Nhà đầu tư cần lưu ý gì để tránh mua cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Nội dung bài viết

Việc hủy niêm yết cổ phiếu do vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán không phải là điều gì quá xa lạ trên thị trường chứng khoán quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, khi “giữ lại cũng khó mà bán cũng không xong”. Vậy nhà đầu tư cần lưu ý gì để tránh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan này?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ra quyết định huỷ niêm yết 709.997.807 cổ phiếu FLC. Theo HOSE, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. HOSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xét thấy cần thiết phải huỷ niêm yết và ngày huỷ niêm yết có hiệu lực 20/2/2023. Ngay sau đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu FLC từ thị trường cổ phiếu niêm yết của HOSE sang thị trường UPCoM của HNX.

Liên quan đến việc quyết định hủy niêm yết cổ phiếu nói chung và cổ phiếu FLC nói riêng, theo khoản 1, Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của UBCKNN; Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên; Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng; Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết; Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét; Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;  Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp; UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết; Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán; Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư...

Theo các chuyên gia chứng khoán, việc huỷ niêm yết chứng khoán có ý nghĩa rất quan trọng như: tạo một môi trường đầu tư minh bạch, đồng thời thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường; giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, có trách nhiệm với các nhà đầu tư hơn.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Để tránh tình trạng này, theo ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trước khi quyết định mua cổ phiếu, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn công ty, xem xét khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật nói chung, tuân thủ quy định về công bố thông tin nói riêng cũng như cần tìm hiểu thông tin ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều hành các công ty (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc...) nhằm mục đích đánh giá uy tín của công ty và quản trị rủi ro trong việc đầu tư.

Đồng thời, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị hủy do lỗi từ phía công ty thì nên bán ngay tại thời điểm tình hình kinh doanh không tốt nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Nguồn:https://thitruongvietnam.vn/tai-chinh/nha-dau-tu-can-luu-y-gi-de-tranh-mua-co-phieu-bi-huy-niem-yet-530152.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan