Nguyên nhân khiến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa đi vào thực tế?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên VTV về vấn đề: Nguyên nhân khiến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa đi vào thực tế? Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Thưa ông, Nghị định 23/2018 của chính phủ có điểm gì khác so với ND35/2003 (Phải là Nghị định số 130/2006/NĐ-CP) trước đó quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc?

Trả lời:

Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được triển khai theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP. Các văn bản pháp luật này đã tạo lập hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất cho các doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao nhận thức về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ của các tổ chức, cá nhân; tạo công cụ cho các bộ và các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý, giám sát bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Qua thực tiễn triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, cùng với việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2013 và Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP cũng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Do đó, ngày 23/2/2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018 và thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Những điểm mới của Nghị định 23/2018/NĐ-CP:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng:

Nghị định 23/2018/NĐ-CP áp dụng đối với: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP (bên mua bảo hiểm); doanh nghiệp bảo hiểm; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Thứ hai, về nguyên tắc tham gia bảo hiểm cháy, nổ:

Nghị định quy định bổ sung như sau: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.

Thứ ba, về đối tượng bảo hiểm cháy, nổ

Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định: đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: (a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; (b) các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Nghị định này đã mở rộng đối tượng bảo hiểm cháy, nổ so với quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP:

“Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó”.

Thứ tư, quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu:

Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định: “Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thoả thuận”.

Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định như sau: 1. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:

a) Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

b) Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan”.

Như vậy, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với Nghị định số 130/2006/NĐ-CP. Theo đó, việc xác định giá thị trường của tài sản cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức khấu trừ bảo hiểm. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

  1. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa đi vào thực tế? Do người dân chưa thực sự quan tâm hay có bất cập trong quá trình thực hiện?

Trả lời:

Việc đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện quyền lợi của người dân đối với tài sản của chính mình. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Vậy nguyên nhân vì sao?

Thứ nhất, do chưa được tuyên truyền rộng rãi về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bên rất ít cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia loại hình bảo hiểm này. Hoặc đa số người dân khi tham gia chỉ thực hiện đóng bảo hiểm cho tài sản cố định hoặc chỉ đóng bảo hiểm cho những loại tài sản ít giá trị nhất. Điều này khiến cho ý nghĩa của việc san sẻ rủi ro không còn tác dụng.

Thứ hai, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ phía người dân, còn phải bàn đến những vướng mắc nội tại của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, thủ tục thực hiện bảo hiểm cháy nổ còn nhiều chồng chéo, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm.

Cụ thể như khách hàng chỉ được giao kết hợp đồng khi đã được cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được thực hiện triệt để. Các đơn vị bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ chưa được công khai nên doanh nghiệp bảo hiểm phải bán bảo hiểm tự nguyện theo quy tắc và biểu phí tự xây dựng.

Thứ ba, chế tài xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh không tham gia bảo hiểm còn nhẹ, chưa mang tính chất răn đe. Một số cơ sở chấp nhận nộp phạt hành chính do mức phạt thấp hơn mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đóng.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chưa thật sự chặt chẽ. Điều này dẫn đến một số trường hợp nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng không được cấp giấy chứng nhận an toàn Phòng cháy chữa cháy đã chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện để hưởng phí.

3.Qua việc phân tích nguyên nhân, xin ông đánh giá tính khả thi của quy định này?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định:

1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:

a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.

b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm)”.

Chưa biết quy định trên liệu có đi vào thực tế hay không, nhưng đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhất là các hãng có doanh thu đáng kể từ mảng này. Bởi theo các doanh nghiệp, tài sản của tư nhân thì cũng là của cải của xã hội. Để đảm bảo khắc phục rủi ro thì cần duy trì quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP.

Theo tôi, để quy định của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP đi vào thực tế thì các cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn việc thực hiện loại hình bảo hiểm này cùng các cơ chế tài chính thích hợp, … Ði kèm với đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để chủ các cơ sở hiểu đúng bản chất của việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp vi phạm trục lợi bảo hiểm, cơ quan chức năng cần phải quy định rõ các hình thức và mức phạt đủ sức răn đe đồng thời ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, bảo hiểm cháy nổ chỉ đơn thuần là hình thức bảo vệ tài sản cho người dân khi trường hợp xấu nhất xảy đến, chính các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức bổ ích về phòng cháy chữa cháy. Điều đó không chỉ bảo vệ được giá trị tài sản của chính mình mà còn mang ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và xã hội.

Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem:

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan