Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Báo chí góc nhìn về chủ đề: Nhà mạng yêu cầu cung cấp ảnh chủ thuê bao. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1, Thưa luật sư, trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực không chụp ảnh chân dung thuê bao, chỉ cần cung cấp CMND hoặc hộ chiếu để quản lý thì Nghị định 49 lại quy định điều này. Vậy nó thực sự cần thiết không và đó có phải là sự rườm rà trong công tác quản lý cũng như thủ tục hành chính hiện nay?
Trả lời:
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), thông tin thuê bao phải có: Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).
Thực tế thực hiện quy định này từ ngày 24/4/2017 (ngày Nghị định có hiệu lực) đến nay, mọi chuyện không hề dễ dàng, … Có thể nói đây là một quy định mang tính hình thức và rất khó để tuân thủ trong thực tế. Vì:
Thứ nhất, mục tiêu quản lý khi yêu cầu chủ thuê bao cung cấp ảnh chụp là không rõ ràng. Bởi quản lý công dân, quản lý tài sản của công dân thì thường dựa trên số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, hộ chiếu, … (đối với cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập, … (đối với tổ chức) … Trên các giấy tờ này đều đã thể hiện hình ảnh của các cá nhân này rồi. Với tài sản có giá trị lớn như nhà đất, ôtô, chủ tài sản cũng chỉ xuất trình giấy tờ tùy thân chứ không phải cung cấp ảnh chụp cho cơ quan quản lý.
Thứ hai, hình ảnh cá nhân của chủ thuê bao có thể lọt ra ngoài qua các lỗ hổng an ninh mạng mà doanh nghiệp gặp phải. Doanh nghiệp khó lòng cam kết bảo vệ an toàn tuyệt đối khách hàng với hình ảnh của họ.
Thứ ba, bản chất quan hệ pháp lý trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng giữa một bên là người dùng dụng dịch vụ và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Mối quan hệ này là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật. Do đó, việc có cần thêm những thông tin riêng tư khác như hình ảnh cá nhân hay không phải hoàn toàn dựa vào ý chí của các cá nhân đó, điều này được hiến pháp và pháp luật quy định.
2, Nhiều người lo ngại rằng, những thông tin cá nhân của họ như chứng minh nhân dân, địa chỉ, ảnh chụp do nhà mạng quản lý rất có thể sẽ bị lộ ra ngoài. Điều này thì sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng?
Trả lời:
Khả năng bảo mật thông tin phụ thuộc vào năng lực của mỗi nhà mạng. Tuy nhiên, một khi đã cung cấp thông tin cho nhà mạng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro lộ thông tin cá nhân. Bất cứ một hệ thống dữ liệu thông tin, dù được bảo mật an toàn đến đâu vẫn luôn tồn tại các lỗ hổng và đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng. Về mặt lý thuyết không có một hệ thống nào đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đấy là chưa kể trường hợp, cố tình để lộ lọt thông tin cá nhân phục vụ mục đích riêng như rao bán thông tin cá nhân phục vụ mục đích bán hàng. Vì vậy, lo lắng của khách hàng là có cơ sở.
3, Trách nhiệm của nhà mạng là gì trong trường hợp để lộ thông tin của khách hàng? Điều này có được quy định cụ thể trong luật không?
Trả lời:
Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao đã quy định trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, cũng như tại Điểm g Khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, cụ thể:
“g) Bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng quy định xử phạt hành vi này. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng, nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng (Điều 66), và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
4, Nhiều khách hàng cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi của Nghị định 49 khi cho rằng, nếu khách hàng chủ động gửi ảnh thì liệu có đảm bảo tính khách quan, chân thực không? Những người ở vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn thì xử lý như thế nào? Xin luật sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề trên
Trả lời:
Như tôi đã trình bày ở trên, quy định này của Nghị định khó thực thi trên thực tế. Nghị định không quy định nói rõ chủ thuê bao có thể tự chụp rồi gửi cho doanh nghiệp hay chỉ doanh nghiệp mới có quyền chụp. Nếu khách hàng tự chụp, tự gửi thì doanh nghiệp không kiểm soát được tính chân thực. Còn nếu doanh nghiệp phải thực hiện việc chụp ảnh thì lại chưa có chính sách hỗ trợ người ở vùng sâu vùng xa hoặc người đang nằm viện, công tác xa… Trong khi đó, người đang thi hành án muốn nhờ người thân ở nhà duy trì số thuê bao đã đăng ký thì cũng không thể đến điểm giao dịch để chụp ảnh.
5, Chúng ta đang tiến tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian. Theo luật sư,chúng ta cần có những sự điều chỉnh như thế nào để Nghị định 49 phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi nhất cho người dân?
Trả lời:
Nếu trước đây với việc chỉ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân thì việc đăng ký thuê bao khách hàng chỉ cần 5-10 phút là xong. Nay nếu buộc khách hàng phải chụp ảnh mà họ không đồng ý thì giao dịch viên phải thời gian thuyết phục, giải thích mà chưa chắc khách hàng đồng ý.
Ngoài ra, các địa điểm còn phải đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian.
Tuy nhiên, việc đau đầu nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu xem ảnh gửi về có khớp với ảnh trong chứng minh thư của thuê bao hay không là 1 vấn đề không đơn giản.
Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét lại quy định này để có những điều chỉnh phù hợp; đáp ứng chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân.
Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem: