Dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến ngày 13/10/2023. Sau gần 3 tháng hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, mới có 190 mã trái phiếu đăng ký giao dịch, đạt tỷ lệ hơn 14%. Trong khi đó, ngày 19/10/2023 là hạn cuối để doanh nghiệp đưa trái phiếu riêng lẻ lên sàn giao dịch tập trung. Trao đổi trực tiếp giữa phóng viên Việt Nam Plus với Luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ông Hà trả lời:
Nguyên nhân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chậm lên sàn
Để có thêm góc nhìn về nguyên nhân doanh nghiệp không “mặn mà” đưa trái phiếu lên sàn giao dịch, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW.
Theo quy định, hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn, tùy theo thời gian quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán sẽ bị xử phạt từ 10 - 400 triệu đồng; đồng thời, có thể bị xử phạt bổ sung tùy theo mức độ và hành vi. Thực tế, dù đã có chế tài xử phạt nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn rất ít doanh nghiệp đưa trái phiếu lên sàn, theo ông nguyên nhân là gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nhiều doanh nghiệp chậm lên sàn vì họ lo ngại rằng việc lên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ làm giảm giá trị của trái phiếu, do sự biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các trái phiếu khác.
Hơn nữa, việc lên sàn cũng có thể làm lộ ra những thông tin nhạy cảm hoặc bất lợi của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của họ.
Cùng đó, nhiều nhà đầu tư chưa quen với việc giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn, do thiếu thông tin và kiến thức về thị trường này. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng chưa có nhu cầu bán trái phiếu riêng lẻ, mà chỉ muốn giữ trái phiếu đến hạn để nhận lãi suất cao.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư, do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số tin không chính thống, tin thất thiệt về doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Ông có đề xuất gì để đẩy nhanh tiến trình doanh nghiệp đưa trái phiếu lên sàn?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để đẩy nhanh tiến trình doanh nghiệp đưa trái phiếu lên sàn cần tạo ra một thị trường minh bạch. Theo đó, về phía doanh nghiệp cần phải công bố thông tin về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn, mức độ rủi ro và các điều kiện phát hành trái phiếu một cách rõ ràng và đầy đủ, để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và tăng uy tín trên thị trường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng nên nỗ lực hết mình để tiếp tục khắc phục những rủi ro, nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để ứng phó với những vấn đề phát sinh trên thực tiễn, chấn chỉnh đối tượng trên thị trường không tuân thủ quy định của pháp luật, để tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo chất lượng trái phiếu. Doanh nghiệp cần có một kế hoạch kinh doanh hiệu quả, có khả năng sinh lời và trả nợ đúng hạn, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro phá sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có sự đánh giá của các tổ chức tín dụng uy tín, để cung cấp cho nhà đầu tư một thước đo về chất lượng trái phiếu.
Doanh nghiệp cần thích ứng với nhu cầu và thị hiếu của nhà đầu tư, bằng cách điều chỉnh các điều kiện phát hành trái phiếu như kỳ hạn, lãi suất, phương thức trả lãi, quyền chuyển đổi… để phù hợp với xu hướng thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các bên liên quan như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty lưu ký… để hoàn thành các thủ tục pháp lý, kỹ thuật và quản lý liên quan đến việc phát hành và giao dịch trái phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, có khả năng góp vốn lớn và ổn định, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu.
Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hoạt động của sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 19/7/2023, giúp tăng cường minh bạch, an toàn và thanh khoản cho loại hình đầu tư này.
Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được xây dựng và vận hành bởi HNX, với sự phối hợp của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Hệ thống giao dịch này cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của HNX, trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của VSDC và thanh toán các giao dịch theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch hoặc thanh toán vào cuối ngày giao dịch.
Sàn giao dịch cũng có tác dụng giúp cho thị trường trái phiếu phục hồi. Tuy nhiên, để đánh giá về hiệu quả của mô hình này cần có thời gian để kiểm chứng và hoàn thiện về mặt pháp lý và kỹ thuật.
Doanh nghiệp có lợi ích gì khi đưa trái phiếu lên sàn, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trái phiếu doanh nghiệp lên sàn giúp nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch tập trung trên sàn sẽ giúp toàn bộ giá giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp được công khai và minh bạch.
Từ đó hỗ trợ nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn trong các quyết định mức giá giao dịch của mình. Đồng thời giúp chính các doanh nghiệp phát hành có thêm thông tin về giá trái phiếu thứ cấp của chính mình phát hành, và của các doanh nghiệp cùng ngành từ đó doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch huy động vốn ở mức chi phí phù hợp.
Bên cạnh đó, khi trái phiếu lên sàn sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch mua-bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dễ dàng hơn. Trước đây, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cần xử lý nhiều giấy tờ và liên quan nhiều con người, khi giao dịch qua sàn sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí cho các bên, từ đó thúc đẩy việc mua bán diễn ra thuận lợi hơn.
Điều có thể coi là quan trọng trong trung và dài hạn, đó là khi thị trường tăng được tính minh bạch, thanh khoản đồng thời với việc xếp hạng tín nhiệm được phổ biến hơn, thì thị trường sẽ hình thành được đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp.
Việc hình thành đường cong lợi suất trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp nhà đầu tư, nhà phát hành có thêm thông tin cho việc quản trị rủi ro hay định giá trái phiếu doanh nghiệp, mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách quản lý được sức khỏe và sự ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung./.