Trong bài "Nha Trang: “Thương vụ cổ phần 21 tỷ” và bài học “triệu đô” cho Doanh nhân" đăng trên báo Đời sống & Pháp luật, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Nhận chuyển nhượng 2.400.000 cổ phần với tổng giá trị 21.750.000.000 đồng, kèm cam kết “số cổ phần…không bị ràng buộc bởi bất kỳ sự cầm giữ, sự yêu sách và các khoản nợ nào”, một doanh nhân ở Tp.Nha Trang, Khánh Hòa đã rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi sau đó, công ty bị ngân hàng phát mại tài sản để đảm bảo cho các khoản vay quá hạn mà không còn khả năng chi trả.
Ngày 18/8/2017 tới đây, Tòa án Nhân dân Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên sơ thẩm để xét xử vụ kiện tranh hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Bị đơn là ông Võ Xuân Minh và Nguyên đơn là ông Võ Quang Lộc.
Sự việc bắt đầu từ ngày 12/6/2014, khi ông Võ Xuân Minh và ông Võ Quang Lộc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 08/HĐCN (Hợp đồng 08/HĐCN). Theo hợp đồng, ông Minh đã đồng ý chuyển nhượng 2.400.000 cổ phần phổ thông Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Xây dựng và Dịch vụ Tân Minh (Công ty Tân Minh) cho ông Lộc với tổng giá trị là 21.750.000.000 đồng, tương ứng 80% vốn điều lệ của Công ty Tân Minh.
Tại Điều 1 của Hợp đồng 08/HĐCN, ông Minh cam kết: số cổ phần mà ông chuyển nhượng cho ông Lộc là cổ phiếu “sạch” (không bị ràng buộc bởi bất kỳ sự cầm giữ, sự yêu sách và các khoản nợ nào).
Khi Hợp đồng 08/HĐCN được ký kết, ông Lộc tiến hành thanh toán tiền theo tiến độ thỏa thuận giữa hai bên rồi tiếp nhận lại vị trí của ông Minh tại Công ty Tân Minh. Đồng thời, yêu cầu ông Minh trả những khoản nợ tồn đọng của Công ty Tân Minh trước thời điểm ký Hợp đồng 08/HĐCN nhằm hiện đúng cam kết của ông Minh về cổ phiếu “sạch” nêu trên. Thế nhưng, ông Minh đã không thực hiện đúng những gì đã ký kết trong Hợp đồng 08/HĐCN về khoản nợ tồn đọng.
Do điều kiện tài chính, ông Lộc đã không thể khắc phục được tình trạng nợ nần của Công ty Tân Minh, nên Ngân hàng buộc phải tiến hành thủ tục phát mại tài sản thế chấp để bảo đảm cho các khoản vay tới hạn.
Cho rằng ông Minh đã không thực hiện đúng cam kết trong Hợp đồng 08/HĐCN, ông Lộc đưa vụ việc ra Tòa.
Có hay không việc “Bội tín” tại Hợp đồng 08/HĐCN?
Trao đổi với báo chí, đại diện phía Nguyên đơn cho rằng, Bị đơn đã “bội tín”, không thực hiện cam kết đã được ghi nhận trong Hợp đồng số 08/HĐCN. Dẫn tới việc, Nguyên đơn từ vị thế một bên có tiền, trở thành “khuynh gia bại sản”, còn Bị đơn, từ vị thế một bên “nợ nần chồng chất”, lại thu thêm được một khoản tiền lớn, đồng thời, rũ bỏ được gánh nợ trong quá khứ.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW: Việc bên chuyển nhượng là Ông Minh cam kết trong hợp đồng là: “…Cổ phần được chuyển nhượng…không bị ràng buộc bởi bất kỳ sự cầm giữ, yêu sách và các khoản nợ nào”, nhưng lại không thanh toán cho ông Lộc các khoản nợ đã tồn tại trước thời điểm chuyển nhượng, là vi phạm hợp đồng, do việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
Thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận trong nội dung của hợp đồng về chất lượng, số lượng, chủng loại của đổi tượng; về thời hạn; về phương thức và các thỏa thuận khác.
Thực hiện hợp đồng một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau.
Khi thực hiện hợp đồng không được làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Có hay không sự “bội tín” trong quá trình thực hiện Hợp đồng 08/HĐCN không chỉ phụ thuộc vào ý kiến của Nguyên đơn hoặc Luật sư, Bị đơn cũng sẽ có những quan điểm, lập luận riêng của mình. Tất cả đang chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa án trên cơ sở sự xem xét khách quan, đầy đủ, toàn diện về vụ việc.
Hợp đồng 08/HĐCN có nguy cơ bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ!
Liên quan đến vấn đề này Luật sư Trần Sơn, Văn phòng Luật sư Trần Sơn và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW nhận định: Hợp đồng 08/HĐCN có nguy cơ bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ!
Theo Luật sư Trần Sơn: Về nguyên tắc, khi nhận chuyển nhượng cổ phần là nhận chuyển nhượng cả “quyền” và “nghĩa vụ”, không chỉ nhận “quyền” mà không nhận “nghĩa vụ”. Lẽ ra, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phải tìm hiểu kỹ tình trạng tài chính, kiểm tra số sách kế toán v.v. thì mới tránh được rủi ro.
Tuy nhiên, rất có thể, trong vụ việc này, ông Lộc đã không nắm được thực trạng của Công ty Tân Minh. Khi đó, hợp đồng có thể bị vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép). ông Lộc có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng 08/HĐCN vô hiệu và yêu cầu ông Minh trả lại tiền, ông Lộc hoàn trả lại toàn bộ 80% cổ phần, hoặc hai bên có thể thỏa thuận lại về việc giải quyết khoản nợ.
Khi hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp; các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản; bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.
Đồng quan điểm với Luật sư Sơn, Luật sư Hà cho biết thêm, nếu xét thấy có hiện tượng lừa dối, thì hợp đồng chuyển nhượng cổ phần sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
"Hợp đồng 08/HĐCN giữa ông Lộc và ông Minh có thể bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 423, Bộ Luật dân sự."- Luật sư Nguyễn Thành Hà thì nhận định.
Bài học “triệu đô” dành cho Doanh nhân
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm: Việc mua lại cổ phần, phần góp vốn doanh nghiệp diễn ra ở nhiều cấp độ, từ các doanh nghiệp có quy mô lớn cho đến những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tránh được những rủi ro pháp lý, do đó thường dẫn tới các tranh chấp không đáng có và những thua thiệt về tài chính, cơ hội kinh doanh và thời gian quý báu khi chuyển nhượng cổ phần.
Thứ nhất, rủi ro đến từ chính công ty được đầu tư:
Một trong những lý do khi cổ đông chuyển nhượng một phần hay toàn bộ cổ phần của mình là gì? Xuất phát từ một vài nguyên nhân chính sau: Người chuyển nhượng muốn có một khoản tiền/lợi ích khác; Người chuyển nhượng và những cổ đông công ty có mâu thuẫn không thể giải quyết; Tình hình làm ăn của công ty không tốt, các nhà đầu tư cũ muốn thu hồi vốn.
Nếu nhà đầu tư không tìm hiểu rõ tình hình của công ty mà mình muốn đầu tư vào thì bài toán lợi nhuận sẽ không có kết quả tốt, vì rất có thể, công ty mà mình muốn đầu tư đang lâm vào tình trạng khó khăn. Hay như trường hợp của Ông Võ Quang Lộc là phải gánh nợ cho công ty mà mình nhận chuyển nhượng cổ phần.
Thứ hai, rủi ro đến từ trình tự chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp:
Theo quy định tại Điều 119 và Điều 126 Luật Doanh nghiệp thì, thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần của cổ đông sáng lập, về cơ bản, bao gồm các bước như sau:
Thông báo chào bán cho thành viên khác theo tỷ lệ vốn với cùng điều kiện trong thời hạn 30 ngày mà không có thành viên nào mua (phải có thông báo chào bán phần vốn góp/cổ phần);
Tổ chức cuộc họp hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông (phải được ghi nhận tại Biên bản họp hội đồng thành viên chấp thuận về việc chuyển nhượng phần vốn góp/Biên bản họp đại hội cổ đông chấp thuận chuyển nhượng cổ phần và Quyết định của hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông về việc chấp thuận việc chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần);
Ký kết Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần giữa thành viên cũ và thành viên mới, giữa cổ đông cũ và;
Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh gửi tới Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư.
Nếu không cẩn trọng, các bên chuyển nhượng có thể bỏ qua một hoặc vài bước trong trình tự thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp/cổ phần và điều đó có thể dẫn đến việc hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu.
Theo Luật sư Hà: Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc nêu trên, thiết nghĩ các Doanh nhân, nhà đầu tư cần:
Thứ nhất, tìm hiểu rõ tình hình của công ty mà mình muốn đầu tư vào vì nếu công ty đang lâm vào tình trạng khó khăn thì bài toán lợi nhuận sẽ không có kết quả tốt. Do đó việc tìm hiểu rõ tình hình của công ty sẽ giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thật của phần vốn góp, cơ hội sinh lợi và xác định chiến lược kinh doanh, tránh được những rủi ro không đáng có.
Thứ hai, có cái nhìn tổng hợp về vấn đề để có thể thực hiện đúng trình tự pháp luật yêu cầu, cụ thể:
Chào bán cho thành viên trong công ty TNHH hoặc cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần.
Đối với hình thức công ty TNHH, việc chuyển nhượng phần vốn góp bắt buộc phải chào bán công khai cho các thành viên khác trong thời hạn 30 ngày với cùng điều kiện (Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014). Do đó, cần lưu ý việc phải có văn bản chào bán gửi cho các thành viên khác và gửi cho công ty thông báo về việc chào bán phần vốn góp trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán. Vậy ngày chào bán là ngày ghi trên Thông báo hay là ngày các thành viên khác nhận được, thông thường chúng ta nên thực hiện và tránh tranh chấp sau này đó là sử dụng ngày gửi tới công ty và niêm yết công khai tại công ty.
Đối với công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định tại Khoản 3 Điều 119 về việc trong thời hạn 03 năm các cổ đông sáng lập nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần thì phải ưu tiên cho nhau kế tiếp rồi mới đến người ngoài, trong trường hợp chuyển nhượng cho người ngoài phải thông qua Đại hội cổ đông.
Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của cổ đông sáng lập.
Thông thường pháp luật không quy định hợp đồng này phải có xác nhận của Công ty, tuy nhiên để đảm bảo tính an toàn nên có mục xác nhận việc chuyển nhượng giữa hai thành viên cũ mới với nhau.
Về mặt nội dung, cần hết sức chú ý tới điều khoản thanh toán và phương thức, điểu kiện thanh toán. Đây là điều khoản mà tính rủi ro rất cao đối với việc mua lại phần vốn góp trong công ty bởi vì nếu không quy định cách thức hoặc các biện pháp bảo đảm để cho nhà đầu tư được bỏ tiền ra an toàn thì có thể họ sẽ phải đối mặt với các rủi ro sau:
Sau khi nhận được tiền vì một lý do nào đấy mà Phòng đăng ký kinh doanh không chấp nhận hồ sơ thay đổi thành viên của Doanh nghiệp đưa lên hoặc trả lại yêu cầu sửa đổi bổ sung mà lúc đó thành viên chuyển nhượng lại không hợp tác để bổ sung các giấy tờ thủ tục thì hậu quả nhà đầu tư sẽ vướng vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, đó là, tiếp tục thì vướng vào thủ tục mà rút lui thì không biết đến bao giờ người bán sẽ trả lại tiền cho mình;
Doanh nghiệp không hợp tác để làm thủ tục lên Phòng đăng ký kinh doanh thay đổi thành viên cho nhà đầu tư. Trường hợp này nhà đầu tư chỉ còn cách khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa án buộc Doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển tên cho nhà đầu tư hoặc rút lui hủy hợp đồng lấy lại tiền (cũng có thể dẫn tới tranh chấp hoặc rủi ro thanh toán lại).
Vì vậy để hạn chế những rủi ro này và đảm bảo cho việc nhận chuyển nhượng một cách an toàn, nhà đầu tư cần thỏa thuận với người nhận chuyển nhượng là khoản tiền thanh toán nên được phong tỏa tại ngân hàng và tài khoản này được giải phóng khi ngân hàng nhận được bản sao đăng ký doanh nghiệp mới có tên của nhà đầu tư. Như vậy, sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện an toàn được thương vụ mà người chuyển nhượng cũng không lo lắng về vấn đề có nhận được tiền không khi mà mình đã làm hết thủ tục giấy tờ sang tên cho nhà đầu tư.
Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/nha-trang-thuong-vu-co-phan-21-ty-va-bai-hoc-trieu-do-cho-doanh-nhan-a199200.html