Nhận diện đa cấp bất chính

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về đa cấp bất chính và cách nhận diện trên báo Lao động. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn mới

PV hỏi: Kinh doanh đa cấp có xấu không? (Không - chỉ có đa cấp bất hợp pháp, bất chính mới xấu).

Luật sư trả lời: Có thể khẳng định kinh doanh đa cấp không xấu. Trước hết đây là loại hình kinh doanh được nhà nước cho phép và đã có những quy định pháp luật rất cụ thể và chi tiết để bảo đảm loại hình kinh doanh này được diễn ra thuận lợi, hợp pháp cũng như liên tục có sự điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ là văn bản hiện hành dùng để áp dụng quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nội dung Nghị định đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về “kinh doanh theo phương thức đa cấp”, điều kiện đăng ký hoạt động, quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và người tham gia, ....

Bên cạnh đó, Nghị định còn nêu chi tiết những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ví dụ đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có một số hành vi bị cấm như sau:

- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

- Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

- Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp.

- Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định. Theo đó, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Ngoài ra, những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; Sản phẩm nội dung thông tin số.

Đối với người tham gia bán hàng đa cấp cũng bị cấm thực hiện một số hành vi như:

- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Những trường hợp kinh doanh đa cấp gây hình ảnh xấu trong xã hội hiện nay đều là đa cấp bất hợp pháp, vi phạm những điều cấm này.

PV hỏi: Rủi ro khi dính bẫy đa cấp bất hợp pháp. Thủ đoạn lừa đảo thường được dùng.

Luật sư trả lời: Rủi ro phổ biến nhất hiện nay khi tham gia vào những tổ chức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp này là “mất tiền”. Thường những khoản tiền bị lừa này là con số không hề nhỏ đối với các gia đình có người thân rơi vào bẫy của chúng. Ngoài ra còn có những rủi ro như sức khoẻ suy giảm, bị lộ thông tin cá nhân, mất đi lòng tin, sự uy tín trong mắt người thân, đối tác và thậm chí có thể đẩy bản thân vướng vào vòng lao lý.

Những thủ đoạn của những tổ chức này liên tục có sự biến đổi để phù hợp với thực trạng, đối tượng, mục tiêu mà chúng hướng tới. Ví dụ như ở những địa phương mà người dân trình độ chưa cao, những đa cấp phi pháp này thường sử dụng một mánh quen thuộc đó là yêu cầu người tham gia mua hoặc đặt cọc tiền cho một số sản phẩm để bán lại với cái giá cao hơn nhiều lần giá trị thực. Đối tượng chúng nhắm tới thường là những người ít hiểu biết, ít va chạm cùng với tâm lý dễ tin người và bị mê hoặc bởi những khoản thu nhập “khủng”. Người tham gia được mời đến những buổi hội thảo, được nghe các “chuyên gia” trình bày về sản phẩm, tâng bốc công dụng “lên mây” đi kèm các ưu đãi về chiết khấu khi bỏ tiền ra nhập những món hàng này về bán hay những khoản hoa hồng cao bất thường khi bán được sản phẩm hoặc mời được người khác tham gia cùng. Để tăng thêm phần tin cậy, sẽ có thêm sự xuất hiện của những người đã làm và thành công và rồi những người này sẽ tiếp tục diễn thuyết để thuyết phục người nghe tin tưởng và tham gia cùng.

Nếu như cách thức cũ trên giờ chỉ còn có thể áp dụng được ở những vùng quê thì một hình thức mới xuất hiện gần đây tại các tình, thành phố phát triển, nhắm vào những người chưa hiểu biết sâu về tài chính cũng như công nghệ. Với thao tác rất đơn giản, chỉ cần thực hiện ngay trên chiếc điện thoại thông minh là đã có thể tham gia đầu tư và thu lợi nhuận. Đó chính là cách mà những kẻ đứng sau sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option – BO) đã tạo ra để thu hút người tham gia “rót tiền” cho chúng. Giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) là hình thức đầu tư tài chính, là giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số... tại thời điểm dự đoán.

Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỉ lệ sàn đưa ra; nếu dự đoán sai, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch đó. Những người thuộc tổ chức đa cấp mở ra những sàn giao dịch này thường xuyên tạo hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội để thu hút những người quan tâm, quảng cáo đây là sàn nước ngoài và đã được cấp phép nhưng thực chất đều do người Việt Nam thiết lập và điều hành. Các đối tượng cam kết lợi nhuận với các nhà đầu tư, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp vào giá, điều chỉnh thắng thua nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

PV hỏi: Phân biệt đa cấp hợp pháp và đa cấp bất hợp pháp?

Luật sư trả lời: Có rất nhiều dấu hiệu để phân biệt đa cấp hợp pháp và đa cấp bất hợp pháp. Điều đầu tiên, chính là việc các đa cấp hợp pháp sẽ không vi phạm vào những điều cấm đã được đề cập tới bên trên. Ngoài ra, còn có một số yếu tố để phân biệt như sau:

  • Thông tin đăng ký hoạt động

Thông thường các doanh nghiệp đa cấp hợp pháp sẽ thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục để được cấp phép hoạt động. Để được cấp phép hoạt động, các doanh nghiệp này phải có đầy đủ các điều kiện để được thành lập theo quy định của pháp luật, ví dụ như yêu cầu về vốn điều lệ, ký quỹ tại ngân hàng, chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trước đây, …. Khi đã đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Công Thương sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cung cấp số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ giấy chứng nhận đầu tư cùng thông tin người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính. Trong trường hợp không thể tra soát được thông tin đăng ký hoạt động hay thông tin tìm được không trùng khớp với thông tin mà phía doanh nghiệp cung cấp cho người tham gia thì nhiều khả năng đó là doanh nghiệp đa cấp bất hợp pháp.

  • Sản phẩm kinh doanh

Nếu là các doanh nghiệp đa cấp hợp pháp thì đương nhiên họ sẽ kinh doanh những sản phẩm mình đã đăng ký trước đó với cơ quan có thẩm quyền. Nhưng khi những sản phẩm mà tổ chức đó kinh doanh lại không hề nằm trong danh mục đã đăng ký, có sự nhập nhèm về công dụng và giá cả, thậm chí thuộc vào những loại hành hoá bị cấm kinh doanh theo hình thức đa cấp thì tổ chức này đang có dấu hiệu là đa cấp bất hợp pháp.

  • Quy tắc hoạt động và chương trình đào tạo cơ bản

Việc có quy tắc hoạt động và chương trình đào tạo cơ bản là điều kiện bắt buộc để một doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh đa cấp. Đa cấp hợp pháp phải có quy tắc hoạt động rõ ràng, minh bạch cũng như phải xây dựng được chương trình đào tạo cơ bản cho những người phân phối. Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là bán được hàng do đó họ rất chú trọng đào tạo cho người tham gia phải hiểu và nắm rõ sản phẩm cùng những kỹ năng cần thiết để bán hàng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc các tổ chức này tuyển dụng thêm người cũng phải tuân thủ theo kế hoạch kinh doanh và chỉ được xem là hoạt động thứ yếu phục vụ cho hoạt động bán hàng.

Trái ngược với những điều nêu trên, đa cấp bất hợp pháp sẽ có quy tắc hoạt động hay có những chính sách không nhằm thúc đẩy bán hàng. Những tổ chức này sẽ không hướng người tham gia vào việc thấu hiểu cùng với những kỹ năng để bán sản phẩm mà chỉ tập trung thôi thúc mời thật nhiều người cùng tham gia và yêu cầu những người nay phải đóng nhiều loại tiền khác nhau từ tiền mua sản phẩm, phí hoạt động,…Thậm chí còn bắt người tham gia phải kí giấy vay nợ đối với các khoản tiền này khi họ chưa có đủ số tiền để chi trả ngay lập tức.

  • Cam kết về những khoản lợi nhuận hấp dẫn

Những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp sẽ không bao giờ cam kết chắc chắn về những khoản lợi nhuận mà người tham gia có được vì họ hiểu rằng thành quả luôn tương xứng với nỗ lực. Họ chỉ có thể khẳng định người tham gia sẽ nhận được mức thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra theo đúng với kế hoạch, chính sách đã công bố trước đó. Tuy nhiên với những tổ chức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp, họ sẵn sàng đưa ra những con số ảo để đánh vào tâm lý muốn làm ít, hưởng lợi nhiều của các đối tượng tham gia. Có một sự thật hiển nhiên đó là không có công việc nào đơn giản, dễ dàng lại mang tới nguồn thu nhập cao.

PV hỏi: Kiểm tra, xác thực tính hợp pháp, uy tín của tổ chức kinh doanh đa cấp thế nào?

Luật sư trả lời: Để có thể kiểm tra, xác thực tính hợp pháp, uy tín của tổ chức kinh doanh đa cấp hiện nay không khó do thực tế cho thấy, hoạt động của những doanh nghiệp đa cấp bất hợp pháp ở nước ta dù có tinh vi đến đâu thì vẫn luôn có những dấu hiệu và cách thức để phát hiện. Chúng ta có một lợi thế đó là internet gần như đã phủ sóng khắp nơi, mọi thông tin cơ bản về bất kì đơn vị nào cũng đều được công bố minh bạch trên các trang thông tin đại chúng.

Đầu tiên, cách chính xác nhất để xác định doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này có hợp pháp hay không là tìm hiểu xem họ đã đăng ký và được cấp phép hoạt động hay chưa. Chúng ta chỉ cần truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (vcca.gov.vn), chọn mục tin tức để xem danh sách những doanh nghiệp và hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Cho tới hiện nay, mới chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép bán hàng đa cấp theo quy định hiện hành, do đó nếu không nằm trong 22 doanh nghiệp đã được cấp phép này thì tổ chức kinh doanh đa cấp đó là bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, để tránh bị các đối tượng mạo danh những doanh nghiệp hợp pháp nêu trên lừa đảo, chúng ta có thể đối chiếu xem những sản phẩm họ giới thiệu cho người tham gia có thuộc danh mục những hàng hoá đã đăng ký và được cấp phép cho doanh nghiệp hợp pháp kia không. Ngoài ra những doanh nghiệp hợp pháp này đều có thông tin liên lạc cụ thể trên các website của họ, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động liên lạc để tìm hiểu và xác minh về lý lịch, vai trò của đối tượng đang làm việc với chúng ta.

Cuối cùng, đối với việc kiểm tra mức độ uy tín của một tổ chức kinh doanh đa cấp, chúng ta cần tìm hiểu xem doanh nghiệp này có đang gặp những vấn đề gì hay đang bị cảnh báo về dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Điều này phải cảm ơn đến báo chí truyền thông đã đóng góp vai trò rất lớn trong công cuộc đưa tin kịp thời, nhanh chóng về những sai phạm, nhằm phát những cảnh báo để người dân được biết và tránh khỏi những hệ luỵ tiêu cực. Chỉ cần gõ tìm kiếm tên công ty cùng những từ khoá như “lừa đảo”, “trái pháp luật”,... ngay lập tức sẽ có hằng hà sa số những bài báo với chủ đề liên quan hiện ra. Lúc này chỉ cần tìm xem tổ chức mà chúng ta đang cần kiểm tra có là đối tượng bị “chỉ mặt điểm tên” hay không mà thôi.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan