thường sử dụng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, những đối tượng này sẽ kêu gọi, lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, “hoa hồng” cho môi giới sau khi họ mời thêm thành viên; đồng thời, xây dựng hệ thống kinh doanh nhiều cấp, nhiều nhánh.

Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo này rất tích cực làm truyền thông xây dựng hình ảnh. Nội dung thường nhấn mạnh vào khả năng thu lợi nhuận với con số “khủng”, liên tục khoe khoang về tài khoản ngân hàng tăng lên nhiều ra sao cùng với hình ảnh lối sống ăn chơi xa xỉ. Mục đích chung của những bài đăng này chỉ nhằm để thu hút càng nhiều người tin và tham gia vào tổ chức, từ đó tiếp tục đưa ra những lời hứa hẹn, cam kết để nhà đầu tư chấp nhận “xuống tiền” cho những sàn ngoại hối/chứng khoán quốc tế do chúng thiết lập và điều hành.

Ngoài ra, dấu hiệu để nhận biết việc một công ty hay cá nhân có lừa đảo hay không chính là đã xuất hiện những bài báo hay tin tức nêu đích danh tên tuổi cùng hành vi vi phạm của các đối tượng này. Việc những thông tin, bằng chứng tố cáo việc làm trái pháp luật của những kẻ lừa đảo này trên các kênh thông tin đại chúng chính là những cảnh báo muốn gửi tới những nhà đầu tư để họ cảnh giác hoặc nhanh chóng phát hiện để khắc phục kịp thời hậu quả không may xảy tới.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan