Từ năm 2012 đến tháng 6/2017, ngành BHXH và lực lượng cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, đơn cử:
Tại Quảng Ninh, có đơn vị làm giả Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh bản sao, lập 2 bảng chấm công và bảng lương hàng tháng để trục lợi quỹ BHXH. Qua kiểm tra, BHXH tỉnh đã thu hồi số tiền vi phạm 485 triệu đồng, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an để điều tra và khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” điều tra làm rõ vụ án, truy tố 4 bị can liên quan.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai cơ quan đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ chính sách để trục lợi quỹ BHXH như một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và BHXH một lần với số tiền chiếm đoạt là 1.315 triệu đồng (gồm 39 hồ sơ: 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản với số tiền là 1.287 triệu đồng và 4 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần với số tiền là 29 triệu đồng).
Tại tỉnh Đồng Nai, BHXH phát hiện tình trạng đối tượng làm giả các chứng từ như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (mẫu C65-HD), Giấy khai sinh, Giấy ra viện, ... nộp đến cơ quan BHXH để thanh toán các chế độ BHXH. Qua phối hợp điều tra giữa hai ngành, cơ quan BHXH đã chuyển 116 hồ sơ, giấy tờ làm giả để hưởng chế độ ốm đau, thai sản với số tiền 394 triệu đồng cho cơ quan công an để xác minh, làm rõ.
Qua thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với các vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, các chuyên gia của BHXH cho biết, các đối tượng thường tập trung vào các phương thức, thủ đoạn như lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHTN để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ ốm đau - thai sản.
Đặc biệt là tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH. Khi NLĐ nghỉ việc, DN có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho NLĐ. Nếu sau 12 tháng, NLĐ không đến nhận sổ BHXH thì DN trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, các DN không có ý thức chốt và trả sổ BHXH; NLĐ ít khi nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa. Điều này đã tạo điều kiện cho đối tượng ngoài xã hội thông đồng với DN thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.
Trước tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng tăng và tinh vi, thiết nghĩ cần thiết phải có chương trình phối hợp cụ thể định kỳ, hàng quý, hàng năm nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT kịp thời, để có thể ngăn chặn ngay, hạn chế tác hại của hành vi vi phạm, khó thu hồi số tiền sai phạm về quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ chân chính.